MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCB phân loại lại các khoản nợ, chi phí dự phòng rủi ro tăng cao, lợi nhuận năm 2020 giảm từ 624 tỷ xuống 34 tỷ đồng sau kiểm toán

08-05-2021 - 16:46 PM | Tài chính - ngân hàng

SCB phân loại lại các khoản nợ, chi phí dự phòng rủi ro tăng cao, lợi nhuận năm 2020 giảm từ 624 tỷ xuống 34 tỷ đồng sau kiểm toán

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 với nhiều nội dung đáng chú ý...

Theo đó, tổng tài sản năm 2020 của SCB đạt 632.648 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2019, tiếp tục duy trì vị trí Top 5 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất, dẫn đầu trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.

Trong quá trình kiểm toán, SCB phải thực hiện rà soát và đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm đảm bảo tính phù hợp, thận trọng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Kết quả sau rà soát, tỷ lệ nợ xấu của SCB tăng từ chưa đến 1% lên 2,34% - vẫn nằm trong giới hạn của Ngân hàng Nhà nước là 3%. 

Việc phân loại lại nợ đã làm thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm tương ứng 962 tỷ đồng, đạt 3.411 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 624 tỷ đồng so với trước kiểm toán, xuống đạt 34 tỷ đồng.

Việc áp dụng nguyên tắc thận trọng trong đánh giá lại chất lượng tín dụng cũng đảm bảo tính chặt chẽ, tăng tính an toàn cho ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

SCB đang trong giai đoạn tự tái cơ cấu. Một trong những giải pháp hỗ trợ được NHNN cho phép SCB trong thời gian tái cơ cấu là được phép trích lập dự phòng rủi ro theo năng lực tài chính. Do đó, ngân hàng cho biết trong quá trình kiểm toán, SCB đã phối hợp với Công ty Kiểm toán độc lập xem xét và điều chỉnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro phù hợp với phê duyệt của NHNN và năng lực tài chính của SCB.

Tính chung cả năm 2020, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của SCB là 1.338 tỷ đồng, số dư quỹ dự phòng đạt hơn 12.878 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính tích lũy, sau khi hoàn tất xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của Ngân hàng.

Trong thời gian qua, SCB có những bước biến chuyển mạnh mẽ trong hoạt động dịch vụ, đóng góp lớn trong tổng thu nhập hoạt động. Tổng thu nhập hoạt động sau kiểm toán của SCB đạt 5.686 tỷ đồng, với đóng góp chính từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh trái phiếu Chính phủ và kinh doanh ngoại hối. Thu nhập thuần từ dịch vụ của SCB đạt 1.775 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng mỗi năm trên 40%. Trong năm 2020, SCB tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu thị trường Bancassurance với doanh số gần 1.200 tỷ đồng và giữ vị trí trong Top 5 nhà tạo lập thị trường kinh doanh trái phiếu Chính phủ.

Bước sang năm 2021, tận dụng đà phát triển và các thế mạnh sẵn có, cùng với sự tư vấn chiến lược từ đối tác uy tín quốc tế McKinsey, SCB cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động Bancassurance, chú trọng chuyển đổi số, tạo cú hích phát triển về công nghệ theo xu thế của thị trường.

Quý I/2021, thu phí dịch vụ của SCB đã đạt hơn 419 tỷ đồng, tăng 156% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh ngoại hối, kinh doanh trái phiếu Chính phủ đạt 419 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 267 tỷ đồng.

Mới đây, được sự chấp thuận của NHNN và Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước, SCB đã chính thức công bố phát hành thêm 500 triệu cổ phần để thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 06/2021.

H. Kim

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên