Sau tuyên bố tên lửa của quân đội Nga bắn rơi MH17, điều tra viên khoanh vùng đối tượng nghi vấn
Các công tố viên cho hay, họ đã khoanh vùng danh sách tình nghi từ hơn 100 xuống còn vài chục đối tượng trong vụ bắn hạ MH17.
- 21-05-2016Tổng thống Nga Vladimir Putin bị kiện trong vụ rơi MH17
- 13-10-2015Hà Lan kết luận MH17 bị tên lửa Buk bắn hạ
- 17-07-2015Nhìn lại 1 năm thảm kịch máy bay MH17 rơi
Các công tố viên điều tra vụ bắn hạ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở Đông Ukraine năm 2014 cho biết, họ đã xác định được tên lửa được sử dụng trong vụ việc là từ một đơn vị quân đội của Nga.
Ông Wilbert Paulissen, người đứng đầu đơn vị hình sự của lực lượng cảnh sát quốc gia Hà Lan cho hay, tên lửa đã được phóng từ bệ phóng thuộc về Lữ đoàn Phòng không 53 của Nga. "Tất cả các bệ phóng tên lửa đều là một phần trong lực lượng vũ trang Nga", ông Paulissen nói trong một cuộc họp báo.
Tiết lộ thêm thông tin về quá trình điều tra, các công tố viên cho hay, họ đã rút bớt danh sách tình nghi từ hơn 100 xuống còn vài chục đối tượng.
"Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng và chứng cứ nhưng chúng tôi vẫn chưa hoàn thành", trưởng công tố viên Fred Westerbeke nói, "Vẫn còn nhiều việc phải làm".
Ông Westerbeke cho hay, các điều tra viên chưa sẵn sàng công khai danh tính các cá nhân nghi phạm hoặc ra cáo trạng. Việc các thành viên trong Lữ đoàn 53 có tích cực tham gia vào hoạt động bắn hạ máy bay hay không vẫn đang được điều tra.
Ông Westerbeke đã kêu gọi nhân chứng giúp nhận dạng các thành viên đã tham gia vận hành hệ thống tên lửa. Ông cũng đề nghị được cung cấp thêm thông tin để xác định xem mệnh lệnh của họ là gì và quan chức nào chịu trách nhiệm lữ đoàn này.
Nhóm điều tra chung cho biết, những phân tích chi tiết hình ảnh từ video cho thấy tên lửa này xuất phát từ đơn vị quân sự Nga, đóng ở thành phố Kursk.
Các điều tra viên đã công khai đoạn phim cho thấy hệ thống tên lửa, ban đầu mang 4 quả tên lửa, được quân nổi dậy vận chuyển từ Nga. Một số cuộc gọi được ghi âm có giọng nam bàn bạc về việc vận chuyển tên lửa Buk từ Nga và quay trở lại Nga.
Quan chức Ukraine cũng đã tung ra một bản ghi âm có giọng của người được cho là phiến quân nói rằng, MH17 bị bắn hạ vì nhầm với máy bay quân sự. "Đó 100% là máy bay chở khách", người này nói với cấp trên, "Có những vật dụng dân sự, vật phẩm y tế, khăn mặt và giấy vệ sinh".
Vài giờ sau khi MH17 rơi, có người trông thấy tên lửa Buk được chuyển về phía biên giới Nga, thiếu mất 1 quả, trước khi đoàn xe rời khỏi Ukraine trong đêm. Hành trình của đoàn xe đã được ghi lại trong rất nhiều ảnh và video của người dân.
Chiếc máy bay của Malaysia Airlines đã bị trúng tên lửa do Nga sản xuất vào 17/6/2014. Toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn đều bị thiệt mạng.
Trong bản báo cáo vào tháng 10/2015, Ủy ban An toàn Hà Lan đã kết luận rằng chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bị tên lửa Buk tấn công.
Tới tháng 9/2016, các công tố viên Hà Lan cho hay, 100 "đối tượng bị chú ý" đã được xác định trong cuộc điều tra và quan chức Australia cùng Malaysia đều hy vọng tên của những đối tượng tình nghi này sẽ được công khai trong năm 2017.
Những đối tượng tình nghi cuối cùng nhiều khả năng sẽ bị xét xử vắng mặt tại Hà Lan sau khi Nga sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc khi cơ quan này tìm cách thiết lập một phiên tòa quốc tế để giám sát các khiếu nại hình sự từ vụ việc.
Nga đã phủ nhận có liên quan tới vụ việc. Hiện phía Moscow cũng chưa đưa ra bình luận nào về các tiến triển điều tra vừa được công bố.
Mô phỏng tên lửa Buk bắn rơi MH17
Thời Đại