MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCB họp cổ đông bàn tăng mạnh vốn điều lệ và đưa cổ phiếu lên sàn

07-12-2020 - 17:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng cho biết, tài sản nhận cấn trừ nợ nằm ở vị trí thuận lợi, mặt tiền đường lớn, có tính thanh khoản cao và có lợi thế kinh doanh. Việc nhận tài sản để cấn trừ nợ sẽ giúp SCB chủ động hơn trong việc xử lý, khai thác tài sản sau này và không phụ thuộc vào khách hàng so với phương án thu giữ tài sản hoặc khởi kiện ra tòa án để phát mãi tài sản.

Hôm nay (7/12), Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020. Cuộc họp cổ đông đã thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, ĐHĐCĐ đã đồng ý phê duyệt giao dịch nhận tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của bên vay/bên thế chấp có giá trị lớn hơn 20% vốn điều lệ của ngân hàng.

Sau khi hoàn tất thủ tục giao tài sản cấn trừ nợ, SCB có toàn quyền sở hữu, quản lý, sử dụng, chiếm hữu và định hoạt đối với tài sản.

Ngân hàng đánh giá, tài sản nhận cấn trừ nợ nằm ở vị trí thuận lợi, mặt tiền đường lớn, có tính thanh khoản cao và có lợi thế kinh doanh. Việc nhận tài sản để cấn trừ nợ sẽ giúp SCB chủ động hơn trong việc xử lý, khai thác tài sản sau này và không phụ thuộc vào khách hàng so với phương án thu giữ tài sản hoặc khởi kiện ra tòa án để phát mãi tài sản (thời gian trung bình khi thực hiện xử lý bằng biện pháp tố tụng thông qua khởi kiện tại Tòa án là không dưới 2 năm).

Đại hội cũng đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030, trong đó, riêng năm 2020-2021 tăng thêm 5.000 tỷ đồng. Về lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB, mục tiêu chậm nhất năm 2025 chính thức niêm yết cổ phiếu SCB trên HOSE. Đại hội giao Hội đồng quản trị SCB đề xuất phương án cụ thể trong từng thời kỳ, đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường và hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng trong năm 2020-2021, SCB sẽ chào bán 500 triệu cổ phần (tương ứng với 5.000 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu. Trên cơ sở tổng vốn điều lệ tăng thêm, SCB sẽ ưu tiên bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, tập trung vào đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các Chi nhánh phù hợp với định hướng kế hoạch hàng năm để đáp ứng yêu cầu về nền tảng phát triển của SCB.

Tính đến 30/09/2020, quy mô tài sản của SCB đạt 611.694 tỷ đồng, là ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 553.832 tỷ đồng, tăng 65.125 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 13,3% so với đầu năm.

Thu Thủy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên