Sau một thời gian dài nằm im, ACB dậy sóng, giá cổ phiếu vượt qua cả Vietinbank và BIDV
Sự dậy sóng của cổ phiếu ACB đến từ kỳ vọng vào triển vọng kinh doanh của Ngân hàng khi các khoản vay liên quan đến VNCB và GP Bank được giải quyết. Bên cạnh đó là những tin đồn về việc bán cổ phiếu quỹ.
- 23-09-2016Huỳnh Thị Huyền Như lại ra tòa trong vụ chiếm đoạt 670 tỷ của ACB
- 18-08-2016ACB đang thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng bất động sản của GPBank để cấn trừ nợ
- 04-08-2016Ngân hàng ACB báo lãi 6 tháng đầu năm 828 tỷ, nợ xấu 1,24%
- 11-07-201634 nhà đầu tư mua hết 2.000 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng ACB phát hành
Đã lâu rồi cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu mới tăng nhanh và mạnh như hiện tại. Từ ngày 27/09 đến nay, ACB chưa giảm một phiên nào, tổng mức tăng ghi nhận là gần 13% và hiện thị giá của ACB là 19.500 đồng – cao hơn cả BID và CTG.
Diễn biến giá cổ phiếu ACB 6 tháng qua
Á Châu từng là một trong 2 Ngân hàng TMCP mạnh nhất Việt Nam. Sau nhiều biến cố, ACB đã lùi về “đội hình phía sau” và hoạt động khá im ắng. Nhưng có lẽ thời điểm hồi sinh của Ngân hàng này đã đến.
Các khoản vay liên ngân hàng của VNCB và GP Bank được giải quyết
Số liệu đã được công bố cho thấy, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2016 của ACB tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận trước thuế từ các hoạt động ngân hàng cốt lõi tăng đáng kể (57,5%). Đây là cơ sở để ACB đẩy nhanh tiến độ xử lý các vấn đề tồn đọng trong năm 2016.
Đặc biệt, khoản vay liên ngân hàng của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) dự kiến được giải quyết trong năm nay khi đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước và 2 ngân hàng trên, giúp tăng thu nhập lãi vay từ năm 2016 và tạo nên 1 khoản hoàn nhập dự phòng năm 2017.
Cụ thể, báo cáo phân tích của một CTCK lớn cho biết, đối với khoản tiền gửi 772 tỷ tại GPBank, ngân hàng ACB đã nhận chuyển nhượng 500 tỷ đồng trái phiếu từ 1 công ty bất động sản với lãi trung bình 9,2%/năm. 252 tỷ đồng còn lại sẽ được cấn trừ bằng bất động sản của GPBank. Khoản tiền gửi 400 tỷ tại Ngân hàng Xây dựng đã được NHNN chấp thuận chủ trương thu hồi hàng năm theo lộ trình đến 30/9/2020.
Ngoài ra, đối với ACB, giới đầu tư đang kỳ vọng vào việc bán tài sản đảm bảo của ngân hàng, đặc biệt là cổ phiếu của 2 TCTD (có giá trị hàng nghìn tỷ đồng). Khoản tài sản đảm bảo này chiếm 70% tổng giá trị tài sản đảm bảo của nhóm 6 công ty. Với tổng giá trị dư nợ tại nhóm này khoảng 5.000 tỷ, đã trích lập 1.750 tỷ, nếu bán thành công, có thể coi như ACB giải quyết xong nợ đọng tại 6 công ty.
Một nguồn tin cho biết, khoản mua phần cổ phiếu này đã được đặt cọc, nhưng ACB chỉ được ghi nhận thương vụ sau khi nhận được toàn bộ tiền từ phía bên mua.
Theo đó, có thể thấy là ACB quyết tâm xử lý tài sản tồn đọng hoàn toàn từ nay đến năm 2018. Và đây là động thái tích cực về triển vọng dài hạn cho ngân hàng nói chung.
Bán cổ phiếu quỹ?
Một yếu tố hỗ trợ khác cho đợt tăng giá cổ phiếu gần đây là tin đồn về khả năng bán 41,4 triệu cổ phiếu quỹ mà ACB hiện nắm giữ. Giá trị sổ sách của số cổ phiếu quỹ này là khoảng 665 tỷ đồng trong khi giá trị thị trường hơn 800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, CTCK HSC cho rằng sự háo hức của thị trường với tin đồn này có phần không hợp lý bởi lẽ room cho khối ngoại của cổ phiếu ACB đã đầy, việc bán cổ phiếu quỹ như vậy sẽ không thể công khai cho khối ngoại. Thay vào đó, Ngân hàng có thể bán cổ phiếu quỹ thông qua chương trình ESOP cho người lao động hoặc là phân phối lại cổ phiếu thưởng cho cổ đông. HSC cho rằng bất kỳ kế hoạch bán cổ phiếu quỹ nào cũng chỉ có thể được triển khai trong năm 2017 để tăng hệ số CAR trước khi Basel được áp dụng trong năm 2018.
“Tuy nhiên, chúng tôi nghi ngờ khả năng ACB sẽ kích hoạt kế hoạch này trong năm nay khi mà hệ số CAR hiện tại là khoảng 13,8% theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, và vẫn đủ cho tăng trưởng tăng trưởng tài sản, đặc biệt là sau phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp dài hạn vào cuối tháng 6 năm nay, giúp tăng vốn cấp 2.” – HSC đánh giá.
Trí Thức Trẻ