Sau một năm đầy tổn thất, thị trường hàng hóa nguyên liệu sẽ ra sao trong năm 2019?
Thị trường hàng hóa nguyên liệu vừa trải qua năm 2018 nhiều tổn thất, giá từ dầu tới đồng, cà phê, đường… đồng loạt giảm. Vậy điều gì sẽ xảy ra trong 12 tháng tới đối với những thị trường này?
- 05-01-2019Thị trường ngày 5/1/2019: Giá dầu tăng tiếp 2%, Palađi tăng vọt
- 03-01-2019Thị trường ngày 03/01/2019: Giá dầu tăng 2% nhờ chứng khoán Phố Wall hồi phục
- 01-01-20194 điều quyết định giá dầu thế giới 2019
Thông thường thì sau giai đoạn chạm đáy giá sẽ hồi phục. Bên cạnh đó, vài "đám mây hồng" đã xuất hiện ở phía chân trời. Một số điều nhà đầu tư cần theo dõi sát vì chúng sẽ tác động mạnh lên những mặt hàng chủ chốt, đó là: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (thông tin được cập nhật thường xuyên, mới đây nhất có tin phái đoàn Mỹ sẽ đến Bắc Kinh để đàm phán); triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu (theo dõi báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới) và bài diễn văn của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell (đưa ra nhận định về triển vọng kinh tế Mỹ và những gợi ý về lộ trình lãi suất của nước này trong năm 2018).
Dầu mỏ có triển vọng khả quan
Đặc điểm nổi bật trong thị trường hàng hóa quý 4/2018 là giá dầu thô đột ngột chuyển hướng từ mức cao nhất 4 năm sang liên tiếp sụt giảm sâu. Nguyên nhân của sự đảo chiều ngoạn mục này là dầu đá phiến Mỹ, với sản lượng đạt mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp miễn trừ trừng phạt đối với nhập khẩu dầu mỏ Iran, và nguồn cung từ OPEC+ quá ít để có thể tác động tới thị trường…Lo ngại triển vọng kinh tế thế giới sẽ "xấu" đi càng gây áp lực giảm giá lên thị trường trong những tháng qua. Tuy nhiên, sau tất cả những điều đó, giá dầu có cơ hội hồi phục, và hầu như có rất ít rủi ro về phía nguồn cung có thể tác động đến thị trường này trong quý 1/2019.
Biến động trên thị trường dầu mỏ năm 2018
Trong năm 2019, nhà đầu tư cần theo dõi tình hình ở Venezuela, nơi nguồn cung có nguy cơ bị tổn thất nghiêm trọng do khủng hoảng, thậm chí sản lượng của nước này có thể giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, việc miễn trừ trừng phạt những hoạt động giao dịch liên quan tới dầu mỏ Iran cũng chỉ là tạm thời, và không phải tất cả mọi quốc gia đều được gia hạn tiếp vào tháng 5/2019. Và sau nữa, mọi người trong thời gian qua đã đánh giá thấp vai trò của Saudi Arabia trong việc cắt giảm nguồn cung của khối OPEC. Cuộc họp tiếp theo của khối này sẽ diễn ra vào tháng 4/2019, và sau đó giá dầu có thể sẽ hồi phục dần. Kết quả thăm dò của Bloomberg cho thấy các thương gia và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ trung bình 68 USD/thùng, so với 56 USD ở thời điểm hiện tại.
Vàng sẽ mang lại nhiều cơ hội
Giá vàng đã vững và có chiều hướng tăng trong những tháng cuối năm 2018, và có nhiều biểu hiện cho thấy xu hướng tích cực này sẽ còn tiếp tục duy trì. Trong một số phiên giao dịch gần đây, giá vàng đã lập kỷ lục cao 6 tháng, sau khi Fed tỏ ý sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, và nhiều nhà đầu tư cũng đang tìm tới vàng để bảo toàn vốn trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Giá vàng khởi đầu năm 2019 rất tích cực
Có thể nhận thấy nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho kim loại này trong gần hạn: Giá trung bình 50 ngày qua đang ở mức cao nhất trung bình 200 ngày, và nhiều quỹ giao dịch vàng đang tích cực bổ sung khối lượng nắm giữ (lên mức cao nhất kể từ 2013). Kết quả thăm dò vào ngày 19/11/2018 của Bloomberg tiến hành ở 20 nhà phân tích và thương gia cho thấy đánh giá tích cực về mặt hàng vàng, trong đó dự báo giá trung bình sẽ là 1.325 USD/ounce (Hiện giá vàng thỏi giao ngay là 1.294 USD).
Kim loại đồng có cơ hội tăng giá
Giá đồng đã giảm nhiều nhất kể từ năm 2015 trong quý 4/2018. Kim loại này bị "tổn thương" như vậy là do lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà đầu tư năm nay có thể sẽ tập trung quan tâm nhiều hơn tới mặt hàng này giữa bối ảnh một số chỉ số của ngành có dấu hiệu khả quan. Trong số những tín hiệu đó có chỉ số lưu kho đồng tại các sàn giao dịch trên toàn cầu, với thực tế là lưu kho tại sàn London hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ.
