MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là đề án thu phí với khí thải?

Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ như GTVT, Tài nguyên & Môi trường, NN& PTNN... sớm có đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Phương án đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải bao gồm: Đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu, nộp phí, quản lý, sử dụng phí.

Những thông tin này sẽ gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các Bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành Nghị định thu phí.

Theo Bộ Tài chính, trước đó, tại công văn số 6718 ngày 18/5/2016 gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ GTVT, đã đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường với khí thải, gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban ngành Nghị định. Tuy nhiên, đến nay hai Bộ này vẫn chưa gửi phương án.

Bộ Tài chính đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường với khí thải gửi về Bộ trước ngày 31/12.

Bộ Tài chính cũng cho biết ngày 16/10/2018, VPCP có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong đó có nội dung Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP. Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường với khí thải.

Việc thu phí khí thải không phải lần đầu tiên được đưa ra tại Việt Nam. Hồi tháng 7/2007, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng công bố chương trình xây dựng Nghị định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải để trình Thủ tướng phê duyệt và có thể được áp dụng vào giữa năm 2008.

Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, cá nhân thải ra môi trường các loại bụi, khí đốt hàng năm sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phí theo quy định.

Bộ này kỳ vọng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền sẽ tác động mạnh mẽ đến công tác bảo vệ môi trường. Đối tượng chịu phí, nộp phí ban đầu là những cơ sở, đơn vị trong quá trình sản xuất, kinh doanh; các tổ chức cá nhân sử dụng máy móc, thiết bị; các hộ gia đình... làm phát tán ra môi trường các loại bụi, khí SO2, NO2, CO do đốt các nhiên liệu hóa thạch.

Cách tính phí được đưa ra cụ thể là: Năm loại khí thải (bụi, SO2, NO, CO, VOC) sẽ là đối tượng chính được tính khi áp giá thu phí theo mức dao động 1.000- 5.000 đồng/kg. Trong đó bụi và SO2 sẽ áp ở mức cao nhất là 5.000 đồng/kg và thấp nhất là 2.000 đồng/kg.

Khối lượng các chất gây ô nhiễm sẽ được tính trên cơ sở loại hình và chất lượng nhiên liệu, khối lượng bị đốt cháy; công nghệ và trình độ công nghệ của máy móc, thiết bị và phương tiện sử dụng nhiên liệu.

Số phí các đơn vị phải nộp sẽ được tính bằng tổng số phí phải nộp của từng chất gây ô nhiễm cộng lại. Đối với nguồn thải di động, phương tiện giao thông, việc thu phí không thể dựa vào lượng phát thải để thu trực tiếp.

Đến tháng 1/2016, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 199 hướng dẫn thu phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu; lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con từ 7 chỗ ngồi trở xuống.

Trong khu vực Đông Nam Á, hiện mới chỉ có Singapore là có kế hoạch áp dụng thuế khí thải carbon đến năm 2019 nhằm buộc các nhà máy năng lượng gây ô nhiễm phải nhận trách nhiệm.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, hồi tháng 9 năm nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Trong đó, thống nhất thuế môi trường với xăng sẽ tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít, tức tăng thêm 1.000 đồng/lít so với mức hiện nay. Khung thuế sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/1/2019.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên