Saudi Arabia tăng giá bán dầu cho châu Á lên mức cao kỷ lục do tác động từ cuộc khủng hoảng nguồn cung từ Nga
Việc Saudi Arabia tăng mạnh giá dầu thô bán cho khách hàng Châu Á là một minh chứng thực tế rõ rệt về việc cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu tác động thực sự đến thị trường toàn cầu bằng cách phân chia lại thị trường dầu mỏ.
- 06-04-2022Giá xăng tăng lên mức cao nhất tại 5 bang của Mỹ
- 06-04-2022OPEC+ 'khôn' hay 'dại' khi chơi trò chờ đợi giữa bão táp của trường dầu mỏ?
- 06-04-2022Thị trường ngày 6/4: Giá đồng và cà phê cao nhất 1 tháng, dầu và vàng giảm
Saudi Aramco, công ty dầu mỏ quốc doanh hàng đầu của Saudi Arabia, đã tăng giá bán chính thức (OSP) cho loại dầu thô Arab Light bán sang các nhà máy lọc dầu châu Á lên mức cao kỷ lục, cao hơn 9,35 USD/thùng so với dầu Oman/Dubai.
Động thái Aramco tăng giá OSP - giá tham chiếu cho thị trường khu vực - đã được thị trường đoán trước, với kết quả thăm dò của Reuters ở 7 nhà máy lọc dầu cho thấy họ nhận định có thể sẽ tăng lên mức cộng 10,70 USD đến 11,90 USD.
Như vậy, mức tăng giá thực tế là gần gấp đôi so với 5,9 USD của tháng 4, cho thấy các nhà máy lọc dầu ở Châu Á sẽ phải trả giá tăng đáng kể cho dầu thô mua từ Trung Đông.
Saudi Arabia tăng giá bán dầu cho châu Á
Giá bán dầu của Saudi Arabia sang Châu Á trong tháng 5 tăng nhiều nhất, các thị trường tiếp theo là Tây Bắc Âu, Địa Trung Hải và Mỹ cũng tăng nhưng ít hơn. Trong đó, OSP dầu Arab Light bán sang Tây Bắc Âu ở mức cộng 4,60 USD/thùng so với dầu Brent, trong khi sang Mỹ cao hơn 5,65 USD/thùng so với chỉ số ASCI (Argus Sour Crude Index).
Có một số yếu tố thúc đẩy sự gia tăng giá bán dầu của Saudi Arabia - vốn thường tạo ra xu hướng biến động giá của các nhà xuất khẩu lớn khác ở Trung Đông. Đó là mức cộng giá giao ngay đối với các loại dầu ở Trung Đông trong tháng 3 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, một dấu hiệu thường cho thấy OSP sẽ tăng, bởi điều đó báo hiệu nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà máy lọc dầu.
Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại trong những phiên giao dịch gần đây khi các nhà giao dịch hàng thực cân nhắc tác động của việc thị trường sẽ có thêm nhiều dầu thô được giải phóng khỏi kho dự trữ chiến lược của các nước nhập khẩu lớn, dẫn đầu là việc Mỹ cam kết cung cấp 180 triệu thùng trong khoảng thời gian 6 tháng.
Một yếu tố khác thúc đẩy OSP kỳ hạn tháng 5 tăng giá là mức lợi nhuận rất cao mà các nhà máy lọc dầu châu Á đang được hưởng, đặc biệt là đối với các sản phẩm chưng cất tầm trung, chẳng hạn như dầu diesel.
Lợi nhuận cao của nhà máy lọc dầu cũng thường là nguyên nhân thúc đẩy các nhà sản xuất tăng giá dầu thô, và hiện tại một nhà máy lọc dầu của Singapore chế biến dầu thô Dubai đang có biên lợi nhuận khoảng 18,45 USD/thùng, gấp hơn 3 lần mức trung bình động trong 365 ngày - là 5,03 USD.
Nhưng đằng sau tất cả những yếu tố này là sự xáo trộn của thị trường dầu thô toàn cầu do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trong khi xuất khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế của Nga không bị phương Tây trừng phạt, người mua đang bắt đầu xa lánh hàng hóa của Nga và tìm kiếm các lựa chọn thay thế.
Nga đã xuất khẩu tới 5 triệu thùng/ngày dầu thô và khoảng 2 triệu thùng/ngày sản phẩm dầu, chủ yếu sang châu Âu và châu Á, trước khi xảy ra xung đột với Ukraine.
Cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine bắt đầu tác động thực sự tới thị trường
Xuất khẩu dầu thô và sản phẩm của Nga vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm đáng kể. Dữ liệu từ nhà phân tích hàng hóa Kpler cho thấy xuất khẩu dầu thô tháng 3 của Ngaở mức 4,56 triệu thùng/ngày, chỉ giảm nhẹ so với mức 4,60 triệu thùng/ngày của tháng 2.
Nhưng việc tự xử phạt dầu thô của Nga có thể chỉ bắt đầu được thực hiện vào tháng 4 và tháng 5, vì hàng hóa được giao vào tháng 3 là theo các hợp đồng được được bảo đảm trước khi Nga tiến hành "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine, ngày 24 tháng 2.
Các nhà nhập khẩu châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể bắt đầu rút lui khỏi việc mua dầu thô của Nga, có nghĩa là họ sẽ quan tâm đến nguồn cung cấp tương tự từ Trung Đông, do đó có khả năng thúc đẩy tăng mạnh nhu cầu đối với hàng hóa từ Saudi Arabia và các nhà xuất khẩu khác như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. và Kuwait.
Ngược lại, Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và Ấn Độ, nước nhập khẩu lớn thứ hai ở châu Á, có thể sẽ vẫn cố gắng mua thêm hàng hóa của Nga, vì cả hai nước đều từ chối việc trừng phạt Moscow.
Đặc biệt, Ấn Độ sẽ quan tâm đến việc mua hàng hóa Nga bởi được hưởng mức chiết khấu cao. Một số báo cáo cho biết dầu thô Urals của Nga được giảm giá từ 35 USD/thùng trở lên so với dầu Brent tham chiếu cho thị trường toàn cầu.
Có một số câu hỏi chính vẫn cần có lời giải đáp, bao gồm việc Trung Quốc và Ấn Độ có thể mua thêm bao nhiêu dầu thô của Nga, và sắp xếp vận chuyển, đặc biệt là từ các cảng phía đông, nơi trước đây chủ yếu vận chuyển đến các nhà máy lọc dầu ở châu Âu, như thế nào?
Một quan chức cấp cao của Mỹ trong chuyến thăm tới New Delhi tuần trước cho biết Mỹ sẽ không đặt ra bất kỳ "ranh giới đỏ" nào đối với Ấn Độ về nhập khẩu năng lượng từ Nga nhưng không muốn chứng kiến sự "tăng tốc nhanh chóng" trong việc mua hàng.
Hiện vẫn chưa rõ mức độ tự xử phạt sẽ khiến lượng dầu thô Nga nhập khẩu vào Châu Âu châu Á giảm đi bao nhiêu. Khả năng có thể xảy ra là châu Âu và các nền dân chủ ở châu Á, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ hoán đổi một cách hiệu quả với Trung Quốc và Ấn Độ về xuất xứ dầu nhập khẩu để thay vì trước đây nhập dầu Nga thì nay nhập dầu Trung Đông.
Mặc dù vậy, điều đó cũng khó có thể thay thế toàn bộ lượng dầu thô Nga sẵn có, có nghĩa là thị trường vẫn sẽ phải tìm thêm thùng, và các nhà xuất khẩu Trung Đông có khả năng sẽ tiếp tục giữ giá OSP ở mức cao.
Tham khảo: Reuters