MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCB đóng cửa thêm phòng giao dịch tại TP.HCM và An Giang từ hôm nay (22/12)

22-12-2023 - 10:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng SCB đã đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch trên cả nước.

SCB đóng cửa thêm phòng giao dịch tại TP HCM và An Giang từ hôm nay (22/12) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo chấm dứt hoạt động 2 Phòng giao dịch tại TP HCM và An Giang. Cụ thể:

Chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Trương Vĩnh Ký - Chi nhánh Tân Bình kể từ ngày 22/12, địa chỉ: Số 186 đường Trương Vĩnh Ký, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP HCM.

Chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Phú Hòa - Chi nhánh An Giang kể từ ngày 22/12, địa chỉ: Số 231 đường Trần Phú, Ấp Phú Hữu, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Trước đó, SCB đã đóng cửa chấm dứt hoạt động 3 Phòng giao dịch tại Đà Nẵng từ ngày 16/12 và 20/12. Tính chung từ đầu tháng 12 đến nay, SCB đã đóng cửa 14 phòng giao dịch.

Trong tháng 10 và 11, ngân hàng này cũng đã chấm dứt hoạt động 21 phòng giao dịch tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, TP HCM và Hà Nội.

Thống kê từ website của SCB, từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 47 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố là TP HCM (28 PGD), Hà Nội (7 PGD), Hải Phòng (1 PGD), Nghệ An (1 PGD), Bình Định (1 PGD), Đồng Nai (1 PGD), Đà Nẵng (4 PGD), Gia Lai (1 PGD), Long An (1 PGD), Vũng Tàu (1 PGD), An Giang (1 PGD).

Theo báo cáo điều tra của cơ quan công an, vào tháng 10/2022 - thời điểm trước khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB có một hội sở chính ở TP HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Như vậy, sau hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng SCB đã đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch trên cả nước trong khi vẫn giữ nguyên số chi nhánh ở mức 50.

Cách đây hơn 1 năm, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.

Đại diện SCB cho biết, sau hơn 1 năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

Mới đây, SCB đã thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 15/12 và giảm mạnh 0,6 – 1,5%/năm tại tất cả kỳ hạn gửi.

Tại sản phẩm có lãi suất huy động cao nhất là "Tiền gửi Tiết kiệm oline" lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất áp dụng kỳ hạn 1 tháng giảm từ 3,75% xuống 2,25%, kỳ hạn 2 tháng giảm từ 3,85% xuống 2,25%, 3 tháng giảm từ 3,95% xuống 2,55%, 4 tháng giảm từ 4% xuống 2,55%, 5 tháng giảm từ 4,05% xuống 2,55%, kỳ hạn 6 - 8 tháng giảm từ 4,95% xuống 3,55%, kỳ hạn 9 – 11 tháng giảm từ 5,05% xuống 3,55%, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 5,45% xuống 4,85% - đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà SCB đang áp dụng.

Sau lần điều chỉnh này, SCB hiện có lãi suất huy động thấp hơn cả Agribank, VietinBank, BIDV (dao động 2,6 - 5,3%) và chỉ cao hơn Vietcombank – Ngân hàng có lãi suất tiền gửi thấp nhất hệ thống.

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên