Sầu riêng tăng giá kỷ lục
Nguồn cung hạn chế do đang thời điểm trái vụ cộng với đầu ra xuất khẩu (XK) thuận lợi, nhất là sang Trung Quốc đã đẩy giá sầu riêng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Gần đây, trái sầu riêng tại vùng ĐBSCL có giá từ 150.000- 170.000 đồng/kg, thậm chí 200.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với cách đây hơn 2 tháng và gấp 3 lần so với lúc sầu riêng đang thời điểm chính vụ năm trước (tháng 4, tháng 5/2022). Đây cũng là mức giá được xem là cao chưa từng có đối với loại trái cây này.
Nguyên nhân đầu tiên là hiện đang vào thời điểm sầu riêng trái vụ, nguồn cung khan hiếm. Với 4 công (1.000m2/công) đất trồng sầu riêng gần 20 năm và đã tham gia sản xuất nghịch vụ được 5 năm nay, ông Phan Tấn Phúc (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: “Mặc dù cho trái rải vụ nhưng sản lượng, năng suất và giá bán cao nên nông dân có thể lãi hàng trăm triệu đồng mỗi công…”.
Thu hoạch sầu riêng ở ĐBSCL ẢNH: CẢNH KỲ
Theo các tiểu thương và doanh nghiệp (DN) kinh doanh trái cây, sầu riêng đã được nông dân xử lý cho ra trái nghịch mùa nhiều năm nay nhưng giá bán thường chỉ ở mức từ 80.000-100.000 đồng/kg trở lại, không tăng cao như hiện nay. Lý do không chỉ bởi nguồn cung hạn chế mà còn do đầu ra XK đang thuận lợi, nhất là XK sang Trung Quốc.
Anh Trần Hoàng Ngân (chủ cơ sở thu mua sầu riêng tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho hay, sầu riêng của Việt Nam đã được XK chính ngạch sang Trung Quốc, đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian thực hiện chính sách “Zero COVID” càng tạo thuận lợi cho sầu riêng và nhiều loại trái cây khác của Việt Nam được đẩy mạnh XK. Thị trường đông dân nhất thế giới có nhu cầu tiêu thụ sầu riêng rất lớn nên tiểu thương và DN đẩy mạnh thu mua để XK sang thị trường này.
Sốt tức thời
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho rằng, giá sầu riêng ổn định thường chỉ ở mức 80.000- 100.000 đồng/kg. “Khi sản lượng quá thấp mà nhu cầu đang có, DN sẵn sàng mua lỗ theo yêu cầu của nhà vườn để giữ mối. Họ muốn giữ mối làm ăn với nhà vườn, vì nếu không mua thì nhà vườn sẽ bán cho thương lái hay DN khác, cho nên giá cao đó chỉ là tức thời. Thực tế cũng có người bán với giá 200.000 đồng/kg nhưng số này không nhiều, vì hiện đang là mùa ‘kiệt’, đến mùa chính vụ thì giá sẽ trở lại bình thường thôi”, ông Liêm nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ, nghịch mùa đã được nông dân ĐBSCL áp dụng nhiều năm qua nhằm tạo thuận lợi về đầu ra cho trái sầu riêng và hạn chế tình trạng “rộ mùa rớt giá”. Chi phí cho rải vụ, nghịch mùa thường cao hơn so với để cho cây ra trái thuận mùa tự nhiên, nhưng bù lại giá bán cao và dễ tiêu thụ, giúp nông dân có thu nhập tốt hơn.
Với giá tăng cao như gần đây, người trồng sầu riêng có thể thu lãi cao gấp 2-5 lần so với cho trái thuận mùa. Tuy nhiên, theo các nhà vườn lâu năm, để ổn định giá cả đầu ra cho trái sầu riêng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng ở trung ương, địa phương và nông dân tại các vùng trồng. Qua đó, giúp cân đối diện tích sản xuất sầu riêng rải vụ phù hợp từng thời điểm trong năm gắn với nhu cầu thị trường.
Tiền phong