Sau SVB, một ngân hàng lớn khác của Mỹ lại bị buộc đóng cửa vì lo ngại rủi ro hệ thống
Theo CNBC, giới chức Mỹ mới đây đã đóng cửa ngân hàng Signature Bank - một nhà cho vay lớn trong ngành tiền số.
Động thái này nằm trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang lan rộng sau khi SVB sụp đổ.
Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang (FED) và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết trong một thông báo chung: “Chúng tôi xin thông báo về một trường hợp rủi ro từ Signature Bank ở New York. Ngân hàng này đã bị cơ quan quản lý đóng cửa từ ngày hôm nay (12/3 - giờ Mỹ).”
Cơ quan quản lý cho biết các khách hàng của Signature Bank vẫn hoàn toàn có thể rút tiền gửi của mình. Đây là động thái tương tự để đảm bảo các bên gửi tiền như ở SVB vẫn có thể lấy lại tiền. Giới chức phát biểu: “Toàn bộ những người gửi tiền ở tổ chức này sẽ không bị ảnh hưởng. Cũng như cách giải quyết của chúng tôi với SVB, những bên gửi tiền sẽ không phải chịu bất kỳ thiệt hại nào.”
Hôm thứ Sáu, FDIC đã đóng cửa SVB và thu giữ toàn bộ tài sản của ngân hàng này trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất nước Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Những diễn biến đầy kịch tích này xảy ra chỉ vài ngày sau khi SVB cho biết họ đang gặp khó khăn, tạo ra làn sóng ồ ạt rút tiền.
Signature Bank được thành lập vào năm 2001 và tự "quảng cáo" mình là một giải pháp thay thế cho các ngân hàng lớn đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhà cho vay này đã phát triển nhanh chóng và trở thành "con cưng" của giới đầu tư.
Năm 2018, Signature đã thuê các nhân sự ngành ngân hàng chuyên về tiền số để nỗ lực mở rộng ra bên ngoài lĩnh vực bất động sản thương mại. Trong khi các ngân hàng khác ngần ngại tiếp xúc với ngành tiền số, thì Signature đã trở thành một trong những nhà băng hàng đầu của ngành này.
Việc đặt trọng tâm trong ngành tiền số và có hệ thống thanh toán dành riêng cho các công ty ở lĩnh vực này đã giúp Signature ghi nhận các khoản tiền gửi tăng gấp đôi trong 2 năm. Vào đầu năm 2022, khoảng 27% tiền gửi của ngân hàng này đến từ các khách hàng nắm giữ tài sản kỹ thuật số.
Signature có vốn hoá là 4,4 tỷ USD tính đến ngày thứ Sáu, sau khi chứng kiến cổ phiếu giảm 40% trong năm nay, theo FactSet. Tính đến ngày 31/12, Signature có tổng tài sản là 110,4 tỷ USD và tổng giá trị tiền gửi đạt 88,6 tỷ USD.
Để ngăn chặn những tác động và rủi ro xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn, Fed và Bộ Tài chính Mỹ đã thành lập một quỹ khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng rút tiền gửi ồ ạt ở cả Signature Bank và SVB, bằng cách sử dụng quỹ cho vay khẩn cấp của Fed.
Quỹ bảo hiểm tiền gửi FDIC sẽ được sử dụng để hoàn trả cho các bên gửi tiền, nhiều người trong số này không nhận được bảo hiểm, vì FDIC chỉ bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi khoản tiền gửi.
Ngoài ra, một quan chức của Bộ Tài chính cho biết trong khi các bên gửi tiền vẫn có thể tiếp cận với khoản tiền gửi của họ, thì quyền sở hữu cổ phiếu và trái phiếu ở cả 2 ngân hàng đang bị loại bỏ.
Người này nói thêm rằng, các động thái này được đưa ra nhằm ổn định hệ thống tài chính và bảo vệ người gửi tiền, không phải là gói cứu trợ cho bất kỳ công ty nào. Ngoài ra, người đóng thuế cũng không phải chịu bất kỳ thiệt hại nào sau vụ sụp đổ của cả 2 ngân hàng trên.
Theo đó, cùng quyết định của Fed về việc cung cấp tài chính cho các tổ chức có đủ điều kiện và đảo bảo họ có thể đáp ứng nhu cầu của tất các bên gửi tiền, thì đây sẽ là những bước giúp khôi phục niềm tien của thị trường.
Tham khảo CNBC; Reuters
Nhịp sống thị trường