Cung kim loại đồng đang giảm sút nhanh
Lý do dẫn tới sự sụt giảm đó là bởi nhu cầu vượt nguồn cung: Vượt 595.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2019, theo số liệu của Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế. Các mỏ khai thác đồng cũng có dấu hiệu chững lại. Và một vấn đề nữa, đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, điều đã khiến giá đồng giảm trong năm 2018, nhưng với năm 2019 dự báo sẽ có tác động ngược lại. Nếu Washinton và Bắc Kinh giải quyết được những bất đồng của họ, giá đồng sẽ tăng mạnh. Khảo sát của Bloomberg cho thấy các nhà phân tích và thương gia dự báo giá đồng sẽ lên tới 6.400 USD/tấn, từ mức 5.736 USD/tấn hiện nay.
Đậu tương có thể vẫn gặp khó do thương mại Mỹ - Trung
Thị trường đậu tương có liên quan mật thiết tới mỗi quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Khi mối quan hệ này được cải thiện thì giá chắc chắn sẽ tăng lên. Hạt có dầu đã hồi phục giá vào cuối năm 2018 sau cuộc gặp gỡ giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dẫn tới việc Trung Quốc nhập khẩu trở lại đậu tương Mỹ. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu chưa được nhiều như kỳ vọng của thị trường.
Giá đậu tương sụt giảm
Nông dân Mỹ hy vọng Mỹ - Trung sẽ đạt được thỏa thuận trước khi kết thúc 90 ngày đình chiến. Vấn đề chính của thị trường đậu tương hiện vẫn là liệu Trung Quốc – thị trường nhập khẩu đậu tương số 1 của Mỹ - có đồng ý giảm thuế đối với nông sản Mỹ hay không. Vụ thu hoạch của Mỹ sắp tới cũng là một yếu tố quan trọng, nông dân Mỹ dự kiến sẽ có tiếp một vụ mùa bội thu, và nguồn cung bổ sung có thể sẽ gây áp lực giảm giá mặt hàng này, nhất là nếu Trung Quốc đóng cửa trở lại.
Thịt lợn có triển vọng tăng giá
Trong số các mặt hàng nông sản, triển vọng giá thịt lợn có vẻ khả quan. Trung Quốc sở hữu hơn 400 triệu con lợn (hơn một nửa đàn lợn của toàn thế giới), và dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng ở thị trường này đã gây bất ổn nghiêm trọng cho thị trường thịt lợn Trung Quốc. Mặc dù không gây nguy hại cho con người, nhưng dịch bệnh khiến 100% số lợn mắc phải sẽ bị chết. Hiện dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát và lây lan ở Trung Quốc. Mới đây nước này xác nhận ngày 1/1/2019 phát hiện 1 ổ dịch ở trang trại có 73.000 con lợn.
Giá thịt lợn có thể tăng trong năm 2019 do dịch cúm lợn châu Phi tại Trung Quốc
Nguy cơ dịch tả lợn sẽ còn tiếp tục hoành hành ở nền kinh tế số 1 châu Á, đồng thời có thể lan sang các nước láng giềng và tới toàn khu vực. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn cung từ nước ngoài để đáp ứng đủ nhu cầu, và thịt lợn Mỹ sẽ được hưởng lợi dù cuộc chiến thương mại giữa 2 nước vẫn chưa đến hồi kết. Điều đó đồng thời cũng có lợi cho nhu cầu và giá mặt hàng thịt gà.
Quặng sắt có nguy cơ giảm giá
Sau khi đạt mức trung bình gần 70 USD/tấn vào năm 2018, giá quặng sắt có nguy cơ sụt giảm trong năm nay. Mặt hàng này – nguồn cung chịu sự chi phối chủ yếu từ Brazil và Australia – sẽ phải đối mặt với nhiều "cơn gió ngược" như tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc chậm lại nên ảnh hưởng tới sản xuất thép. Các quyết định về chính sách của Trung Quốc, nhất là những chính sách mới để giảm thiểu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như nỗ lực chống ô nhiễm môi trường – vẫn là những yếu tố rủi ro đối với thị trường này.
Giá quặng sắt sẽ đi xuống
Ngài ra, nguồn cung cũng có thể bổ sung áp lực lên thị trường quặng sắt. Hãng Brazil Vale SA đã bổ sung công suất khai thác thêm nhiều tấn từ mỏ S11D, trong khi Anglo American Plc khởi động lại mỏ Minas Rio. Nhà đầu tư cũng cần theo dõi chặt chẽ lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như các số liệu về kinh tế của nước này. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đã bị giảm sút trong quý cuối năm 2018, và chỉ số quản lý sức mua cũng sụt giảm. Nhìn chung, triển vọng thị trường sắt năm nay không khả quan. Margan Stanley cảnh báo giá có thể chỉ 62 USD/tấn do nguồn cung toàn cầu chuyển hướng dư thừa.