Sau hành tây và cà chua, một loại củ giá rẻ tại Việt Nam lại lên cơn sốt do biến đổi khí hậu, giá tăng vọt từ Á sang Âu
Giá mặt hàng này đắt gấp 3 lần tại châu Âu và tăng hơn 100% tại châu Á.
- 31-07-2024Ấn Độ, Pakistan đua nhau cấm xuất khẩu một loại củ rất quan trọng: Giá tăng phi mã chỉ trong 1 năm, Việt Nam trồng được rất nhiều
- 26-07-2024Loại củ giá rẻ bán đầy chợ Việt được Trung Quốc bao mua: Mang về gần 684 triệu USD, là loại thuốc quý chữa bách bệnh
- 16-07-2024Phó Chủ tịch cùng Bí thư huyện về thăm trang trại của team Quang Linh châu Phi, 'đứng hình' trước giàn củ quả độc lạ từ Việt Nam
Vụ mùa khoai tây năm 2023 không đạt được kết quả như mong đợi do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Mưa nhiều đã khiến đất đai ngập úng, gây khó khăn cho việc thu hoạch và làm giảm năng suất.
Tình trạng này còn trở nên tồi tệ hơn khi mùa mưa kéo dài sang đầu năm 2024, khiến việc trồng khoai tây bị trì hoãn. Điều này dự kiến sẽ dẫn đến vụ mùa 2024 bị chậm trễ và sản lượng thấp hơn so với bình thường.
Tại Bỉ, khoai tây là loại lương thực phổ biến, được trồng trên diện tích 100.000 ha, tương đương với 150.000 sân bóng đá. Con số này vượt xa nhu cầu tiêu thụ quốc gia. Trong những năm gần đây, Bỉ thậm chí còn trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về các sản phẩm chế biến như khoai tây chiên giòn và khoai tây chiên đông lạnh.
Jean-Pierre Van Puymbrouck, một nhà sản xuất khoai tây ở Tourinnes-Saint-Lambert, đánh giá vụ thu hoạch năm 2023 rất tệ, máy móc không thể thu hoạch được và nông dân mất 10% sản lượng. Do đó, nguồn khoai tây dự trữ đã cạn kiệt nhanh hơn bình thường.
Điều này giải thích cho việc giá khoai tây tăng vọt trong tháng 6, 600 euro/tấn, đắt gấp 3 lần so với giá thông thường. Sự tăng giá này đã tạo ra cơn sốt trên thị trường bán buôn khoai tây bảo quản, nhưng chưa ngay lập tức ảnh hưởng đến người tiêu dùng cuối cùng.
Mùa xuân mưa nhiều đã làm chậm quá trình trồng trọt cho vụ thu hoạch năm 2024. Ông Jean-Pierre Van Puymbrouck cho biết đã trồng cây đến cuối tháng 6. Điều này muộn hơn rất nhiều so với thường lệ. Do đó, mùa thu hoạch sẽ bị lùi lại, và trừ khi mùa hè tới có thời tiết hoàn hảo, nếu không nó có nguy cơ thấp hơn so với mức trung bình một năm.
Tất nhiên, không chỉ có Bỉ sản xuất khoai tây. Các thương nhân có thể tìm nguồn cung từ Đức, Hà Lan hoặc miền Bắc nước Pháp, nhưng không thể nói rằng điều kiện thời tiết ở đó tốt hơn so với ở Bỉ.
Dự kiến sẽ có sự căng thẳng ngày càng gia tăng trên thị trường khoai tây tươi trong những tuần tới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá gói khoai tây trong các cửa hàng. "Có thể sẽ tăng từ 10 đến 20%", ông Jean-Pierre Van Puymbrouck tính toán.
Sự tăng giá khoai tây tươi cũng sẽ tác động đến 4.500 cửa hàng khoai tây chiên ở Bỉ. Ông Bernard Lefèvre, Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất khoai tây chiên (UNAFRI ) cho biết ảnh hưởng này sẽ ít hơn so với gói khoai tây trong cửa hàng bởi vì khoai tây chỉ chiếm khoảng 10% giá thành của một gói khoai tây chiên.
Trong hai năm qua, xung đột ở Ukraine và lạm phát, giá gói khoai tây chiên đã tăng khoảng 25%.
Không chỉ châu Âu, một quốc gia châu Á khác cũng đang chứng kiến giá khoai tây tăng vọt, đó là Bangladesh. Theo các nhà kinh doanh trên thị trường, giá khoai tây tại quốc gia này tăng trong bối cảnh sản lượng giảm vì nông dân ngày càng chuyển sang các loại cây trồng có lợi nhuận cao hơn trong khi điều kiện thời tiết xấu cũng làm giảm nguồn cung.
Theo Cục Khuyến nông (DAE), diện tích đất canh tác Bangladesh đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm qua, từ 464.000 ha trong năm tài chính 2021-22 xuống còn 455.000 ha trong năm tài chính hiện tại.
Dữ liệu từ Tổng công ty Thương mại Bangladesh (TCB) cho thấy giá khoai tây trung bình đã tăng tới 15 Tk/kg, tương đương 59,57%, trong tháng qua. Đặc biệt, giá khoai tây ở thủ đô Dhaka đã tăng tận 108,33% so với cùng kỳ năm trước, từ khoảng 16 Tk lên 20 Tk/kg vào tháng 5 năm 2022.
Bên cạnh đó, khoai tây cũng là một trong những loại cây trồng chiến lược của Ai Cập và là lương thực chính mà người dân Ai Cập trông cậy, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang trải qua làn sóng lạm phát và sức mua thấp do đồng nội tệ bị phá giá lần thứ tư.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, xuất khẩu khoai tây đứng sau trái cây họ cam quýt là mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu, đạt mức cao kỷ lục trên một triệu tấn vào năm 2023.
Giá khoai tây tại đây tăng do cầu cao hơn cung, có thể chịu tác động tàn phá của biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho một phần mùa màng và tình trạng thiếu hụt đô la Mỹ ở Ai Cập trong hơn hai năm. Nó đã ảnh hưởng đến việc nhập khẩu hạt giống khoai tây cho mùa vụ kết thúc vào ngày 30 tháng 6. Dự kiến giá khoai tây tăng đột biến trên thị trường địa phương sẽ biến mất khi mùa vụ mới bắt đầu vào tháng 11.
Năng suất trên một mẫu Anh đã giảm từ 14-16 tấn vào năm 2023 xuống còn 9-12 tấn vào năm 2024, trong khi năng suất từ hạt giống còn sót lại tại địa phương đạt khoảng 7-10 tấn/mẫu Anh.
Do đó, lượng hàng hóa đưa vào thị trường để giao dịch hằng ngày đã giảm 35-40%, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá lên mức hiện tại.
Tham khảo: rtbf, ahram
Nhịp sống thị trường