Nhà đầu tư trở lại “đường đua” bất động sản nghỉ dưỡng
Sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch bệnh Covid-19, đến nay, khi du lịch được kết nối lại mở ra nhiều tín hiệu mới cho bất động sản nghỉ dưỡng. Theo đó, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển phân khúc này.
- 04-05-2022Nghịch lý trên thị trường bất động sản: Lãi gấp 2 nhà đầu tư vẫn không bán, môi giới lo lắng
- 04-05-2022Đề xuất cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội dạng phòng trọ
- 04-05-2022Thị trường bất động sản có dấu hiệu lệch pha cung - cầu
Số liệu từ DKRA Việt Nam cho thấy, trong quý I/2022 cả nước ghi nhận 12 dự án biệt thự nghỉ dưỡng mở bán, cung cấp ra thị trường 1.020 căn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 57% tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; đối với sản phẩm shophouse nghỉ dưỡng, có 13 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87%, tăng 14,7 lần so với cùng kỳ.
Theo báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2022 của Bộ Xây dựng, đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú. Trong quý, có 01 dự án tại Cao Bằng; số lượng dự án bằng khoảng 14% so với Quý IV/2021.
Hiện đang triển khai 52 dự án với 20.118 căn hộ du lịch và 7.887 biệt thự du lịch, tập trung chủ yếu tại Khánh Hòa (26 dự án), Vĩnh Phúc (07 dự án), Phú Yên (06 dự án); số lượng dự án bằng khoảng 98% so với Quý IV/2021.
Có 05 dự án mới với 67 biệt thự du lịch và 220 văn phòng kết hợp lưu trú, tập trung chủ yếu tại Hòa Bình, Cao Bằng được cấp phép mới; số lượng dự án bằng khoảng 83% so với Quý IV/2021 và bằng khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhiều địa phương sau thời gian ngưng trệ hoạt động vì đại dịch rất khao khát mở cửa, phục vụ du khách. Với lực đẩy từ gói hỗ trợ kích thích kinh tế, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật mạnh sau nhiều năm “ngủ đông”. Đặc biệt, nếu so về giá thì bất động sản nghỉ dưỡng tại các dự án chưa tăng quá nhiều so với chung cư, đất vùng ven trong 2 năm qua. Đó là lý do để phân khúc này thu hút nhà đầu tư trở lại.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam cũng nhận định, việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 liên quan đến pháp lý của bất động sản du lịch sẽ tạo ra tiền đề tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc.
Dự kiến trong năm nay, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình condotel, officetel và shophouse để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Đây là một trong những nền tảng vững chắc thúc đẩy tốc độ phát triển của condotel, officetel… đồng thời củng cố niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư đối với các phân khúc này.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, du lịch Việt Nam trong 2 năm vừa qua, từ 2020 - 2021 chứng kiến sự gia nhập của nhiều chủ đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh với những dự án quy mô lớn từ vài trăm đến hàng nghìn héc-ta.
Bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thương hiệu quản lý - vận hành quốc tế 4 - 6 sao có mặt tại các tâm điểm du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú nhằm tăng cường khả năng thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Đa phần các dự án lớn sở hữu hệ sinh thái đa tiện ích, được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế sẽ được khách hàng quan tâm nhiều hơn nhờ khả năng đảm bảo dòng tiền khai thác và lợi nhuận kỳ vọng.
Song song với những tín hiệu lạc quan về du lịch, tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý liên tiếp trong những tháng đầu năm 2022, các yếu tố về chính sách và kinh tế vĩ mô của Nhà nước như gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ của Chính phủ để kích cầu và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, phân bổ ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, điều chỉnh lãi suất ngân hàng… đang mở ra nhiều cơ hội mới để các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung phát triển sôi động trở lại.
Trước nhiều động lực tăng trưởng, doanh nghiệp địa ốc cũng hướng đến những kế hoạch lạc quan để tăng tốc trong năm nay, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ các dự án và mở rộng quỹ đất bất động sản nghỉ dưỡng.
Đơn cử như Tập đoàn Novaland cũng liên tục có động thái mở rộng thị phần bất động sản khi công bố việc thành lập công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Novaland Đất Tâm. Cũng trong tháng 1 vừa qua, liên doanh này đã đưa ra ý tưởng quy hoạch dự án khu du lịch với quy mô lên đến 23.500ha tại huyện Đắk GLong và Vườn quốc gia Tà Nùng.
Còn Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã chính thức bố giai đoạn I Dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land (Bình Định) rộng hơn 623,71ha với tổng vốn đầu tư lên đến 47.000 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn CEO mới đây, Chủ tịch Đoàn Văn Bình cho biết, sẽ tiếp tục tăng mạnh quỹ đất trong thời gian tới qua hình thức M&A. 5 năm tới, CEO Group sẽ phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền, tập trung ưu tiên phát triển các dự án đô thị và đô thị tích hợp nghỉ dưỡng,…
“Chúng tôi sẽ tập trung phát triển quỹ đất gấp rưỡi hoặc gấp đôi khoảng 500 – 1.000 ha tập trung tại các đô thị ven biển. Dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường trên 4.000 sản phẩm với hơn 1 triệu m2 sàn và 600.000 m2 đất kinh doanh, khách sạn 5 sao 3000 - 5000 sản phẩm…”, vị Chủ tịch nói.
Có thể nói, sau 2 năm trầm lắng bất động sản nghỉ dưỡng đang lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong quý 2 và quý 3 khi nhu cầu du lịch tăng cao. Đây cũng là lý do nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quay trở lại với phân khúc này, đặc biệt những thị trường lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang.