Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân các xã bãi ngang huyện Diễn Châu (Nghệ An) hối hả vươn khơi đón “lộc biển” đầu năm.
Ngư dân Nguyễn Văn Khánh (50 tuổi, trú xã Diễn Kim) phấn khởi khi chuyến “mở hàng” đầu năm được hơn 2 tạ ruốc biển . “Từ mùng 4 Tết, ngư dân chúng tôi đã ra biển đánh bắt hải sản. Dịp này đang vào mùa ruốc biển nên thuyền nào thuyền nấy đều mang về từ 2-3 tạ, thu tiền triệu trong ngày”, ông Khánh cho hay.
Theo ông Khánh, từ ngày mùng 4 Tết, ông đã vươn khơi đánh bắt được 5 chuyến, trong đó có chuyến thu được hơn 2 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Cập bờ sau chuyến đánh bắt mang theo gần 2 tạ ruốc biển, ngư dân Đậu Văn Long (42 tuổi, trú xã Diễn Hải) cho hay mùa ruốc biển bắt đầu từ tháng 11/2023 đến khoảng tháng 2. Ruốc tươi khi đánh bắt được các thương lái phân loại, thu mua ngay tại chỗ. Ruốc cũng có thể được phơi khô hoặc nhập trực tiếp cho các nhà máy.
“Số ruốc này, tôi sẽ bán một phần cho thương lái, phần còn lại đem phơi khô để bán. Ruốc tươi bán tại chỗ giá từ 20.000-25.000 đồng/kg. Còn nếu phơi khô sẽ bán được giá cao hơn, dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg”, anh Long chia sẻ.
Các thương lái thu mua ruốc biển ngay khi vừa cập bờ.
Được mùa ruốc biển, ngư dân phấn khởi những ngày đầu năm mới.
Tranh thủ trời nắng ráo, ngư dân phơi khô ruốc để bán cho được giá.
Chuyến ra khơi đầu năm, bà con ngư dân còn đánh bắt được nhiều cá trích, khởi đầu cho một năm mới với nhiều may mắn.
Thông thường, nếu ra khơi 2-3 chuyến/ngày, ngư dân có thu nhập từ vài triệu đồng trở lên sau khi đã trừ chi phí.
Những ngày đầu năm trời yên, biển lặng thuận lợi cho bà con ngư dân “ xông biển ” đánh bắt hải sản.
Tỉnh Nghệ An hiện có trên 3.400 tàu cá, trong đó có 1.221 tàu cá hoạt động vùng khơi, chuyên đánh bắt bằng lưới vây, lưới kéo, lưới chụp, lưới rê và câu. Từ ngày mồng 6 Tết đến ngày Rằm tháng Giêng, các tàu lớn sẽ lần lượt vươn khơi, “xông biển” với hy vọng về một năm mới mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.