Sau năm 2020, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện
Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, dự kiến sản lượng thiếu hụt vào năm 2021 lên đến 6,6 tỷ kWh, đến 2022 là 11,8 tỷ kWh và năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh mới chủ trì cuộc họp với một số đơn vị thuộc Bộ về các dự án năng lượng trọng điểm, theo thông tin từ Bộ Công Thương.
Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết dự kiến nửa cuối năm, nhu cầu điện tiếp tục tăng khoảng 10%. Trước đó, 6 tháng đầu năm, điện thương phẩm tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ. Công suất phụ tải tháng 4, 5, 6 tăng mạnh do ảnh hưởng của nắng nóng.
Với năng lượng tái tạo, đến hết tháng 6 có 89 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành, tổng công suất gần 4.500 MW. Tuy nhiên, trong một số thời điểm mà cụ thể là buổi trưa các tháng vừa qua, lưới điện 500 kV, 220 kV và 110 kV thuộc Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Đăk Nông, Đăk Lăk bị quá tải, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định.
Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết theo đề xuất của các nhà đầu tư, tổng công suất điện mặt trời đã khoảng 25.000 MW, điện gió khoảng 16.500 MW.
Nguy cơ thiếu điện hiện hữu. Ảnh minh họa: Lao Động.
Ông Kim cũng nói thêm việc cung cấp điện đến năm 2020 về cơ bản đáp ứng nhưng tiếp tục tiềm ẩn một số rủi ro, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan. Các tình huống này có: nhu cầu phụ tài cao hơn dự báo, lưu lượng nước hồ về các hồ thủy điện kém,thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện.
Tổng công suất nguồn bổ sung mỗi năm là 4.500 MW đến 5.000 MW với nhiệt điện và khoảng 15.000 MW với điện tái tạo. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng điện sản xuất cần bổ sung là 26,5 tỷ kWh/năm, để đáp ứng Nhưng hiện nhiều dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ nên dự kiến sản lượng thiếu hụt vào năm 2021 lên đến 6,6 tỷ kWh, đến 2022 là 11,8 tỷ kWh và năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh. Đến nay, trong số 62 dự án công suất lớn đang hoặc dự kiến triển khai, 15 dự án đạt tiến độ, 47 dự án chậm hoặc chưa xác định tiến độ.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết điện lực, từ tháng 10/2019, Nhà máy khí Cà Mau sẽ hết quyền lấy khí. Do đó, nguồn chạy dầu sẽ phải huy động thêm hơn 500 triệu kWh với chi phí tăng thêm 2.500 - 3.500 đồng/kWh. Thủy điện cũng gặp khó do vừa đảm bảo vận hành và xả nước cho hạ du. Điện than cũng không còn nguồn mới, việc đảm bảo cung cấp than cho điện cũng đang gặp khó khăn.
Người Đồng Hành