SCIC lên kế hoạch tổ chức Hội nghị các quỹ đầu tư Chính phủ tại Việt Nam
Mặc dù bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước và kinh tế thế giới có nhiều biến động sau khi vừa thoát khỏi dịnh bệnh, nhưng về cơ bản SCIC trong 6 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành các hoạt động kinh doanh theo kế hoạch đề ra.
Thông tin này được ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chia sẻ với báo giới gần đây.
Cụ thể, SCIC đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và Uỷ ban quản lý vốn để tổ chức Hội nghị các quỹ đầu tư Chính phủ tại Việt Nam. Trước đây Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trực tiếp, ở thời điểm hiện tại nếu Việt Nam muốn nâng hạng thì cần nhiều quỹ quan tâm, do đó SCIC muốn phối hợp với các bên để thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Hiện SCIC đã liên hệ với một số quỹ quốc tế và tổng hợp danh sách để lựa chọn thời điểm báo cáo Thủ tướng. SCIC kỳ vọng tại hội nghị lần này có thể phối hợp với một số quỹ tại vùng Vịnh để thành lập các công ty quản lý quỹ thu hút đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. SCIC cho biết hiện có 1,2 dự án cụ thể đang trong quá trình thương thảo với các đối tác.
Theo ông Thành, ở thời điểm hiện tại khi thị trường trái phiếu đang được thanh lọc và hoạt động một cách chuẩn mực thì là cơ hội để kêu gọi thành lập quỹ trái phiếu đầu tư vào các dự án tại Việt Nam.
Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Chí Thành cho biết, trong hơn 16 năm vừa qua, SCIC đã tiếp nhận và thoái vốn thành công tại hơn 1000 doanh nghiệp, đến nay trong danh mục của SCIC còn gần 150 doanh nghiệp và sẽ tiếp tục thoái vốn trong thời gian tới. Quy mô tổng giá trị tài sản của SCIC hiện nay khoảng hơn 8,6 tỷ USD, đứng vị trí 66/100 quỹ đầu tư nhà nước trên thế giới.
Mặc dù bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước và kinh tế thế giới có nhiều biến động sau khi vừa thoát khỏi dịnh bệnh, nhưng về cơ bản SCIC trong 6 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành các hoạt động kinh doanh theo kế hoạch đề ra. Năm 2022, SCIC đặt kế hoạch tổng doanh thu 7.894 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt 3.588 tỷ đồng, giải ngân đầu tư 3.500 tỷ đồng.
SCIC đã kiện toàn bộ máy nhân sự cao cấp từ Chủ tịch Hội đồng thành viên (ông Nguyễn Chí Thành), bổ nhiệm Tổng giám đốc (ông Nguyễn Quốc Huy), bổ nhiệm ông Lê Thanh Tuấn giữ chức vụ Phó tổng giám đốc SCIC thay ông Lê Song Lai từ nhiệm để làm nhiệm vụ khác. Bên cạnh đó, SCIC đã kiện toàn nhân sự tại một số Tổng công ty, tập đoàn trong danh mục quản lý, như tại Tổng công Thép, Tổng công ty Sông Đà, Dệt may… Theo lãnh đạo SCICI, kết quả cho thấy có sự chuyển giao hết sức hiệu quả và "thấy được lợi ích chung và mục tiêu chung phát triển doanh nghiệp".
6 tháng bán vốn tại 17 doanh nghiệp, thu về 800 tỷ đồng
Với công tác thoái vốn cổ phần hoá, theo kế hoạch, danh sách bán vốn năm 2022 của SCIC bao gồm 101 doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, SCIC đã thoái vốn tại 17 doanh nghiệp thu về hơn 800 tỷ đồng, số lượng thoái vốn của SCIC đứng đầu thị trường cho dù bối cảnh chung của thị trưởng tài chính nửa đầu năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ Tổng công ty Sông Đà bán cổ phần tại Sudico đúng thời điểm, có hiệu quả.
Theo ông Thành, Tổng công ty Sông Đà là một điểm sáng trong việc tái cơ cấu năm 2021, khi SCIC tiếp nhận khả năng mất thanh khoản tại tổng công ty này rất cao. Ngay sau khi tiếp nhận Sông Đà từ Bộ Xây dựng từ 31/8/2020, SCIC đã làm việc với người đại diện và Hội đồng quản trị, Ban điều hành Sông Đà rà soát các công việc trọng tâm của Sông Đà, tập trung có phương án tài chính để trả nợ khoản vay. SCIC đã mời Deloitte vào rà soát đánh giá tổng thể hình hình tài chính và hoạt động SXKD của Tổng Công ty Sông Đà làm cơ sở đề xuất các giải pháp quản trị phù hợp và định hướng xây dựng chiến lược hoạt động trong thời gian tới.
Sẽ tập trung vào hệ sinh thái thuộc Uỷ ban quản lý vốn
Một điểm sáng là SCIC đã hoàn thiện cơ chế chính sách, SCIC đã trình Chính phủ Chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2030 và đề án tái cơ cấu 5 năm (2021-2025), theo ông Thành đây là nền tảng hết sức quan trọng để SCIC có thể thực hiện đầu tư, ví dụ những vấn đề liên quan thẩm quyền phê duyệt dự án nhóm B với các dự án tài chính khi thống nhất vấn đề này sẽ có cơ sở pháp lý để triển khai.
Vai trò của SCIC là tư vấn cho Chính phủ về cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế thoái vốn, sửa đổi Nghị định 32 và Nghị định 140 về định giá. SCIC đã góp ý rất nhiều cho Bộ Tài chính về việc tách vấn đề định giá đất trong khâu cổ phần hoá, để đẩy nhanh quá trình này.
Theo ông Thành, mục tiêu của SCIC sẽ tập trung vào lĩnh vực nhà nước cần đầu tư chứ không tập trung vào khu vực tư nhân có thể thực hiện được, bao gồm đầu tư vào hệ sinh thái các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban quản lý vốn như cảng, đường, nhà máy lọc dầu… thì SCIC sẽ khai thác hệ sinh thái này một cách toàn diện hơn.
"Có rất nhiều cơ hội để làm ngay trong danh mục hiện hữu như có đầu tư thêm vào Bệnh viện Giao thông vận tải không, nhưng khuôn khổ pháp lý đang gặp vướng mắc về Luật khám chữa bệnh và Luật Doanh nghiệp, bệnh viện tư nhân nhưng cơ chế quản lý công nhưng hiện nay thứ người ta cần là bệnh viện công nhưng phải có cơ chế quản lý tư, đó là những điều cần tháo gỡ. Với Tổng công ty Thép, có nên chăng Tổng công ty này tăng vốn và SCIC mua lại cổ phần của các nhà đầu tư khác để tiếp tục tái cơ cấu không, hay như với Vinamilk, lúc SCIC thoái vốn tại Vinamilk với giá 187.000 đồng/cp, hiện nay giá xuống dưới 70.000 đồng/cổ phiếu thì có nên mua không và mua lại theo cơ chế nào? Rất muốn làm, rất muốn đột phá nhưng hiện nay chưa có hành lang pháp lý để thực hiện những việc đầu tư này, do đó SCIC vẫn phải xin cơ chế thí điểm hoặc cơ chế đặc thù", ông Thành chia sẻ.
Trong năm 2021, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư vào các doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả trong danh mục hiện hữu (qua hình thức tăng vốn điều lệ doanh nghiệp bằng nguồn lợi nhuận giữ lại), SCIC cũng đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới như: Xây dựng Cơ chế để Quỹ khoa học công nghệ của SCIC có thể tài trợ cho hoạt động khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Dự án Thành lập quỹ đầu tư với Mirae Asset; Dự án đường cao tốc khu vực phía Nam; Nghiên cứu đầu tư mua cổ phần tăng vốn điều lệ của một số Ngân hàng thương mại…
Trong năm 2022, SCIC tiếp tục triển khai nghiên cứu các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng điểm như Cảng Cái Mép Hạ (hợp tác với VIMC), một số dự án đường cao tốc (hợp tác với VEC), một số hạng mục thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (hợp tác với ACV và Vietnam Airlines), nhà ga hàng hóa (hợp tác với VNR).
Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2025-2030
Tiếp tục thực hiện tốt vai trò là một trong những cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN, tập trung nguồn lực để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả hoặc Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp; trở thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp và hàng đầu của Chính phủ - "Nhà đầu tư của Chính phủ"
Đến năm 2035, xây dựng SCIC trở thành tập đoàn đầu tư tài chính của Chính phủ, 1 trong 10 tập đoàn tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam. Trong giai đoạn này, SCIC chuyển hướng mạnh từ hoạt động tiếp nhận, quản trị DN và bán vốn sang tập trung đầu tư vào: (i) ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và (ii) ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối để thực hiện vai trò chủ đạo. Hướng tới trở thành quỹ đầu tư của Chính phủ từ sau năm 2035.