MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau sầu riêng, một sản vật triệu đô của Việt Nam khiến người Trung Quốc mê mẩn: thị phần lọt top 3, kim ngạch xuất khẩu dự kiến vượt 1 tỷ USD

02-10-2024 - 06:51 AM | Thị trường

Việt Nam là nguồn cung loại quả này lớn thứ 3 cho Trung Quốc.

Sau sầu riêng, một sản vật triệu đô của Việt Nam khiến người Trung Quốc mê mẩn: thị phần lọt top 3, kim ngạch xuất khẩu dự kiến vượt 1 tỷ USD- Ảnh 1.

Theo cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ dừa của nước này rất lớn. Hàng năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỉ trái dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỉ dừa tươi, còn lại phục vụ chế biến. Nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc chưa đáp ứng đủ, do đó hàng năm nước này phải nhập khẩu lượng lớn dừa các loại.

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, giai đoạn 2019 - 2023, nhập khẩu dừa của nước này tăng trưởng bình quân 22,71%/năm. Trong giai đoạn này, nhập khẩu dừa của Trung Quốc duy trì ổn định và tăng trưởng dần đều, đặc biệt trong 2 năm 2022 và 2023, lượng dừa nhập khẩu liên tục đạt mức cao kỷ lục, lần lượt là 1,095 triệu tấn và 1,22 triệu tấn.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu dừa của nước này đạt 492,32 nghìn tấn, trị giá 249,95 triệu USD, giảm 29,7% về lượng và giảm 33,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc nhập khẩu dừa từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung dừa chủ yếu cho Trung Quốc gồm: Indonesia, Thái Lan, và Việt Nam, thị phần chiếm 96,51% tổng lượng.

Sau sầu riêng, một sản vật triệu đô của Việt Nam khiến người Trung Quốc mê mẩn: thị phần lọt top 3, kim ngạch xuất khẩu dự kiến vượt 1 tỷ USD- Ảnh 2.

Việt Nam là nguồn cung dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, đạt trên 111,1 nghìn tấn, trị giá 31,79 triệu USD, giảm 30,6% về lượng và giảm 18,6% về trị giá.

Thị phần trái dừa của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm nhẹ từ 22,86% trong 7T/2023 xuống 22,57% trong cùng kỳ năm 2024.

Bộ Công thương đánh giá việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dừa Việt Nam chỉ là trong ngắn hạn. Bởi Trung Quốc đã đồng ý cấp phép xuất khẩu chính ngạch đối với trái dừa tươi của Việt Nam từ ngày 19/8/2024. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dừa Việt Nam tiếp cận vào thị trường tiềm năng lớn Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, chỉ có tỉnh Hải Nam trồng được dừa. Sản lượng dừa Hải Nam đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu của cả Trung Quốc. Mặt khác, trái dừa Hải Nam lại có những hạn chế do khí hậu, thời tiết như nhỏ hơn trái dừa của các nước khác. Dư địa cho dừa Việt Nam là rất lớn.

Hiện, Việt Nam có khoảng 200.000 ha trồng dừa, sản lượng hơn 2 triệu tấn, giá trị đứng thứ 4 trên thế giới và là một trong những cây trồng cho thế mạnh xuất khẩu của nước ta.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây vừa là cơ hội để mở rộng thị trường dừa của Việt Nam và là căn cứ để Việt Nam tổ chức, liên kết lại sản xuất cây trồng này hiệu quả hơn.

Theo dự đoán của các chuyên gia, sau khi hai nước chính thức ký nghị định thư, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi hàng năm của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt 1 tỷ USD.

Trong 2 ngày 11 – 12/9, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành kiểm tra 24 vùng trồng, 12 cơ sở đóng gói dừa tươi của Việt Nam trước khi cấp mã số cho các cơ sở này xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu phấn đấu khoảng 80% mã số được phê duyệt trở lên.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên