MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư cho DNNN?

SCIC sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư chứ không phải tư cách một cơ quan chủ quản, cấp trên của DNNN.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra nhiệm vụ: “Cần thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN; Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước”.

Tiếp theo bài viết trước về tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả DNNN , trong bài viết này, TS. Phan Thanh Hà, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó vụ trưởng Tài chính - Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phân tích ưu, nhược điểm của cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN theo hai mô hình doanh nghiệp và ủy ban.


DNNN rất khó thực hiện đồng thời nhiệm vụ kinh doanh vì lợi nhuận với nhiệm vụ chính trị, xã hội. (Ảnh minh họa: KT)

DNNN rất khó thực hiện đồng thời nhiệm vụ kinh doanh vì lợi nhuận với nhiệm vụ chính trị, xã hội. (Ảnh minh họa: KT)

Chủ trương xóa cơ chế chủ quản của bộ ngành, tách chức năng chủ sở hữu nhà nước khỏi quản lý nhà nước được đề xuất từ khi bắt đầu đổi mới. Đến nay, Nghị quyết Đại hội XII đề ra nhiệm vụ: “Cần thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN; Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước”.

Theo Luật Doanh nghiệp, Chính phủ có cơ quan để thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong Luật Tổ chức Chính phủ, các bộ ngành không còn được giao chức năng làm đại diện chủ sở hữu nhà nước mà do Chính phủ phân công.

Yêu cầu đối với việc thành lập cơ quan chuyên trách là bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN và không phải thay đổi lớn các văn bản luật do Quốc hội ban hành. Mục tiêu hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu, gồm hiệu quả của cơ quan đại diện chủ sở hữu và hiệu quả của doanh nghiệp có vốn nhà nước. Như trên đã nêu, không thể đặt mục tiêu cho DNNN đồng thời kinh doanh vì lợi nhuận với nhiệm vụ chính trị, xã hội.

Mô hình doanh nghiệp hay ủy ban?

Có hai mô hình cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp để lựa chọn. Hai mô hình đều đáp ứng yêu cầu tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước khỏi quản lý nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, nhưng mỗi mô hình có ưu, nhược điểm riêng.

Mô hình ủy ban: Cơ quan này thuộc Chính phủ nhưng không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sẽ quản lý danh mục khoảng 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn, bao gồm cả SCIC (quản lý và thoái vốn tại các công ty mà Nhà nước không cần nắm giữ).

Mô hình doanh nghiệp: Cụ thể là SCIC được nâng cao địa vị pháp lý, tăng cường nhân lực, trở thành doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ; quản lý danh mục các công ty cổ phần hiện đang do SCIC quản lý và các công ty cổ phần mà các bộ, ngành, địa phương sẽ chuyển giao trong thời gian tới.

Mô hình ủy ban được cơ quan soạn thảo đánh giá là có ưu thế về vị thế pháp lý và chính trị, tương xứng với chức năng của cơ quan chuyên trách và do đó mạnh hơn mô hình doanh nghiệp trong việc thực hiện đầy đủ chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là nhiệm vụ đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của DNNN và vốn đầu tư nhà nước (khu vực tư nhân không muốn làm hoặc không làm được, cần có vai trò của Nhà nước) và thuận lợi hơn trong mối quan hệ với các tập đoàn, tổng công ty.

Nhưng ưu thế về đầu tư kinh doanh là thiếu thực tế, vì Nhà nước không thể tiếp tục chủ trương đầu tư không hiệu quả, không thể tiếp tục bù lỗ.

Mô hình ủy ban được coi là có ưu thế về tổ chức cán bộ. Việc thành lập ủy ban hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Cán bộ được điều động từ các bộ, ngành đang thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước hay tuyển mới, hầu hết lãnh đạo là từ các bộ ngành chuyển sang hoặc kiêm nhiệm, tức là có cả các chuyên gia tham mưu chiến lược và chính sách sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, có cả các cán bộ am hiểu ngành nghề chuyên sâu của các doanh nghiệp.

Nhược điểm của mô hình ủy ban là hiệu quả thấp, không khắc phục được yếu điểm quan trọng của bộ chủ quản. Có quyền quyết định nhưng không phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Mô hình ủy ban không đáp ứng yêu cầu chuyên trách. Nếu các lãnh đạo ủy ban là chuyên trách, không đại diện cho các cơ quan nhà nước thì mô hình ủy ban không có ý nghĩa. Nếu cán bộ lãnh đạo kiêm nhiệm thì ủy ban quản lý 30 tập đoàn là khó khả thi. Cách thức quản lý của cơ quan nhà nước thường thiếu linh hoạt và nhạy bén với thay đổi của thị trường.

Cùng với đó, chế độ viên chức nhà nước sẽ tạo ra bất hợp lý. Lương của lãnh đạo ủy ban là viên chức nhà nước khó có thể cao hơn lương giám đốc DNNN, trong khi trách nhiệm nặng nề hơn.

Mô hình doanh nghiệp có ưu điểm và hiệu quả nổi trội hơn hẳn, vì bản thân là doanh nghiệp nên hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng có thước đo hiệu quả là chỉ tiêu lợi nhuận như các DNNN khác; Cán bộ có động lực làm việc tốt hơn và ràng buộc trách nhiệm cao hơn so với mô hình ủy ban.

Nếu lựa chọn mô hình doanh nghiệp thì vẫn cần xác định chủ sở hữu của doanh nghiệp đó. Theo Luật đầu tư và kinh doanh vốn, tài sản nhà nước, Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ.

Hội đồng quản trị của SCIC nên gồm các cán bộ chuyên trách do Chính phủ bổ nhiệm, mỗi thành viên chịu trách nhiệm về một tỷ lệ vốn nhà nước nhất định, chủ tịch HĐQT là người chịu trách nhiệm cao nhất và được giao đại diện tỷ lệ vốn nhiều nhất.

Bộ máy điều hành do HĐQT lựa chọn và quyết định. Cơ quan quản lý nhà nước quy định cơ chế đề cử và lựa chọn thành viên Hội đồng quản trị của SCIC nói riêng và của doanh nghiệp có vốn nhà nước làm người đại diện phần vốn nhà nước nói chung.

Nên áp dụng thông lệ tốt nhất của thế giới (OECD), không nên theo cơ chế hành chính, đưa cán bộ hành chính sang quản lý doanh nghiệp (và ngược lại). Trong giai đoạn chuyển tiếp, bộ máy HĐQT và điều hành DNNN nên giữ nguyên trạng cho đến hết nhiệm kỳ của các thành viên.

Liệu mô hình doanh nghiệp có lặp lại sai lầm của giai đoạn 2006-2010 khi tập đoàn trực thuộc Thủ tướng không?

Những sự khác biệt căn bản

Mặc dù khi chuyển các tập đoàn kinh tế, DNNN về SCIC sẽ tạo ra một siêu tập đoàn, công ty mẹ của các công ty mẹ, không chỉ quản lý vốn, mà còn thực hiện quyền chủ sở hữu như bổ nhiệm cán bộ, quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh, giám sát hoạt động DNNN... Nhưng SCIC sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư, chứ không phải tư cách một cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý chuyên ngành, không phải là cơ quan cấp trên đối với các DNNN.

Quyền điều hành, quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc về HĐQT, do đó bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh của các DNNN. Các ý kiến khác biệt thuộc thẩm quyền được giải quyết bằng cơ chế biểu quyết theo số vốn đại diện, không đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng. Các bộ làm nhiệm vụ xây dựng quy định và giám sát việc thực hiện của DNNN, bao gồm cơ quan đại diện chủ sở hữu SCIC.

Như vậy, đầu mối chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của DNNN được xác định rõ, khắc phục được lo ngại về khó khăn trong việc chuyển các tập đoàn, tổng công ty lớn về thuộc quyền quản lý của một doanh nghiệp, nhất là trong công tác quản lý cán bộ.

SCIC phải áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp, quản trị vốn đầu tư theo thông lệ quốc tế, thực hiện nguyên tắc bắt buộc công khai, minh bạch thông tin tài chính, thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trách nhiệm giải trình của Ban lãnh đạo công ty trước Đảng, Chính phủ (Bộ, ngành) và Quốc hội về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.

Tuy nhiên số lượng DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Có hơn 100 tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn thuộc diện Nhà nước chi phối lâu dài. Nếu chỉ có một cơ quan chuyên trách theo mô hình doanh nghiệp thì sẽ quá tải về năng lực quản lý một tập đoàn kinh tế có quy mô rất lớn với nhiều tầng nấc doanh nghiệp.

Vì vậy, nên thành lập 2 hoặc 3 tổ chức chuyên trách. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp với nghị quyết của Đảng là thành lập một cơ quan chuyên trách, nhưng lại tạo điều kiện so sánh kết quả hoạt động giữa các doanh nghiệp với nhau.

Tóm lại, mô hình doanh nghiệp nắm giữ vốn tại DNNN có nhiều ưu điểm hơn mô hình ủy ban là cơ quan hành chính, nhưng phải điều chỉnh quy định về hoạt động của SCIC. Phạm vi danh mục đầu tư chỉ giới hạn trong những lĩnh vực nhà nước cần đầu tư (chủ trương tái cơ cấu đầu tư công), không đầu tư vào những lĩnh vực thuần túy đem lại lợi nhuận cao (như sữa, rượu bia, thuốc...), giới hạn tỷ lệ tiền mặt gửi tiết kiệm, mua trái phiếu chính phủ, cơ chế cử cán bộ đại diện vốn nhà nước...

Cần có lộ trình chuyển giao các doanh nghiệp kinh doanh trước, sau đó đến các doanh nghiệp công ích. Cân nhắc đối với doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực cạnh tranh là các tổ chức kinh tế đặc thù của các bộ ngành, doanh nghiệp an ninh quốc phòng và các doanh nghiệp của các địa phương như Hà Nội, TP HCM./.

Theo TS. Phan Thanh Hà

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên