MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau hợp nhất UberEats ĐNÁ, GrabFood đã chính thức tiến công Sài Gòn, nhưng tại sao Now (Foody) và tất cả đối thủ giao đồ ăn ở Đông Nam Á chẳng việc gì phải sợ?

23-05-2018 - 14:37 PM | Doanh nghiệp

Sau hợp nhất UberEats ĐNÁ, GrabFood đã chính thức tiến công Sài Gòn, nhưng tại sao Now (Foody) và tất cả đối thủ giao đồ ăn ở Đông Nam Á chẳng việc gì phải sợ?

GrabFood - Dịch vụ giao đồ ăn của Grab, hiện vừa xuất hiện tại Việt Nam sau khi đã có mặt tại Indonesia và Thái Lan. Sau khi hợp nhất dự kiến với Uber Eats, Grab dự định sẽ xây dựng hệ thống dựa trên sự mở rộng cơ sở ban đầu và thúc đẩy sự hiện diện ở các quốc gia khác trong khu vực.

"Chúng tôi sẽ nhanh chóng mở rọng GrabFood đến tất cả các quốc gia lớn ở khu vực Đông Nam Á trong quý tới. Chúng tôi cũng sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho hệ sinh thái đang ngày càng phát triển gồm người tiêu dùng, tài xế và các nhà bên trung gian - mà hiện là các đối tác cung ứng và giao vận", đồng sáng lập Tan Hooi Ling của Grab cho biết trong tuyên bố mới đây.

Trong khi GrabFood gấp rút triển khai kế hoạch mở rộng quy mô lớn, các đối thủ cạnh tranh của họ không ai chịu khoanh tay chờ đợi, tất cả đều đã có phương án cho riêng mình.

Đất có thổ công, sông có hà bá, Đông Nam Á đâu cũng có người quen

Thái Lan

Foodpanda, một trong những đối thủ lớn nhất trong khu vực của Grabfood, cho rằng việc Grab mua Uber Đông Nam Á là bởi đối thủ không thể thích ứng với thị trường khu vực.

"Uber và UberEats thất bại ở Đông Nam Á là bởi không tồn tại cái gọi là sự thích nghi với thị trường khu vực và Uber không hiểu sự khác biệt cũng như thách thức của các quốc gia đang phát triển so với các thị trường phát triển. Grab ở mặt nào đó đã làm tốt trên mặt trận này (đối với việc vận chuyển và thanh toán), làm rất nhanh và nuột", đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Foodpanda Thái Lan Alexander Felde nhận xét trên tờ Qsrmedia Asia.

Sau hợp nhất UberEats ĐNÁ, GrabFood đã chính thức tiến công Sài Gòn, nhưng tại sao Now (Foody) và tất cả đối thủ giao đồ ăn ở Đông Nam Á chẳng việc gì phải sợ? - Ảnh 2.

Các đối tác giao hàng và nhà hàng của Uber Eats đã chính thức chuyển sang hệ thống của GrabFood vào tháng 5 này. Từ quan sát trong ngành, ông Felde nhận định tình hình hợp nhất sau khi Uber và Grab sáp nhập ở Thái Lan dường như "có chút lộn xộn" do cảm giác "không chắc chắn" từ phía các cổ đông.

"Nhân viên chưa được chuyển giao, tài xế không chắn chắn và ngừng nhận đơn đặt đồ ăn, còn các nhà hàng thì không phải ai cũng được thông tin về vụ quá trình sáp nhập đang diễn ra cả".

Dự đoán khả năng tiếp cận của GrabFood ở Thái Lan, FoodPanda kiên định với kế hoạch đặt ra cho năm 2018, gồm chú trọng vào các bếp nấu thực phẩm và kế hoạch ra mắt dịch vụ streetpanda - dịch vụ chuyên biệt phục vụ giao thức ăn đường phố.

Hiện tại FoodPanda ở Thái đang có khoảng 600.000 khách truy cập hàng tháng trên các ứng dụng di động và dự tính sẽ mở rộng hoạt động sang Phuket vào tháng 5.

Singapore

Các đối tác của Foodpanda ở Singapore duy trì vị thế vững chãi nhờ sự hiện diện khắp đảo quốc, dịch vụ nhà hàng đa dạng và dịch vụ khách hàng chất lượng cao.

"Chúng tôi có thể phục vụ khách hàng ở tất cả mọi nơi trên đất Singapore theo nghĩa đen, và chỉ duy nhất chúng tôi làm được việc đó. Chúng tôi cũng đã chứng kiến nhiều người chơi đến và đi trong nhiều năm qua, tất cả đều cố gắng có thể chiếm một không gian trên thị trường này bằng chiến lược đốt tiền, và kết cục thường là không thể trụ vững trong dài hạn. Chúng tôi tới đây để ở lại nơi này", giám đốc điều hành Foodpanda Singapore Luc Andreani nói với tờ Qsr Asia.

Để tăng cường hơn nữa các dịch vụ, FoodPanda Singapore muốn tận dụng những thế mạnh về cơ sở hạ tầng và các thuật toán công nghệ tiên tiến để tạo nên những đổi mới đột phá về mặt công nghệ cho công ty.

"Hiện tại doanh nghiệp này đang xem xét công nghệ bay không người lái (drone) đối với một số điểm trong quá trình giao vận. Foodpanda cũng khai thác công nghệ chat bot để hỗ trợ trải nghiệm khách hàng", Andreani cho biết thêm.

Sau hợp nhất UberEats ĐNÁ, GrabFood đã chính thức tiến công Sài Gòn, nhưng tại sao Now (Foody) và tất cả đối thủ giao đồ ăn ở Đông Nam Á chẳng việc gì phải sợ? - Ảnh 3.

Deliveroo Singapore cũng không mấy bối rối trước câu chuyện sáp nhập giữa GrabFood và UberEats trong khu vực Đông Nam Á.

"Hoàn toàn ngược lại. Đây là một cơ hội lớn cho Deliveroo khi mà chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tiến lên mạnh hơn,trong lúc các đối thủ phải bán mình và rời đi. Ngành giao đồ ăn ở Singapore là một thị trường cạnh tranh khốc liệt và các thương hiệu đang phát triển mạnh đều chỉ tập trung riêng vào mảng đồ ăn mà thôi", Tổng giám đốc của Deliveroo Singapore, Siddharth Shanker cho biết.

Deliveroo tuyên bố đã tạo ra 85 triệu đô la Singapore (khoảng 64 triệu USD) cho ngành công nghiệp nhà hàng ở quốc đảo này, và tạo việc làm cho gần 4.000 người. Trong vài năm tới, công ty có kế hoạch tiếp tục tập trung vào việc mở rộng thị trường và đầu tư vào công nghệ.

"Deliveroo đã nhận ra những lợi ích của việc đầu tư của mình vào công nghệ, thông qua việc áp dụng các thuật toán phân phối theo thời gian thực đẳng cấp thế giới mang tên "Frank". Công nghệ này dự đoán đẳng cấp này có thể đánh giá cách phân phối một cách hiệu quả nhất các đơn hàng dựa trên vị trí của các nhà hàng, tài xế và khách hàng. Kể từ khi đưa lên online vào đầu năm 2017, thuật toán này đã giúp cải thiện thời gian giao đồ ăn thêm 15%, và giúp Singapore trở thành 1 trong những thị trường hiệu quả nhất của Deliveroo trên toàn cầu", Shanker nói thêm.

Sau hợp nhất UberEats ĐNÁ, GrabFood đã chính thức tiến công Sài Gòn, nhưng tại sao Now (Foody) và tất cả đối thủ giao đồ ăn ở Đông Nam Á chẳng việc gì phải sợ? - Ảnh 4.

Honestbee Singapore lại dự tính duy trì sự đa dạng của các nhà cung cấp và các đối tác trên thị trường giao đồ ăn và tiếp tục mở rộng ra khu vực kể từ khi ra mắt năm 2015.

"Chúng tôi là người đầu tiên cung cấp dịch vụ giao đồ ăn theo yêu cầu ở Singapore, và khách hàng của chúng tôi có thể đặt hàng từ nhiều quầy hàng trong cùng một khu vực bán hàng rong và thanh toán luôn bằng 1 giỏ mua hàng. Hiện giờ, người Singapore có thể có bất cứ món ăn nào họ ưa thích ngay trước cửa mà không cần rời khỏi nhà hay văn phòng", giám đốc quản lý Honestbee Singapore Chris Urban cho biết.

Việt Nam

So với các láng giềng khu vực, thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam cũng đang tỏ ra vô cùng hấp dẫn. GrabFood bước đầu đã được triển khai tại TPHCM từ tháng 5 này, tuy nhiên đối thủ tại Việt Nam của ứng dụng này hứa hẹn sẽ không hề dễ nhằn.

Gương mặt đình đám nhất trên thị trường Việt Nam hiện tại là Now (tên cũ là DeliveryNow), ứng dụng đặt và giao đồ ăn của Foody Corp.

Foody.vn được thành lập vào năm 2012, là mạng xã hội chuyên cung cấp các đánh giá về quán ăn ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Bắt đầu với phiên bản web, Foody được nhanh chóng chuyển hẳn sang ứng dụng di động để tạo sự khác biệt. Nhưng nguồn thu từ quảng cáo của Foody được cho là không bền vững vì sự xâm lấn của Facebook.

Để tồn tại, Foody cần phải gắn chặt người sử dụng với họ hơn, ở đây là cả nhà hàng và thực khách. Trong quá trình định nghĩa lại sản phẩm trên ứng dụng di động, Foody được chuyển vào vị trí trung tâm trong hệ sinh thái, nơi cung cấp thông tin cho các dịch vụ vệ tinh như đặt bàn, giao hàng, chương trình khuyến mãi.

Với website, các mảng được phân chia riêng biệt: đánh giá, khám phá quán ăn với Foody.vn, đặt bàn với TableNow và giao hàng với DeliveryNow (nay là Now).

Đa dạng hệ sinh thái cũng kéo theo nhiều nguồn thu. Nếu như trước đây Foody chỉ có nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo thì nay có thêm từ dịch vụ giao nhận, đặt bàn và phần mềm bán hàng.

Với tốc độ ra tiền liền tay, Now nhanh chóng trở thành con gà đẻ trứng vàng của Foody và đang ở vị thế của người dẫn đầu trên thị trường này ở Việt Nam. Với hệ sinh thái đa dạng tập trung vào thị trường ăn uống, Foody nói chung và Now nói riêng có quá nhiều lợi thế so với các đối thủ nhỏ lẻ chỉ review nhà hàng, chỉ đặt bàn hay giao nhận.

Theo chia sẻ của một nhân vật thạo tin trong ngành, ở thời điểm hiện tại, số lượng đối tác nhà hàng trên hệ thống này hiện vào khoảng trên 30.000, đội shipper của Foody cũng đang hoạt động hết công suất để đáp ứng gần 25.000 đơn hàng mỗi ngày. Chia sẻ với Nhịp cầu đầu tư hồi năm ngoái, founder Foody Đặng Hoàng Minh cho biết công ty thu về từ 10-20% giá trị trên mỗi đơn hàng.

Sau hợp nhất UberEats ĐNÁ, GrabFood đã chính thức tiến công Sài Gòn, nhưng tại sao Now (Foody) và tất cả đối thủ giao đồ ăn ở Đông Nam Á chẳng việc gì phải sợ? - Ảnh 5.

Với những lợi thế trên thị trường dịch vụ ăn uống, Foody nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Lần đầu tiên Foody được cấp vốn bởi CyberAgent Ventures vào năm 2012, sau đó CyberAgent Ventures cùng với Pix Vine Capital – một nhà đầu tư Singapore – tiếp tục cấp vốn cho Foody.vn ở giai đoạn A. Lần đầu tư của Garena hồi đầu tháng 7/2015 thuộc giai đoạn B và Tiger Global Investment đầu tư giai đoạn C cho Foody cùng vào tháng 7/2015. Giá trị các khoản đầu tư đều không được các bên tiết lộ.

Thách thức hiện tại của Now là thời gian giao hàng, một điểm trừ khá lớn đang khiến khách hàng phàn nàn sau khi tăng tốc quá nhanh trong 2 năm vừa qua. Theo đánh giá từ một chuyên gia, nguyên nhân chính khiến tốc độ giao chậm của Now là bởi quy trình vận hành chưa thực sự tinh gọn, automation còn yếu nên việc can thiệp của bằng tay còn lớn. Điều này sẽ tạo áp lực lớn khi quy mô tăng mạnh. Nếu đối thủ mới làm tốt hơn, công ty dễ có nguy cơ mất khách.

Sau hợp nhất UberEats ĐNÁ, GrabFood đã chính thức tiến công Sài Gòn, nhưng tại sao Now (Foody) và tất cả đối thủ giao đồ ăn ở Đông Nam Á chẳng việc gì phải sợ? - Ảnh 6.

Ảnh: Nhịp cầu đầu tư

Có mặt sớm hơn Now là Vietnammm. Xuất phát là một trang web đặt món dựa trên nhu cầu của một số người nước ngoài, Vietnammm từng là gương mặt đáng chú ý nhất trên thị trường đặt món ăn khi mua lại đối thủ cạnh tranh FoodPanda tại Việt Nam vào năm 2015.

Từ thời điểm FoodPanda Việt Nam còn hoạt động, Vietnammm, đã dẫn đầu thị trường với số lượng đơn hàng lớn nhất (ước tính khoảng 30.000 đơn hàng/tháng); xếp hạng tiếp theo là FoodPanda Việt Nam và Eat. Tuy nhiên trật tự đã được sắp xếp lại khi Foody đầu tư mạnh hơn vào Now hay FoodPanda Việt Nam phải rời cuộc chơi. Tiềm lực của Vietnammm hiện cũng không còn quá mạnh so với 3 năm trước.

Điểm khác biệt lớn của Vietnammm là không phát triển đội ngũ giao hàng chuyên biệt mà chỉ cung cấp dịch vụ đặt món. Việc giao đồ ăn được chính các đối tác nhà hàng vận hành thông qua shipper bên ngoài hoặc thuê dịch vụ từ các công ty giao vận như GrabBike hay Ahamove.

Mới đây, thị trường trong nước cũng ghi nhận thêm ứng dụng đặt món mới tương đối đáng chú ý đến từ một startup vận chuyển Việt Nam là Lala.

Sau hợp nhất UberEats ĐNÁ, GrabFood đã chính thức tiến công Sài Gòn, nhưng tại sao Now (Foody) và tất cả đối thủ giao đồ ăn ở Đông Nam Á chẳng việc gì phải sợ? - Ảnh 7.

Đây là ứng dụng đặt và giao đồ ăn đang chạy thử nghiệm của Ahamove. Tận dụng hệ sinh thái sẵn có của công ty mẹ Scommerce, gồm công nghệ và đội ngũ giao hàng nội đô khoảng hơn 10.000 xế của AhamMove, Lala đã ghi nhận những thành công bước đầu ở TPHCM và Hà Nội. Ứng dụng này đang được người dùng ủng hộ nhờ cải thiện được thời gian giao hàng so với các đối thủ.

Tuy vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng theo tiết lộ của một nhân vật thạo tin về công ty này cho hay, tốc độ tăng trưởng của Lala đang tăng rất nhanh, sau 2 tháng hoạt động, số đơn hàng thực nhận tháng này tăng gấp 10 so với tháng trước đó. Dù vậy, khó khăn của Lala hiện vẫn còn nhiều, như sửa các lỗi trên ứng dụng, chuẩn hóa quy trình đặt và giao hàng giữa các bên, cũng như mở rộng đối tác nhà hàng.

Bên cạnh các anh tài địa phương, Grab cũng phải đương đầu với người đồng hương khác là Go Jek (ứng dụng gọi xe tại Việt Nam mang tên Go Việt). Go Việt đã bắt đầu có những cuốc xe đầu tiên ở thị trường TPHCM. Dịch vụ giao đồ ăn Go-Food của startup đến từ Indonesia chắc hẳn cũng sẽ sớm được triển khai nếu dịch vụ gọi xe phát triển tốt.

Mở rộng và mở rộng hơn nữa!

Các đối thủ cạnh tranh của Grab ở Đông Nam Á đều đã và đang lên các kế hoạch mở rộng ra khu vực.

Dahmakan của Malaysia mới đây đã mua lại đối thủ Polpa ở Bangkok và dự tính sẽ tiếp tục phát triển ở Jakarta và Hongkong vào nửa cuối năm 2018.

Go-Food của Indonesia tuyên bố đã có hơn 85.000 đối tác nhà hàng trên nền tảng của mình. Ứng dụng này được hậu thuẫn bởi Go-Jek, cũng đang lên kế hoạch mở rộng khắp Đông Nam Á trong những tháng tới, theo thông tin độc quyền từ Reuters.

Dahmakan và Go-Jek không xác nhận về thời gian chính thức.

Foody cũng đã bước đầu tìm đến các thành phố trong khu vực như Jakarta (Indonesia) hay Bangkok (Thái Lan). Tuy tỷ trọng còn khá khiêm tốn so với thị trường trong nước nhưng với những gì đã đạt được ở Việt Nam, GrabFood còn quá mới mẻ ở thị trường mà Now đang là bá chủ.

Line Man, dịch vụ giao đồ ăn theo yêu cầu của Line ở Bangkok, Thái Lan, cũng từ chối bình luận thêm về thương vụ mua lại gần đây của mình.

Mặc dù vậy, nhiều nhận định cho rằng GrabFood sẽ có sự hiện diện đáng kể trong khu vực không phải không có cơ sở. "Mảng thực phẩm của Grab vẫn còn rất sơ khai và sẽ mất một khoảng thời gian để tăng tốc nhưng chắc chắn họ sẽ trở thành một tay chơi đáng gờm trên thị trường giao đồ ăn khu vực", Giám đốc điều hành FoodPanda Thái Lan nhận xét. Tuy nhiên, một nhân sự quản lý ứng dụng gọi đồ tại Việt Nam thì quả quyết với chúng tôi: "Họ cứ đến, còn ta cứ chiến thôi".

Theo Kiến Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên