MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau virus corona, tả lợn châu Phi, Trung Quốc tiếp tục đón thách thức từ ... châu chấu

03-03-2020 - 14:22 PM | Tài chính quốc tế

Khi Trung Quốc vẫn đang vật lộn với virus corona thì cơ quan nông lâm nghiệp nước này thông báo một đe dọa khác: châu chấu, một trong những loài côn trùng phá hoại nhất thế giới.

Ngày 2/3, Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo về đàn châu chấu đang tràn sang nước này sau khi hoành hành trên các cánh đồng của Pakistan, Ấn Độ và Đông Phi.

"Dù các chuyên gia tin rằng nguy cơ đàn châu chấu xâm nhập và gây ra thảm họa là tương đối thấp, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi và ngăn chặn đàn châu chấu này vì thiếu kỹ thuật giám sát và ít hiểu biết về tập quán di cư của chúng nếu chúng xâm nhập", Cục Quản lý Nông nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia viết trong thông báo khẩn cấp.

Bắc Kinh đã thành lập lực lượng chuyên trách để theo dõi, khống chế và ngăn chặn đàn châu chấu xâm nhập. Các chuyên gia cũng dự kiến sẽ nhóm họp để thảo luận về biện pháp ngăn chặn châu chấu phá hoại trên cả nước, bao gồm cả việc lập hệ thống cảnh báo khẩn cấp.

Các cảnh báo đã được thiết lập từ giữa tháng 2 khi Bộ Nông nghiệp Trung Quốc quyết định theo dõi đàn châu chấu và nghiên cứu cách phòng ngừa loại côn trùng này, trong đó có việc xuất khẩu 100.000 con vịt sang Pakistan vào nửa cuối năm nay để ngăn chặn đàn châu chấu.

"Đàn vịt được coi như 'vũ khí sinh học' hiệu quả hơn sử dụng thuốc trừ sâu đối với châu chấu. Một con vịt có thể ăn 200 con châu chấu mỗi ngày", Lu Lizhi, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học Nông nghiệp Chiết Giang, cho biết.

Việc thử nghiệm đang được bắt đầu tiến hành tại khu tự trị Tân Cương trước khi đàn vịt được cung cấp cho phía Pakistan.

Nông nghiệp Trung Quốc đã có một năm 2019 khó khăn với sự hoành hành của giun đất trên hàng triệu hecta đất nông nghiệp cũng như dịch tả lợn châu Phi khiến giới chức phải tiêu hủy một nửa đàn lợn tức 440 triệu con lợn để ngăn ngừa dịch bệnh.

Đầu năm 2020, hơn 80.000 người nhiễm bệnh và 2.900 người chết vì virus corona, dịch COVID-19 khiến nhiều ngành công nghiệp của đất nước bị đình trệ. Nạn châu chấu có thể sẽ kéo thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc xuống sâu hơn nữa.

Năm 2018, nông nghiệp đóng góp 7,2% trong tổng GDP Trung Quốc, theo số liệu của Statista, công ty chuyên cung cấp dữ liệu thị trường và tiêu dùng của Đức.

Sau virus corona, tả lợn châu Phi, Trung Quốc tiếp tục đón thách thức từ ... châu chấu - Ảnh 1.

Châu chấu tàn phá mùa màng Pakistan nặng nề nhất trong hai thập kỷ. Ảnh: AP

Châu chấu sa mạc là một trong những loại côn trùng gây hại lâu đời nhất và tàn phá nặng nề nhất trên thế giới. Chúng hủy hoại mùa màng, đồng cỏ, cây cối. Theo Liên Hợp Quốc, một bầy châu chấu 1 km2 trong một ngày có thể tiêu thụ lượng lương thực của 35.000 người.

Vào cuối tháng 1, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) đã kêu gọi nỗ lực của quốc tế để ngăn chặn sự bùng phát châu chấu sa mạc tồi tệ nhất trong thập kỷ. Đàn châu chấu ở Ethiopia, Kenya và Somalia "có kích cỡ và khả năng hủy diệt chưa từng thấy", FAO cho hay.

Những cơn mưa gió mùa nặng nhất trong vòng 25 năm qua ở Ấn Độ, Pakistan trong mùa hè tạo ra nhiều thức ăn hơn khiến đàn châu chấu phát triển chóng mặt. Liên Hợp Quốc cảnh báo châu chấu có thể gây ra khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới.

Trung Quốc cho biết nếu khí hậu cung cấp môi trường sinh sôi thuận lợi cho châu chấu, đàn côn trùng phá hoại này có thể sẽ qua Pakistan và Ấn Độ tràn vào Tây Tạng, Trung Quốc, rồi lan rộng xuống tỉnh Vân Nam, phía tây nam đất nước. Nó cũng có thể đi qua Kazakhstan rồi vào khu tự trị Tân Cương.

Trong tháng 2, Zhang Zehua, nhà nghiên cứu của Viện bảo vệ thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp trung Quốc, nói với Tân Hoa xã rằng khu vực cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng ở phía Bắc Trung Quốc có thể đóng vai trò lá chắn để chống lại đàn châu chấu.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết châu chấu hoạt động mạnh nhất ở nhiệt độ 40 độ C và độ ẩm khoảng 60-70%, nên chúng sẽ khó sống được ở khu vực phía nam Tây Tạng.

"Rất khó có khả năng châu chấu sa mạc di cư trực tiếp vào khu vực nội địa của Trung Quốc nhưng nếu đàn châu chấu vẫn tồn tại và hoành hành ở nước ngoài thì khả năng Trung Quốc sẽ bị tấn công mạnh nhất vào tháng 6 đến tháng 7", ông Zhang nói và nhấn mạnh Trung Quốc nên chuẩn bị ứng phó với khả năng này.

Tham khảo SCMP

Vũ Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên