Sau nhiều tranh cãi, Philippines vẫn sẽ tiếp tục là động lực của ngành xuất khẩu gạo Châu Á
Theo thông tin mới nhất, trên trang Manila Bulletin, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, ông William Dar ngày 21/11/2019 tuyên bố, Philippines sẽ không dừng nhập khẩu gạo bất chấp yêu cầu của Tổng thống nước này, ông Duterte.
- 24-11-2019Gạo ST25 ngon nhất thế giới liên tục cháy hàng tại TP HCM
- 08-11-2019Xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2019 giảm 9,1% giá trị do “rớt giá”
- 25-10-2019Philippines chưa áp thuế bổ sung đối với gạo nhập khẩu
Trước đó, chỉ trong vòng 4 ngày, ông Duterte đã 2 lần yêu cầu Bộ Nông nghiệp dừng nhập khẩu gạo để giải quyết vấn đề giá lúa gạo trong nước liên tục giảm. Được biết, giá gạo tại Philippines – một nông sản chủ lực của ngành nông nghiệp nước này – đã giảm hơn 1/5 trong vòng 9 tháng qua, gây ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân nước này, làm dấy lên làn sóng phản đối từ những người trồng lúa.
Nikkei dẫn nguồn tin từ cơ quan thống kê Philippines, giá bán lẻ gạo thường và gạo ngon tại Philippines đã giảm xuống lần lượt 37,22 peso/kg và 41,89 peso/kg, tức là thấp hơn lần lượt 14,3% và 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lúa bán lẻ tại cổng trại đã giảm xuống mức thấp nhất 8 năm và không thể cạnh tranh với gạo nhập khẩu. Đầu tháng 10/2019, giá lúa bán lẻ tại cổng trại giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, còn 15,56 peso/kg, trong khi gạo xay loại thường giảm 18% còn 37,53 peso/kg.
Gạo vừa là vấn đề chính trị vừa là tinh thần ở Philippines bởi là món ăn chủ chốt của người nghèo – đối tượng phải chi 1/5 thu nhập cho cơm gạo. Những chính phủ trước của nước này đã tuyên bố sẽ phát triển ngành trồng lúa để đảm bảo tự cung tự cấp mặt hàng này, nhưng không mang lại nhiều hiệu quả vì đầu tư vào thủy lợi và cơ giới hóa chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi cũng cản trở mục tiêu của ngành lúa gạo nước này.
Nhưng trong cuộc họp giữa Tổng thống với ông Dar tối 20/11, hai ông đã nhất chí rằng Chính phủ Philippines sẽ không có động thái sửa đổi hoặc bãi bỏ Luật thuế quan đối với gạo, hay còn gọi là Đạo luật Cộng hòa (RA) 11203 – áp dụng từ tháng 3/2019. Theo Luật này, doanh nghiệp có thể nhập khẩu với khối lượng tự do miễn đáp ứng đủ các giấy phép cần thiết và chịu thuế 35% (nếu nhập khẩu gạo từ Đông Nam Á) và 40% (nếu nhập khẩu gạo từ những nước khác).
Luật này cho phép hoạt động nhập khẩu gạo không bị cản trở, dẫn tới giá bán lẻ gạo giảm trong thời gian qua, kể cả gạo do nông dân Philippines sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Dar, sản lượng gạo của nước này dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong 3 năm tới.
Theo nhận định của Philippines, đến cuối năm 2019, Philippines sẽ trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, vượt qua cả Trung Quốc, với khoảng 4,41 triệu tấn gạo nhập khẩu nếu tất cả các giấy phép kiểm dịch gạo (SPS) nhập khẩu được doanh nghiệp sử dụng hết.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Philippines sẽ trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất trong năm nay, với khoảng 3 triệu tấn – cao nhất thế giới và cũng cao nhất trong lịch sử nước này. Trung Quốc được dự báo sẽ nhập khẩu 2,5 triệu tấn trong năm nay. Theo USDA, năm 2018 nước này nhập khẩu 1,9 triệu tấn, tức là năm nay sẽ tăng 58% về khối lượng, và tăng 275% so với năm 2017. USDA dự báo năm 2020, nhập khẩu gạo vào nước này sẽ giảm 23% xuống 2,4 triệu tấn.
Theo ông Dar, trên thực tế, việc tăng nhập khẩu là điều đương nhiên đối với bất kỳ hàng hóa nào được giao dịch trong một thị trường mới tự do hóa, và "Hãy cho pháp luật một cơ hội. Chúng tôi muốn Luật thuế gạo là chính sách có lợi cho cả nông dân và người tiêu dùng".
Chính phủ Philippines đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát thông qua chính sách tự do hóa thương mại gạo. Lạm phát đã ổn định ở mức trung bình 2,8% trong năm nay – nằm trong mục tiêu chính thức là 2% đến 4%, trong đó lạm phát tháng 9 chỉ 0,9% - thấp nhất kể từ đầu năm 2016. "Thuế quan gạo đã làm nên kỳ tích, người nghèo được hưởng lợi", ông Ernesto Pernia, thư ký phụ trách vấn đề kế hoạch xã hội của ông Duterte nhận xét. Mặc dù 1,5 triệu nông dân bị thiệt hại đôi chút nhưng 100 triệu người dân nước này được hưởng lợi nhờ lạm phát giảm.
Bộ trưởng Nông nghiệp Dar cho rằng việc giá gạo trong nước sản xuất giảm chỉ là tạm thời, thị trường sẽ sớm có sự điều chỉnh. Ông cũng cho biết, khối lượng gạo nhập khẩu tăng cũng có lợi nếu xét theo một khía cạnh nào đó, chẳng hạn như Chính phủ có thể thu thuế từ những giao dịch gạo hợp pháp, không như trước kia, khi nạn buôn lậu còn tràn lan. Ước tính ngân sách Chính phủ sẽ thu về 10 tỷ peso (khoảng 200 triệu USD) trong vòng 6 năm áp dụng chính sách này, tiền thuế đó sẽ dùng để hỗ trợ nông dân về máy móc, hạt giống và các khoản vay không lãi suất.
Ông Dar cho biết, để kiểm soát khối lượng gạo nhập khẩu vào nước này, Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục siết chặt việc cấp giấy phép SPS đối với gạo nhập khẩu.
Các doanh nghiệp địa phương chỉ được xin cấp SPS từ Cục Cây trồng (BPI) thuộc Bộ Nông nghiệp. SPS xác nhận rằng gạo nhập khẩu không bị sâu bệnh. Các BPI sẽ thực hiện việc cấp SPS một cách nghiêm túc, chẳng hạn như tiến hành kiểm tra trước tại nơi xuất xứ gạo nhập khẩu để đảm bảo chất lượng an toàn đối với người tiêu dùng, đồng thời ngăn chặn sự lây lan của sâu bệnh đối với cây trồng trong nước. Năm nay, chính phủ đã trao giấy phép nhập khẩu cho 200 công ty và cấp hơn 2.000 giấy thông quan nhập khẩu.
Theo số liệu của BPI, có 1,7 triệu tấn gạo đã nhập khẩu vào Philippines kể từ tháng 3/2019 tới nay, trong khi một số doanh nghiệp chưa sửa dụng SPS đã được cấp. Bộ Nông nghiệp nước này bắt đầu tiến hành điều tra tình trạng tích trữ SPS cũng như tích trữ gạo nhập khẩu.
Philippines, thường mua gạo từ các nước láng giềng Đông Nam Á là Việt Nam và Thái Lan. Từ đầu năm đến nay, nước này đã nhập khẩu 2,9 triệu tấn, cao gấp đôi mức trung bình hàng năm của những năm gần đây và đánh bật Trung Quốc khỏi vị trí hàng đầu trong số các nhà nhập khẩu.
Nhập khẩu gạo tăng mạnh sau khi Manila xóa bỏ chính sách hạn chế khối lượng gạo nhập khẩu áp dụng suốt 2 thập kỷ qua để thay thế bằng chính sách thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, trở lại chính sách cấm nhập khẩu gạo có giúp đẩy giá gạo trong nước tăng lên hay không vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời chắc chắn.
Ngoài ra, hành động này có thể cũng không cần thiết bởi khối lượng gạo nhập khẩu đã giảm mạnh trong tháng 10 vừa qua, xuống còn 85.000 tấn, so với mức trung bình 254.000 tấn/tháng trong 9 tháng đầu năm nay. Việc siết chặt các quy định về an toàn thực phẩm đã giúp làm giảm tốc độ nhập khẩu gạo trong tháng 10 vừa qua.
Những hạn chế đối với nhập khẩu gạo Thái Lan cũng được tạm dừng lại. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Philippines nhập khẩu 543.344 tấn gạo Thái Lan, giảm 61,65% so với cùng kỳ năm trước.
Tính tới cuối tháng 10 năm nay, dự trữ gạo quốc gia của Philippines là 2,28 triệu tấn, cao hơn 43,4% so với mức 1,59 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Theo tính toán nhu cầu gạo trung bình ngày là 32.000 tấn thì lượng dự trữ này đủ dùng cho 71 ngày.
Cuối tháng 9/2019, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) thông báo sẽ thu mua lúa của dân với giá 19 peso/kg và bán lại với giá thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường.
Sản lượng gạo thấp
Giải thích về việc Philippines cần tiếp tục nhập khẩu gạo, ông Dar cho biết "Chúng tôi thiếu 15% gạo vào cuối năm nay. Chũng tôi chỉ có thể sản xuất đáp ứng 85% nhu cầu của mình trong năm nay". Lượng gạo nhập khẩu tính đến cuối năm nay sẽ chiếm khoảng 26% tổng nhu cầu gạo của nước này.
Bộ trưởng Dar cho biết, sản lượng lúa Philippines năm nay sẽ chỉ đạt 18,49 triệu tấn, thấp nhất kể từ năm 2016.
Trong giai đoạn năm 2015 đến 2018, năm có sản lượng cao nhất là 19,28 triệu tấn (2017), còn thấp nhất là 2016 (17,63 triệu tấn), theo số liệu của Cơ quan thống kê Philippines. Năm 2018, sản lượng lúa đạt 19,07 triệu tấn.
Trong quý 3/2019, sản lượng lúa Philippines đã giảm 4,53%, chủ yếu do sự sụt giảm ở các khu vực Tây Visayas và Soccsksargen bởi thiếu nước. Diện tích lúa thu hoạch ở Calabarzon, Vùng Mimaropa, Trung Visayas, Đông Visayas, Bán đảo Zamboanga và Caraga cũng giảm bởi lý do tương tự.
Như vậy, mặc dù Luật thuế gạo hứng chịu nhiều chỉ trích, nhưng không thể phủ nhận đây là một sự thay đổi tích cực trong chính sách thương mại của Philippines bởi sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp nước này nỗ lực vươn lên để nâng cao năng lực cạnh tranh.