Sau màn trỗi dậy, 6 đội bóng châu Á nguy cơ bị loại ở World Cup 2022
Cơn “địa chấn” mở màn World Cup 2022 của Saudi Arabia và Nhật Bản (thắng Argentina và Đức 2-1) khiến người hâm mộ bóng đá châu Á sớm lạc quan. Nhưng đời không như là mơ!
- 29-11-20228 đội bóng "đắt giá" nhất tại FIFA World Cup 2022: Argentina sáng cửa vào chung kết, 3 đội dẫn đầu đều là những “ông kẹ” hơn 1 tỉ euro, đặt mục tiêu săn cúp vàng
- 28-11-2022Thua đau Ghana, Hàn Quốc khó qua vòng bảng World Cup 2022
- 28-11-2022Muôn kiểu thể hiện tình yêu đội bóng của người hâm mộ tại World Cup 2022: Hài hước, cảm xúc và có 1-0-2
- 28-11-2022Messi dẫn đầu top cầu thủ đi bộ nhiều nhất từ đầu World Cup 2022
- 28-11-2022World Cup 2022: Công nghệ bắt việt vị bán tự động hoạt động thế nào?
Hàn Quốc khép lại lượt trận thứ hai vòng đấu bảng của 6 đội bóng châu Á với trận thua Ghana 2-3. Cụ thể, 6 đội giành thành tích 2 thắng, 4 thua. Iran và Australia (thuộc Liên đoàn bóng đá châu Á AFC sau khi nộp đơn xin gia nhập năm 2006) giành chiến thắng, nhưng Qatar, Saudi Arabia, Nhật Bản và Hàn Quốc đều thua.
Son Heung-min đã bật khóc khi đội nhà thua trận. Ảnh: Getty.
Ở lượt đấu cuối vòng bảng tới đây, Qatar đã sớm bị loại nên chỉ còn mục tiêu chơi cống hiến, Iran và Australia sáng cửa đi tiếp, nhưng tình hình của Saudi Arabia, Nhật Bản và Hàn Quốc không mấy khả quan.
Tình cảnh hiện tại có phần bi quan, nhất là khi ở ngày ra quân, các đội bóng châu Á phần nào gây ấn tượng trên toàn thế giới. Họ thắng 2, hòa 1 và thua 3. Trong đó, Saudi Arabia và Nhật Bản lội ngược dòng “chấn động” khi đánh bại Argentina và Đức. Nhưng ở vòng 2, Qatar mở màn và trải qua 2 trận toàn thua, trở thành đội đầu tiên bị loại khỏi World Cup 2022.
Sau đó, Iran đánh bại xứ Wales và lấy lại niềm tin cho các đội bóng châu Á. Australia cũng giải mã thành công Tunisia để bỏ túi 3 điểm quan trọng. Nhưng rồi, 3 đội bóng được đánh giá cao hơn đối thủ lại gây thất vọng: Saudi Arabia thua Ba Lan 0-2, Nhật Bản nhận trái đắng 0-1 trước Costa Rica, còn Hàn Quốc thua Ghana kịch tính 2-3.
Với những kết quả trên, tình hình hiện tại của các đội bóng châu Á không quá lạc quan, ngoại trừ Iran và Australia là hai đội có hy vọng nhất để giành vé đi tiếp.
Hy vọng ĐT Nhật Bản không để các cổ động viên của họ rơi lệ buồn bã thêm một lần nữa ở vòng bảng. Ảnh: Getty.
Iran, xếp nhì bảng B, sẽ đối đầu Mỹ ở lượt trận cuối cùng. Họ cần giành chiến thắng để góp mặt trong top 16 đội. Nếu hòa, họ vẫn có cơ hội đáng kể để vượt qua vòng loại. Mọi chuyện còn dễ dàng hơn với Australia. Họ đang xếp nhì bảng D, gặp Đan Mạch ở lượt cuối và chỉ cần 1 điểm là đi tiếp với xác suất cao, bởi Tunisia rất khó thắng Pháp.
Không sáng cửa như những người anh em AFC trên, tình thế của Nhật Bản, Saudi Arabia và Hàn Quốc có thể nói là “ngàn cân treo sợi tóc”.
Nhật Bản dù đứng nhì bảng E nhưng ở lượt cuối phải gặp Tây Ban Nha - đội xếp đầu bảng nhưng chưa hoàn toàn vượt qua vòng loại. Nếu không thể thắng nhà vô địch World Cup 2010 và Đức thắng Costa Rica hơn 2 bàn, Nhật Bản sẽ bị loại. Vì vậy, kịch bản tốt nhất cho Nhật Bản là thắng Tây Ban Nha. Nhiệm vụ này rất khó, nhưng không phải bất khả thi.
Tương tự, Saudi Arabia đứng thứ 3 bảng C với 3 điểm, gặp Mexico (1 điểm) ở lượt cuối. Saudi Arabia chỉ có một lựa chọn duy nhất: giành chiến thắng!
Tình thế của Hàn Quốc là tồi tệ nhất, dù thắng ở lượt đấu cuối, họ cũng chưa chắc giành vé đi tiếp. Chưa kể, đối thủ của họ đang tràn đầy “chiến ý” - Bồ Đào Nha.
Hình ảnh khó quên của bóng đá Bồ Đào Nha tại World Cup 2002. Họ nhận 2 thẻ vàng và thua Hàn Quốc ở vòng bảng. Ảnh: Getty.
Năm 2002, trên sân nhà và “trọng tài nhà”, Hàn Quốc đã loại Bồ Đào Nha ở ngay vòng bảng sau khi được chơi hơn 2 người. Trận thua là “vết nhơ” với thế hệ vàng Bồ Đào Nha, đại diện là Quả bóng vàng 2000 Luis Figo. Chắc hẳn, thế hệ hiện tại của Selecao châu Âu rất muốn “rửa hận” cho các bậc tiền bối.
20 năm trước, bóng đá châu Á vén màn sân khấu và mở ra “bình minh bóng đá châu Á lần 1”, đưa tên tuổi bóng đá châu lục ra thế giới. Trên thực tế, Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm tốt hơn thế, tiến sâu vào giải, dù có những bê bối xung quanh.
2022, AFC hy vọng về “bình minh bóng đá châu Á lần 2”, khẳng định các đội bóng AFC hoàn toàn có thể chơi sòng phẳng với mọi đối thủ và đạt thành tích cao trong top đầu. Nhưng tất cả cũng phải chuẩn bị tâm lý đón nhận kịch bản xấu nhất: Cả 6 đội bóng châu Á đều dừng bước ở vòng bảng.
Chờ đợi các đội bóng châu Á lại mang về niềm vui cho cổ động viên. Ảnh: Getty.
Kết quả bi quan như vậy là điều không người hâm mộ châu Á nào muốn chứng kiến, đặc biệt là Saudi Arabia và Nhật Bản. Sau khởi đầu hoàn hảo, đáng lẽ họ có thể làm tốt hơn. Hy vọng, tất cả sẽ một lần nữa trỗi dậy khi cần, để ghi danh bóng đá châu Á lên bản đồ World Cup 2022, hoàn tất “bình minh bóng đá châu Á lần 2”.
Đại đoàn kết