Sau tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, "đại gia" Nga cũng muốn đầu tư dự án lọc hóa dầu ở Việt Nam
Mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư - Dịch vụ Quốc tế GS và Tập đoàn TAIF.
Tạo thành khu vực công nghiệp liên hoàn
Tập đoàn TAIF, được thành lập từ năm 1995, là doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực lọc hóa dầu, năng lượng, hóa chất, cảng biển logistics tại Liên bang Nga. Theo Forbes, đây là doanh nghiệp lớn thứ 13 tại Liên bang Nga với tổng tài sản khoảng 22 tỷ USD.
Hiện nay, tập đoàn TAIF đang muốn tìm kiếm mở rộng đầu tư tổ hợp công nghiệp bao gồm nhà máy lọc hoá dầu, cảng khí LNG, nhà máy điện khí LNG tại các thị trường đang phát triển mạnh như Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, doanh nghiệp mong muốn được nghiên cứu, đầu tư dự án lọc hóa dầu tại khu vực Vân Phong. Nếu được chấp nhận đầu tư, dự án sẽ tạo nên một khu vực công nghiệp liên hoàn với tổ hợp nhà máy lọc hóa dầu, cảng khí LNG và nhà máy điện khí LNG.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân hoan nghênh Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Quốc tế GS và Tập đoàn TAIF đã quan tâm, nghiên cứu đề xuất dự án tổ hợp công nghiệp lọc hóa dầu tại Khu Kinh tế Vân Phong.
Chủ tịch tỉnh cơ bản thống nhất với chủ trương nghiên cứu, lập đề xuất dự án đầu tư; đồng thời giao Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo theo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới cũng quan tâm cơ hội đầu tư vào Việt Nam
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC, Thủ tướng cũng đã có buổi gặp gỡ với ông Yasser M.Mufti, Phó Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Aramco. Saudi Aramco là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Năm 2022, Aramco đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 161 tỷ USD, tăng 46% so với mức 110 tỷ USD năm 2021.
Tại buổi tiếp đón, ông Yasser M.Mufti bày tỏ mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu.
Đáp lại lời đề nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam, phát triển hợp tác thương mại trong lĩnh vực sản phẩm dầu, khí, hóa chất dầu khí như dầu thô, khí hỏa lỏng, hạt nhựa, phân bón…
Thủ tướng cũng đề nghị Aramco tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí tại Saudi Arabia, tìm các dự án lớn để cùng đầu tư và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dầu khí. Thủ tướng đề nghị ngay sau cuộc gặp PVN và Aramco thu xếp làm việc trực tiếp về kế hoạch hợp tác.