MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau nhiều tháng bán ròng liên tiếp, dòng vốn ngoại sẽ trở lại thị trường chứng khoán trong quý cuối năm?

Trong quý cuối năm, thị trường được kỳ vọng sẽ đón nhận dòng vốn từ các quỹ ETFs ngoại (FED hạ lãi suất, căng thẳng Mỹ - Trung hạ nhiệt), ETFs nội (sự ra đời của các bộ chỉ số mới) và dòng tiền từ các quỹ Frontier Markets.

Thời gian gần đây, áp lực bán ròng của khối ngoại trên TTCK là khá mạnh. Tính riêng trên HoSE, giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu tháng 8 tới nay xấp xỉ 2.800 tỷ đồng. Việc khối ngoại liên tiếp bán ròng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư trong nước và là một trong những nguyên nhân chính khiến VN-Index chưa thể chinh phục mốc 1.000 điểm.

Thống kê cho thấy giao dịch của khối ngoại thường có sự đồng pha với diễn biến thị trường. Theo đó, thị trường thường chỉ tích cực khi được sự cộng hưởng từ khối ngoại. Ngược lại, xu hướng thị trường thường lình xình, thậm chí tiêu cực nếu khối ngoại quay đầu bán ròng. Do đó, chuyển động dòng vốn ngoại luôn được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.

Sau 2 tháng bán ròng mạnh, điều chúng ta đang chờ đợi lúc này là áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ giảm bớt và trở lại mua ròng. Liệu điều đó có thể diễn ra hay không? Theo quan điểm người viết, xu hướng dòng vốn ngoại sẽ tích cực hơn trong những tháng cuối năm, dựa trên những yếu tố dưới đây:

Sự ra đời của các quỹ ETFs nội mới

Mới đây, HoSE đã thông báo quy tắc xây dựng và quản lý 3 bộ chỉ số mới, bao gồm Vietnam Diamond Index, Vietnam Financial Select Index, Vietnam Leading Financial Index.

Mặc dù chưa được công bố chính thức, nhưng theo dự báo của một số CTCK, các cổ phiếu trong các rổ chỉ số trên phần lớn thuộc nhóm hết room khối ngoại. Sự ra đời các bộ chỉ số mới được kỳ vọng dẫn tới sự ra đời của các quỹ ETFs, giúp giải quyết nhu cầu đầu tư của khối ngoại vào các cổ phiếu chất lượng nhưng đã hết hoặc còn lại room không đáng kể. Điều này chúng ta đã được chứng kiến ở quỹ ETF nội VFMVN30 ETF khi liên tục thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan trong thời gian qua.

Theo nhận định của một số CTCK, nhiều khả năng các bộ chỉ số trên sẽ sớm được HoSE công bố và các quỹ ETFs dựa trên chỉ số sẽ ra đời nay trong quý 4 năm nay, từ đó có thể thu hút dòng vốn ngoại và hỗ trợ thị trường.

Sau nhiều tháng bán ròng liên tiếp, dòng vốn ngoại sẽ trở lại thị trường chứng khoán trong quý cuối năm? - Ảnh 1.

Dự báo rổ Vietnam Diamond Index của VDSC

Sự trở lại của dòng vốn ETFs ngoại

Bên cạnh dòng vốn ETFs dựa trên các bộ chỉ số, thị trường còn có cơ hội đón nhận dòng vốn của các quỹ ETFs ngoại.

Thời gian gần đây, áp lực bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam một phần đến từ sự rút vốn của các quỹ ETFs ngoại. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là tác nhân ảnh hưởng không nhỏ tới dòng vốn này.

Tuy vậy, dòng vốn ETFs ngoại có thể sẽ trở lại thị trường trong những tháng cuối năm nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu "hạ nhiệt". Những ngày gần đây, kinh tế Mỹ xuất hiện nhiều chỉ báo không thực sự khả quan khi PMI tháng 9 chỉ ở mức 47,85 điểm, giảm tháng thứ 2 liên tiếp và là mức thấp nhất hơn 10 năm.

Không những vậy, báo cáo việc làm cũng cho thấy những tín hiệu không thực sự khả quan. ADP và Moody’s Analytics cho biết các công ty tuyển dụng thêm 135.000 nhân sự trong tháng 9, giảm so với con số 157.000 trong tháng 8.

Với tình hình kinh tế Mỹ đang có những chỉ báo không quá tích cực, thị trường có thể kỳ vọng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ không leo thang quá căng thẳng như những tháng trước. Bên cạnh đó, tín hiệu xấu của kinh tế Mỹ cũng là động lực thúc đẩy FED hạ lãi suất trong thời gian tới, từ đó kéo theo dòng tiền trở lại thị trường tích cực hơn.

Dòng vốn Frontier Markets gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam

Trong đợt review quý 3 diễn ra vào tháng 8 vừa qua, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index – chỉ số được nhiều quỹ sử dụng làm benchmark nhất trong nhóm Frontier đã lên tới 18,48%, lớn thứ 2 sau Kuwait với 31,48%.

Theo ước tính của MSCI, trong trường hợp Kuwait được nâng hạng lên Emerging Markets vào năm 2020, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục MSCI Frontier Markets Index sẽ lên tới 25,2%.

Mặc dù phải đợi đến năm 2020 khi Kuwait chính thức được nâng hạng, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier mới được tăng lên rõ nét. Tuy vậy, trên thực tế có không ít quỹ đầu tư sử dụng benchmark MSCI Frontier Markets Index đã nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên khá mạnh trong thời gian gần đây, thậm chí vượt qua tỷ trọng trong benchmark và xu hướng này có lẽ sẽ chưa dừng lại.

Bên cạnh những quỹ đã nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam, hiện vẫn còn khá nhiều quỹ đang duy trì tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam dưới chuẩn benchmark. Cái tên tiêu biểu nhất có thể kể tới Schroder ISF Frontier Markets Fund, quỹ đầu tư có quy mô xấp xỉ 1 tỷ USD.

Theo số liệu tại ngày 31/8, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục Schroder ISF Frontier Markets Fund chỉ là 8,7%, thấp hơn nhiều so với con số 18,48% trong rổ MSCI Frontier Markets Index mà quỹ sử dụng làm benchmark.

Nếu được nâng tỷ trọng đúng với benchmark là 18,48%, ước tính quỹ sẽ mua thêm khoảng 100 triệu USD cổ phiếu Việt Nam (2.300 tỷ đồng).

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên