MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Sau khi đi giám sát, tôi không dám ăn thịt’

07-03-2017 - 07:50 AM | Thị trường

“Tôi lưỡng lự khi gắp miếng thịt heo sau khi giám sát hoạt động giết mổ gia súc ở Hà Nội” -ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, nói.

“Năng lực thực thi pháp luật liên quan lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các cơ quan quản lý còn nhiều yếu kém. Đây là một trong những lý do khiến thực trạng thực phẩm mất an toàn vẫn tồn tại”. Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, cho biết trong hội thảo “Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ATVSTP giai đoạn 2011-2016 tại khu vực phía Nam” do Quốc hội tổ chức vào sáng 6-3.

Thực phẩm bẩn đi đâu?

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, đưa ra một vụ việc khiến nhiều người quan tâm: “TP.HCM có nhiều cơ sở giết mổ tập trung nên thịt heo đưa ra thị trường khá an toàn. Thế nhưng TP Hà Nội thì ngược lại. Thực tế cho thấy hiện nay TP Hà Nội còn nhiều lò giết mổ không đảm bảo các điều kiện ATVSTP. Nói thật, tôi lưỡng lự khi gắp miếng thịt heo sau khi giám sát hoạt động giết mổ gia súc ở TP Hà Nội”.

Thông tin của bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cũng làm nhiều người chú ý. Theo bà Minh, tình trạng tiêu, gạo, tôm... xuất khẩu bị trả về do phát hiện hóa chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, bơm tạp chất vẫn còn xảy ra nhưng chưa thấy cơ quan quản lý nào trả lời câu hỏi những thực phẩm này đã đi về đâu. Chưa kể người tiêu dùng trong nước vẫn còn đối diện với nguy cơ sử dụng thịt heo bơm nước, chứa chất tăng trọng...

“Để tránh tình trạng trên, Nhà nước cần buộc những hộ trồng trọt và chăn nuôi phải thực hiện quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Đối với những cơ sở sản xuất thực phẩm, Nhà nước phải buộc làm đúng quy trình HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn). Tuy nhiên, cần phải có lộ trình và sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, kiến thức... để các hộ trồng trọt, chăn nuôi và cơ sở sản xuất thực phẩm từng bước thực hiện” - bà Minh nêu quan điểm.

Cơ quan thú y TP.HCM phát hiện trường hợp vận chuyển thịt thối từ tỉnh đưa vào TP. Ảnh: TRẦN NGỌC
Cơ quan thú y TP.HCM phát hiện trường hợp vận chuyển thịt thối từ tỉnh đưa vào TP. Ảnh: TRẦN NGỌC

Khó truy xuất nguồn gốc

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), cho rằng truy xuất được nguồn gốc thực phẩm là mấu chốt quan trọng để xử lý và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. “Tuy nhiên, hiện nay các văn bản hướng dẫn việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm lại không rõ ràng nên cơ quan chức năng còn lúng túng, khó xử phạt triệt để” - ông Cường nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cũng đề nghị buộc doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải cung cấp thông tin rõ ràng để cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc khi có sự cố xảy ra.

“Tuy nhiên, khảo sát cho thấy 50% người tiêu dùng có thói quen mua thực phẩm không bao bì, không nhãn mác nên việc truy tìm nguồn gốc không dễ” - bà Minh chia sẻ.

Không để thanh tra “bắt tay” doanh nghiệp

Theo ông Trương Quốc Cường, hiện nay việc phân công ba ngành (y tế, công thương, NN&PTNT) cùng quản lý ATVSTP thực sự còn chồng chéo. Vụ việc gì “đụng” tới ba ngành thì khó quy trách nhiệm. Do vậy phải có cơ quan to hơn để quản lý ATVSTP. “Từ thực tế trên, tôi rất đồng tình với mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP của TP.HCM” - ông Cường cho biết.

TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, vừa được chủ tịch UBND TP.HCM bổ nhiệm ngày 6-3, cho rằng luật liên quan ATVSTP thì nhiều nhưng chồng chéo nên gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. “Quản lý ATVSTP theo quan điểm của tôi có hai mặt: Xây và chống” - bà Phong Lan cho biết.

Theo bà Phong Lan, chống là chống hành vi sai phạm. Đối với vấn đề này phải xem lại hệ thống thanh tra. “Tôi rất thất vọng với mô hình thanh tra liên ngành vì chỉ mang tính chất hình thức chứ thực ra không giải quyết được gì. Theo như báo cáo của Quốc hội, số cơ sở thực phẩm bị phát hiện sai phạm không đúng như thực tế. Không chỉ vậy, nếu chia đều tiền phạt thì mỗi cơ sở sai phạm bị phạt chưa tới 200.000 đồng. Điều này không có ý nghĩa gì cả” - bà Phong Lan nói.

Bà Phong Lan cho rằng nên thanh tra đột xuất, kể cả cử người điều nghiên trước cơ sở sẽ bị thanh tra để có chứng cứ sai phạm rõ ràng. “Do vậy, chúng tôi sẽ tổ chức lại cơ chế thanh tra và tuyệt nhiên không để xảy ra tình trạng “bắt tay” giữa lực lượng thanh tra và doanh nghiệp sai phạm. Chúng tôi cũng sẽ luân chuyển lực lượng thanh tra, đồng thời tổ chức thanh tra đoàn thanh tra” - bà Phong Lan nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh sản xuất thực phẩm sạch sao khó quá vì không biết xin thủ tục ở đâu. Về vấn đề này, TS Lan nhấn mạnh: “Bộ phận pháp chế và chuyên môn của Ban Quản lý ATTP TP.HCM sẽ rà soát và đơn giản thủ tục để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện những bước cần thiết thật rõ ràng, nhanh chóng”.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hiện nhân sự phụ trách ATVSTP ở tuyến phường, xã, thị trấn của TP.HCM là kiêm nhiệm nên công tác quản lý ATVSTP tại địa phương mang lại hiệu quả chưa cao. Do vậy, TP.HCM đề nghị tăng cường một biên chế chuyên trách ATVSTP tại mỗi phường, xã, thị trấn để được đào tạo nghiệp vụ kiểm tra, xử phạt...

________________________________

Trong giai đoạn 2011-2016, ngành y tế thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm cả nước và phát hiện khoảng 20% cơ sở sai phạm. Số lượt thanh tra, hậu kiểm tăng gấp 1,5-2 lần so với các năm trước và số vụ xử lý năm sau tăng hơn năm trước 10%-20%.

Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế

Theo Trân Ngọc

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên