MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 'xung đột' với vợ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thâu tóm toàn bộ Trung Nguyên về tay mình?

06-06-2016 - 08:48 AM | Doanh nghiệp

Đã 6 tháng trôi qua kể từ sự cố tranh chấp vợ chồng, người ta không thấy, không nghe, không cảm nhận bất kỳ một phản kháng quyết liệt nào từ ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Nhiều người cho rằng ông Vũ đã trở thành “người thiền” và đến lúc nào đó Trung Nguyên sẽ không còn Chủ tịch Vũ. Thực tế có phải như lời đồn không?

Trong những thông tin hỗn độn về Trung Nguyên vào cuối năm 2015, vợ ông Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên (một công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên) gửi đi một thông điệp rằng bà vẫn nắm giữ một phần tài sản quan trọng của hai vợ chồng bà. Đó là 2 nhà máy cà phê hòa tan thuộc hàng lớn nhất Đông Nam Á ở Bình Dương (Dĩ An) và Bắc Giang.

Hiện theo thông tin mới nhất mà chúng tôi tìm hiểu được, từ ngày 21/4/2016 Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đã thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tất nhiên 2 nhà máy cà phê hòa tan cũng sẽ không còn do bà Thảo nắm giữ quyền điều hành.

Có lẽ không hài lòng với quyết định này của cơ quan quản lý kinh doanh tỉnh Bình Dương, ngày 23/5 bà Thảo đã có đơn khiếu nại gởi chủ tịch UBND tỉnh này với nội dung: “Đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên ngày 21/4/2016 (thay đổi lần thứ 8) về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ chờ kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Một thông tin nữa cho thấy ông Vũ quyết tâm đưa vợ mình vào “hậu trường” và việc chuyển luôn quyền quản lý Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê sang tên mình. Công ty này đang sở hữ những địa điểm du lịch khá nổi tiếng như: làng cà phê Trung Nguyên, resort coffee tour Trung Nguyên, khu du lịch Gia Long, khu du lịch thác Draynur…

Như vậy đến thời điểm này thì xem như ông Vũ đã thu giang sơn cà phê Trung Nguyên về một mối và dường như đang âm thầm toan tính cuộc chơi mới.

Ở mảng kinh doanh cà phê hòa tan, theo khảo sát của Euromonitor trong năm 2015, thị phần của Vinacafe và Nestlé gần ngang nhau (khoảng 38%), trong khi Trung Nguyên chỉ chiếm 5%. Dù muốn hay không, Trung Nguyên vẫn không thể phủ nhận họ chưa vượt qua nổi hai đối thủ nặng ký trong mảng cà phê hòa tan từ rất lâu.

Tuy nhiên, vào thời điểm này Trung Nguyên đang có ít nhiều lợi thế trong lúc đối thủ trực diện là Vinacafe đang gặp khó. Tổng doanh thu của Vinacafe trong năm 2015 là 3.000 tỉ, chỉ tăng 1% so với 2014 và lợi nhuận là 295 tỉ đồng, chỉ đạt 74% so với năm 2014. Theo lý giải của Vinacafe là do các sản phẩm mới của họ tung ra thị trường chưa đem lại hiệu quả doanh thu cao, đồng thời bị sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ.

Quan sát trên thị trường có thể thấy, Trung Nguyên G7 “3 in 1” đã bước đầu tấn công vào khu vực phía Nam và nông thôn, bất chấp kênh phân phối dày đặc và cộng gộp giữa Masan và Vinacafe (do Masan sở hữu Vinacafe). Điều này có thể đã góp phần “cắn” vào thị phần của Vinacafe.

Ở mảng cà phê chuỗi, một thay đổi dễ quan sát nhất lúc này là các cửa hiệu mang tên Trung Nguyên đang thay đổi đồng loạt sang “Trung Nguyên LEGEND”. Bộ nhận diện thương hiệu này thay đổi song song với cách thức bài trí và nội dung kinh doanh.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chí ít cũng được xem là “huyền thoại” của cà phê Việt Nam, và việc thay đổi thành “Trung Nguyên LEGEND” cũng không quá ngạc nhiên.

Ngược lại với thị trường hòa tan, thị trường cà phê rang xay ghi điểm tuyệt đối cho Trung Nguyên khi công ty này dẫn đầu bảng tổng sắp với 60% thị phần. Các vị trí tiếp nối sau đó gồm Vinacafe, Highlands, Nguyên Hồng, Trần Quang, Mexico, Hoàng Tuấn, Việt Thái, Phúc Long, Bình Minh và Quang Hà…

Dự báo tương lai, Trung Nguyên có thể sẽ tiếp tục “trị vì” thị trường này do tận dụng và mở rộng kênh phân phối cà phê hòa tan cho cả rang xay, đặc biệt phía Bắc, trong lúc Vinacafe đang phải bận rộn bảo vệ thành tựu của họ trong mảng cà phê hòa tan, còn các thương hiệu rang xay địa phương khác lại bị giới hạn về khả năng phân phối, không thể trở thành “nguy cơ” cho Trung Nguyên.

Một mảng thị trường khác cũng làm nên tên tuổi của Trung Nguyên là xuất khẩu. Công ty này là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đặt văn phòng tại nước ngoài (Singapore) để tạo cửa ngõ ra 55 nước trên toàn cầu. Thị trường “ngốn” hàng chính của Trung Nguyên là Trung Quốc, bên cạnh Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan…

Hiện tại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Trung Nguyên. Ông Vũ từng nói mỗi người Trung Quốc chi tiêu 1 USD mỗi năm cho cà phê Trung Nguyên thì cũng đã thỏa ước vọng của ông. Ngoài ra, Trung Nguyên cũng đang xúc tiến sự hiện diện của họ đến Trung Đông (Dubai).

Theo Duy Khánh

CafeBiz/TTVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên