Sau World Bank, HSBC, đến VCSC hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam do 3 rủi ro chính
Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 xuống mức 5,3%. Ngân hàng HSBC cũng hạ dự báo tăng trưởng từ 6,5% xuống 6,2% do nguy cơ ảnh hưởng từ bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu.
- 12-04-2022Vì sao với 10 triệu đồng, nhà đầu tư có thể thu về số tiền gấp 10 lần trong 1 năm, nhưng với 10 tỷ đồng lại 'bất khả thi'?
- 12-04-2022Mua một chiếc xe ô tô, người dân phải đóng bao nhiêu loại phí?
- 12-04-2022Nhật Bản tìm cách tăng dự trữ năng lượng sau 1 năm tuyên bố chọn Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên trong thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, trong những quý tới, các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục được cải thiện. Song, do các rủi ro trên toàn cầu gia tăng, VCSC điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2022 xuống còn 7,2% từ mức dự báo 7,8% vào đầu năm 2022, duy trì dự báo GDP năm 2023 đạt 7%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,03% trong quý 1/2022, mức tăng trưởng trong quý 1 cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Nguồn: TCTK, VCSC
Bên cạnh đó, VCSC nêu rõ các yếu tố có thể kéo tăng trưởng xuống thấp hơn kỳ vọng.
Thứ nhất, rủi ro trên toàn cầu gia tăng (chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu, xung đột địa chính trị và Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách zero-COVID) ảnh hưởng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu nhiều hơn kỳ vọng, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam.
Thứ hai, giá dầu thô toàn cầu và các hàng hóa cơ bản khác cao hơn dự kiến có thể làm gia tăng thêm chi phí sản xuất và lạm phát, qua đó ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và triển vọng kinh tế.
Thứ ba, giải ngân các gói hỗ trợ của Chính phủ chậm hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, có hai yếu tố có thể giúp tăng trưởng vượt kỳ vọng của VCSC, gồm rủi ro địa chính trị và lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, giúp hỗ trợ triển vọng toàn cầu cũng như Việt Nam; và giải ngân các gói hỗ trợ nhanh hơn kỳ vọng.
Khối phân tích của VCSC nâng dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân lên 3,5% trong năm 2022 (so với dự báo vào đầu năm là 3,0%) do giá dầu và giá hàng hóa cơ bản gia tăng. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức trần mục tiêu của Chính phủ là khoảng 4%.
Đồng thời, VCSC giảm dự báo CPI bình quân năm 2023 xuống 4,0% (từ 4,5% trước đây) do giá dầu thô và các mặt hàng khác trên toàn cầu có thể giảm trong năm 2023, trong khi giá các hàng hóa và dịch vụ do Chính phủ điều tiết có thể tăng trở lại.
Tỷ giá USD/VND dự báo có thể tăng 1% trong năm 2022 (so với dự báo vào đầu năm 2022 là đi ngang) do rủi ro cao hơn từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ kết hợp với rủi ro địa chính trị gia tăng, giá hàng hóa tăng – vốn có thể tác động tiêu cực đến cán cân thương mại của Việt Nam, cũng như lạm phát cao hơn và đà phục hồi chậm hơn dự kiến của nền kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng toàn cầu và nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Dự báo tăng trưởng xuất khẩu cũng được điều chỉnh giảm nhẹ 1 điểm phần trăm xuống 15%, trong khi nâng dự báo tăng trưởng nhập khẩu thêm 0,5 điểm phần trăm lên 14,5%, dẫn đến xuất siêu dự kiến đạt 6,3 tỷ USD so với mức 11,2 tỷ USD dự báo vào đầu năm nay.
Mặc dù triển vọng toàn cầu giảm có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, VCSC kỳ vọng giá nhập khẩu cao hơn sẽ được chuyển một phần sang giá xuất khẩu, trong khi sản lượng xuất khẩu sẽ tăng lên nhờ hoạt động sản xuất phục hồi đáng kể những gián đoạn trong năm 2021.