Sau nghỉ lễ, cổ đông nhiều doanh nghiệp rủng rỉnh tiền mặt nhờ cổ tức
Ngay sau kỳ nghỉ 30/4 - 1/5, nhiều doanh nghiệp trên sàn sẽ thực hiện chia cổ tức năm 2022 cho nhà đầu tư. Trong đó, tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao nhất lên tới 42%, thuộc về Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, doanh nghiệp kinh doanh vàng mã duy nhất trên sàn chứng khoán.
- 27-04-2023Có ngàn tỷ lợi nhuận chưa phân phối, Chủ tịch PAN Nguyễn Duy Hưng nói chưa đủ dòng tiền để chia cổ tức
- 15-04-2023ĐHCĐ Lộc Trời (LTG): Đổi phương án chia cổ tức từ tiền mặt sang cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ, đặt mục tiêu doanh thu tỷ đô
- 10-04-2023Lộ diện 7 doanh nghiệp chia cổ tức tới 20% tiền mặt
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau nghỉ lễ (5/5), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt (VIB) và Công ty cổ phần Thương nghiệp Cà Mau (CMV) sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 5%, tức 500 đồng/cổ phiếu.
Trong nửa đầu tháng 5, có khoảng 18 doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Công ty cổ phần Viễn thông Telvina Việt Nam (PMT) có tỷ lệ cổ tức tiền mặt thấp nhất, chỉ 2,13%, tức 213 đồng/cổ phiếu.
Mức cổ tức tiền mặt 2 con số có các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ và Phát triển xanh (GIC), Công ty cổ phần dược phẩm OPC (OPC), CTCP Bánh mứt kẹo Hà Nội (BKH), Công ty cổ phần Thuỷ sản Cà Mau (CAT) - 10%; Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Miền Nam (SMN) - 11%, Công ty cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hoà (SKH) - 19,35%.
Tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao nhất lên tới 42%, thuộc về Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, doanh nghiệp kinh doanh vàng mã duy nhất trên sàn chứng khoán. Đồng thời, công ty còn phát hành gần 2,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 100:28, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 4.200 đồng và sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 28 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối niên độ 2021 - 2022 trên báo cáo tài chính tại ngày 30/9/2022 đã được kiểm toán. Trước đó, năm 2020 - 2021, Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái cũng đã trả cổ tức cổ đông với tỷ lệ 100%, gồm 50% bằng cổ phiếu và 50% bằng tiền mặt. Doanh nghiệp thành lập năm 1972, là doanh nghiệp duy nhất trên sàn kinh doanh vàng mã. Vốn điều lệ doanh nghiệp là hơn 78,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính tổng hợp quý II niên độ 2022 - 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý I năm nay đạt 185 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Doanh số từ tinh bột sắn lại tăng đột biến 255% lên 151 tỷ đồng. Công ty lý giải phần lợi nhuận này tăng lên là nhờ cao điểm sản xuất sắn từ tháng 10 năm trước và kết thúc vào tháng 3 năm sau. Ngược lại, doanh thu từ giấy vàng mã đã giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 42,7 tỷ đồng.
Tiền phong