MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC đã chốt xong đơn vị tư vấn bán vốn lần 2 tại Vinamilk, khác biệt hoàn toàn với lần đầu

29-09-2017 - 11:25 AM | Doanh nghiệp

Thay vì liên danh tư vấn 3 bên như đợt 1, lần thoái vốn tại Vinamilk thứ 2 này, SCIC lựa chọn UBS AG - Chi nhánh Singapore (UBS) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Cả VinaCapital và Morgan Standley đã không còn nằm trong danh sách.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc bán 3,33% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu, ngày 25/9/2017, SCIC đã hoàn tất việc lựa chọn đơn vị tư vấn để bán cổ phần là Liên danh tư vấn gồm: UBS AG - Chi nhánh Singapore (UBS) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Liên danh tư vấn sẽ tư vấn phương án bán vốn, định giá khởi điểm, tư vấn tổ chức giới thiệu tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các thủ tục liên quan để tổ chức bán cổ phần.

Điều đáng nói là, so với nhóm tư vấn bán vốn đợt 1 thì đợt bán vốn lần 2 này đã thay đổi lớn. Trong lần 1, liên danh tư vấn gồm: Công ty Morgan Stanley Asia (Singapore) Limited (Morgan Stanley), Công ty cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn (SSI), Công ty TNHH VinaCapital Corporate Finance Việt Nam (VinaCapital), trong đó Morgan Stanley là tư vấn đứng đầu Liên danh.

Tuy nhiên, vụ bán vốn lớn nhất Đông Nam Á trong năm 2016 bên cạnh những thành công thì vẫn còn điều lớn nhất mà nhà đầu tư băn khoăn đó là: Chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm đặt mua cổ phiếu và đó là F&N.

Lý giải cho kết quả bán vốn lần 1, VinaCapital đã từng khẳng định đợt bán vốn có thể coi là một thành công trong điều kiện kinh tế Việt nam và tình hình chung lúc đó với giá trị deal lớn nhất Đông Nam Á và thực hiện trong thời gian rất ngắn (2,5 tháng).

Tuy nhiên, là một trong 3 nhà tư vấn đợt bán vốn lần 1, VinaCapital đưa ra 3 điểm có thể làm tốt hơn gồm:

- Thứ nhất: Cần có nhiều thời gian để tập trung vào các nhà đầu tư quốc tế.

- Thứ hai: Cần kỹ thuật bán vốn theo thông lệ quốc tế - book building.

- Thứ ba: Thủ tục ký quý/đặt cọc bằng ngoại tệ, linh hoạt hơn cho các nhà đầu tư.

Bên tư vấn Morgan Standley cũng từng cho rằng quy trình bán vốn lần 1 đã phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khác nhau của pháp luật và các quy định của Việt Nam. Đây cũng là rào cản lớn khiến đơn vị tư vấn chịu áp lực thời gian ngắn để thiết lập một quá trình xây dựng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế, lượng thầu tối thiểu và tối đa đã được thiết lập để đáp ứng thông lệ trong nước và quốc tế. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đã phải làm việc để các nhà đầu tư được ký quỹ bằng tiền USD chứ không chỉ là VND.

Trong lần bán vốn thứ 2 này, cả VinaCapital và Morgan Standley đã không còn nằm trong liên danh tư vấn nữa.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên