Sau kỳ thi ĐH, cha mẹ tháo camera ở trong phòng ngủ của con suốt 6 năm: Quan tâm hay là đang kìm kẹp?
Cách làm của bậc phụ huynh này có hiệu quả nhưng không được chuyên gia giáo dục ủng hộ.
- 26-06-2024Bất ngờ danh tính chủ trọ ở Hà Nội lắp camera trong nhà vệ sinh của sinh viên nữ
- 26-06-2024Đằng sau camera quay lén: Đừng để sự tò mò là đồng lõa cho hành vi quấy rối phụ nữ!
- 26-06-2024Sốc: Thêm vụ chủ trọ tại Hà Nội lắp camera quay lén trong phòng tắm nữ sinh suốt 2 năm, thản nhiên thừa nhận "mình lắp lâu rồi"
Vào ngày 10/6/2024, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao trước đoạn video ghi lại khoảnh khắc một người mẹ ở Giang Tô tháo dỡ camera trong phòng con trai sau khi cậu bé hoàn thành kỳ thi đại học. Chủ video cho biết gia đình đã lắp camera ở phòng con được 6 năm.
Đoạn video có lượt xem tăng chóng mặt. Nó cũng trở thành chủ đề bàn tán của cư dân mạng và giới chuyên gia giáo dục trên nhiều diễn đàn.
Người mẹ cho biết, lý do ban đầu khiến chị quyết định lắp đặt camera là do lo lắng cho việc học tập của con. Chị sợ con trai thức khuya học bài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời muốn theo dõi để kịp thời uốn nắn những thói quen xấu, giúp con tập trung học tập hiệu quả hơn.
Theo chia sẻ của người mẹ, cách làm này đã có hiệu quả ở một mức độ nhất định. Nhờ việc lắp đặt camera, gia đình có thể nắm bắt được tình hình học tập của con, từ đó điều chỉnh những hành vi chưa tốt. Chị chia sẻ, kể từ khi lắp camera, kết quả học tập của con trai có tiến bộ rõ rệt, tính cách cũng trở nên cởi mở hơn.
Tuy nhiên, người mẹ cũng nhận thức được rằng khi con trai lớn lên, cậu bé cần có không gian riêng tư và sự tự do nhất định. Vì vậy, sau khi con trai hoàn thành kỳ thi đại học, gia đình đã quyết định tháo bỏ camera để tạo môi trường thoải mái hơn cho con.
Hành động của người mẹ đã tạo nên làn sóng tranh luận trái chiều. Một bộ phận cư dân mạng bày tỏ sự đồng cảm với bà mẹ, cho rằng việc cha mẹ quan tâm đến việc học tập của con cái là điều dễ hiểu, bởi ai cũng muốn con mình được phát triển toàn diện.
Ngược lại, không ít người bày tỏ sự lo ngại trước hành động này, cho rằng việc làm của người mẹ là xâm phạm quyền riêng tư của trẻ, khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt.
Bình luận về sự việc, chuyên gia giáo dục Lý Kỳ cho rằng, sự kiểm soát và theo dõi quá mức của cha mẹ có thể khiến trẻ nảy sinh tâm lý phản kháng, bất lợi cho sự phát triển sau này. Cha mẹ nên đồng hành cùng con cái bằng lý trí và sự thấu hiểu, thay vì giám sát con cái như một "giám thị". "Cha mẹ tốt là người dẫn đường chứ không phải là người giám sát. Chúng ta nên tôn trọng quyền riêng tư của con cái, cho con có đủ không gian tự do và sự tin tưởng để con được phát triển một cách tự nhiên, vui vẻ", Lý Kỳ chia sẻ thêm.
Vị chuyên gia cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên nhân danh tình yêu thương để làm tổn thương con cái. Thay vào đó, cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm đến thế giới nội tâm của con, thấu hiểu những mong muốn, suy nghĩ của con, từ đó giúp con giải quyết vấn đề và vượt qua khó khăn. Đây là cách giúp trẻ hình thành sự tự tin, tính tự lập và trách nhiệm.
Bên cạnh đó, chuyên gia Lý Kỳ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục gia đình, cho rằng đây là nền tảng quan trọng hình thành nên nhân cách, giá trị sống và thói quen của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến chất lượng giáo dục gia đình, áp dụng những phương pháp khoa học, phù hợp để đồng hành cùng con.
Dù cha mẹ chọn cách kiểm soát con như thế nào, cách hay nhất vẫn là xây dựng một mối quan hệ bền vững, thân thiết. Nhờ đó, các bậc phụ huynh có thể trò chuyện thoải mái với con, cởi mở cho con biết về việc mình đang giám sát con bằng công nghệ như thế nào.
Nhiều người cũng đồng tình với phần nhận xét của chuyên gia. Số đông cho rằng cha mẹ nên học cách tôn trọng sự riêng tư và cá tính của con cái, dùng lý trí và tình yêu thương để dẫn dắt con. Đồng thời, cha mẹ cũng nên quan tâm đến tâm lý của con, cho con đủ sự tin tưởng và không gian tự do để con được phát triển toàn diện. Đây là cách giúp nuôi dưỡng những đứa trẻ khỏe mạnh, vui vẻ và giàu lòng trách nhiệm, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Theo Sohu
Đời sống và pháp luật