Sau hàng loạt vụ sụp đổ, các công ty cho vay ngang hàng của Trung Quốc đang phải đấu tranh để tồn tại
Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế khoản nợ khổng lồ và việc áp dụng luật chặt chẽ hơn đã khiến hàng trăm nền tảng cho vay P2P đóng cửa hoặc thậm chí là sụp đổ. Áp lực đối với ngành này có thể sẽ thúc đẩy các thương vụ thâu tóm từ những nhà cho vay lớn.
- 26-01-2019Làm ăn bết bát, một loạt "ông lớn" ngành ngân hàng Mỹ ngừng bảo lãnh phát hành cho các công ty cho vay P2P của Trung Quốc
- 03-10-2018Hồi chuông báo động trong ngành tài chính Trung Quốc: Các nền tảng cho vay P2P liên tiếp sụp đổ, huỷ hoại cuộc sống của hàng nghìn người
- 19-08-2018Kinh tế Trung Quốc thêm một nỗi lo: Khủng hoảng cho vay ngang hàng, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mất trắng
Năm 2019 này, các công ty cho vay ngang hàng của Trung Quốc phải rất chật vật để có thể tồn tại, với số lượng các nhà khai thác dịch vụ này dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm thứ 2 liên tiếp. Đó là bởi chính phủ Trung Quốc tiếp tục có những biện pháp nghiêm khắc hơn đối với loại hình dịch vụ tư nhân này.
Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế khoản nợ khổng lồ và việc áp dụng luật chặt chẽ hơn đã khiến hàng trăm nền tảng cho vay P2P đóng cửa hoặc thậm chí là sụp đổ. Năm 2018, số lượng các nền tảng này giảm đến 52% xuống còn hơn 1000 công ty, với tổng số dư cho vay giảm 20%. Các chuyên gia của Wangdaizhijia, công ty chuyên cung cấp số liệu về cho vay trực tuyến ở Trung Quốc, dự đoán con số này sẽ còn giảm xuống còn khoảng 300 đến 500 nền tảng vào cuối năm nay. Áp lực đối với ngành này dự kiến sẽ thúc đẩy các thương vụ thâu tóm của những nhà cho vay lớn.
Nền tảng cho vay trực tuyến Modai đã sụp đổ vào cuối năm ngoái, cánh cửa bên ngoài văn phòng của công ty này dán một tờ giấy thông báo rằng họ vẫn đang được các cơ quan quản lý tài chính điều tra. Các nhà đầu tư cá nhân, đã chi 1 tỷ NDT (149 triệu USD) tiền mặt cho công ty có tên "chiếc túi ma thuật" này, hiện còn đang băn khoăn liệu họ có thể nhận lại số tiền trên hay không.
Các nền tảng cho vay P2P kết nối những người có tiền dự trữ với những người đang cần tiền và dịch vụ này bắt đầu "lên ngôi" ở Trung Quốc vào khoảng năm 2015. Dẫn đầu ngành công nghiệp này là Weidai đã thu hút các nhà cho vay vào website của họ với những lời quảng cáo rất hấp dẫn như "BMW được sử dụng để làm tài sản thế chấp. Lãi suất một tháng ở mức 5%."
Các nền tảng này đăng tải thông tin về các hạng mục đầu tư sau khi xác minh các thủ tục đăng ký xe và nhận dạng của người đi vay. Người đi vay thường kinh doanh tự do hoặc sở hữu những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong việc nhận tín dụng từ ngân hàng. Đôi khi các nhà cung cấp dịch vụ cho vay P2P sẽ bó các khoản vay thành một khoản chung và kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư theo gói.
Các khoản vay không được đảm bảo như thế này thường có mức lãi suất hàng năm từ 8% đến 10% và các nền tảng P2P, là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư kể từ bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ tung vào mùa hè năm 2015. Các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) được bán tại nhiều ngân hàng thường an toàn hơn, nhưng lãi suất chỉ từ 4% đến 5% mỗi năm.
Thị trường cho vay trực tuyến đã phát triển nhanh chóng. Trong năm 2015, đã có gần 3500 nền tảng cho vay P2P hoạt động, đến cuối năm 2017 thì khoản dư nợ cho vay của họ đã lên tới hơn 1 nghìn tỷ NDT. Ngành công nghiệp này bắt đầu đối mặt với những cơn "rung lắc" từ năm ngoái, sau khi chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định sẽ kiềm chế các khoản tín dụng dư thừa, dù việc đó có thể khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Ông Tập lo ngại về việc các công ty đang làm ăn bết bát sẽ cầm cự bằng cách tìm đến những nền tảng cho vay trực tuyến, bên cạnh đó lĩnh vực này cũng tồn tại rất nhiều hoạt động lừa đảo.
Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng kiểm tra nghiêm ngặt tài khoản của những công ty cho vay P2P, 80% trong số được cho là không tách được vốn hoạt động khỏi các quỹ đang được ngân hàng quản lý. Bởi quy mô của các giao dịch môi giới của nhiều công ty P2P chỉ tổng cộng khoảng 1 triệu USD, nên việc ngành công nghiệp này phải đối mặt với sự co hẹp là điều không thể tránh khỏi nếu các ngân hàng siết chặt việc kiểm tra các khoản cho vay.
Một số nền tảng cho vay P2P chỉ là mô hình Ponzi, nhưng số lượng đáng kể sụp đổ vào năm ngoái lại là do khủng khoảng thanh khoản. Đến giữa năm ngoái, Modai dự định sẽ hoàn trả cho các nhà đầu tư trước khi thanh toán mọi khoản và ngừng hoạt động.
Số lượng các nền tảng P2P ở Trung Quốc đã giảm 2/3 so với thời điểm ngành công nghiệp này ở thời điểm "nóng", trong khi khoản dư nợ cho vay đã giảm xuống dưới 800 tỷ NDT. Theo đó, khoảng 10 công ty P2P "lên sàn" trong hoặc ngoài thị trường Trung Quốc và những thương vụ sáp nhập như của Weidai, Yirendai và PPDAI Group có thể sẽ được tích cực thúc đẩy trong thời gian tới.
Các nhà lập quy đã thúc đẩy việc thực hiện những động thái quyết liệt đối với ngành công nghiệp này sau khi nhiều nền tảng lừa đảo, bỏ trốn với hàng tỷ NDT vào năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng việc siết chặt quản lý với tốc độ nhanh như vậy sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.