MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC thoái vốn, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh đã ‘hết vị’?

01-03-2018 - 07:55 AM | Doanh nghiệp

Đánh giá lợi nhuận của Nhựa Bình Minh sẽ còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường và giá cổ phiếu gần như đã phản ánh gần hết giá trị ở mức hiện tại, giới phân tích vẫn lạc quan cho rằng động lực tăng giá cổ phiếu vẫn còn nhờ câu chuyện M&A với người mua tiềm năng là Nawa Plastic - công ty con của Tập đoàn SCG.

Sau khi bị trì hoãn lần đầu trong năm ngoái, SCIC sẽ chính thức chào bán cạnh tranh 24,16 triệu cổ phần (tương ứng 29,51% vốn điều lệ) BMP vào ngày 9/3 tới đây. Mỗi nhà đầu tư được quyền đăng ký mua từ 20.000 đến mức tối đa là toàn bộ cổ phần SCIC chào bán.

Mức giá khởi điểm cũng đã được SCIC công bố vào hôm nay 28/2 là 96.500 đồng/cp. Theo đó, nhà đầu tư muốn mua được cổ phiếu SCIC thoái vốn phải cao hơn mức giá 96.500 đồng/cp và không thấp hơn giá sàn tại phiên giao dịch ngày 9/3 tới.

Trong khi đó, giá cổ phiếu BMP trong phiên giao dịch sáng ngày 28/02 tăng 3% so với giá tham chiếu và ở mức 94.500 đồng. BMP cũng đã có sự phục hồi trở lại sau đợt giảm mạnh kể từ tháng 7 năm ngoái sau khi đón nhận những thông tin không mấy tích cực về hoạt động kinh doanh.

Qua thời giá vốn thấp, lợi nhuận bắt đầu suy giảm

Báo cáo tài chính chưa kiểm toán 2017 của BMP công bố mới đây cho thấy, doanh thu đạt 4.057 tỷ đồng, tăng trưởng 10,2% nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 15% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt mức 471 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2016 do tỷ suất lợi nhuận giảm sút. Nguyên nhân quan trọng đó chính là giá vốn tăng cao cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ mới thâm nhập thị trường như Hoa Sen hay Tân Á Đại Thành.

Theo đó, Nhựa Bình Minh hay như Nhựa Tiền Phong tại Phía Bắc phải chấp nhận vào cuộc đua giữ thị phần trước sự xâm nhập ngày càng sâu của các đối thủ nội địa. Năm 2017 cũng là năm thị trường chứng kiến những đợt chiến khấu bán hàng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trên thị trường ống nhựa.

SCIC thoái vốn, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh đã ‘hết vị’? - Ảnh 1.

Để đạt được sự tăng trưởng phi mã chỉ sau một thời gian ngắn gia nhập thị trường, nhựa Hoa Sen đã áp dụng chiến lược "chiết khấu khủng" để giành thị phần từ tay đối thủ. Theo giới quan sát, Hoa Sen đã áp dụng mức chiết khấu cao hơn các đối thủ rất nhiều trong năm vừa qua, mức chiết khấu của Hoa Sen đối với sản phẩm ống nhựa uPVC đạt khoảng 35% - 40% thậm chí có sản phẩm lên đến 60% gây khó khăn rất lớn cho BMP.

Tập đoàn Hoa Sen đã có 3 nhà máy đặt tại 3 miền gồm nhà máy tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Nhà máy Ống nhựa Hoa Sen Bình Định, Nhà máy Ống nhựa Hoa Sen Hà Nam, Tập đoàn này đã đầu tư dây chuyền sản xuất ống nhựa với tổng công suất 8.200 tấn ống tháng (98.400 tấn/năm) và 5.500 tấn phụ kiện bao gồm các dòng sản phẩm uPVC, HDPE, PPR. 

Theo đó, thị trường ống nhựa, nơi trước đây vốn là "sân chơi" của riêng 2 ông lớn đầu ngành là NTP và BMP đang có sự phân phối lại. Năm 2017, BMP cho biết đã phải tăng mức chiết khấu bán hàng cơ bản cho nhà phân phối từ mức 11% trước đó lên mức 15%. Con số chiết khấu bán hàng mà BMP ghi nhận lên đến 231 tỷ đồng trong năm 2017 và 368 tỷ đồng trong năm 2016 so với con số 177 tỷ đồng của năm 2015. Chưa kể, BMP cũng phải chiết khấu thanh toán 96 tỷ đồng cho các đại lý so với con số 35 tỷ đồng năm 2016 và 25 tỷ đồng cho cả năm 2015.

Điều đó phần nào cho thấy mức độ chia sẻ sẻ lợi ích của Nhựa Bình Minh với các nhà phân phối đang lớn dần khi có sự thâm nhập sâu của Hoa Sen. Chính vì thế, lợi nhuận của BMP có xu hướng sụt giảm khi mà biên lợi nhuận không thể cao như những năm trước khi mà giá dầu đang có xu hướng tăng trở lại kéo theo giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Báo cáo quý IV cũng cho thấy, có vẽ như công ty đang tận dụng hàng tồn kho giá thấp trước đó để kéo lợi nhuận cả năm bớt suy giảm. Tồn kho của BMP đến 31/12/2017 giảm mạnh dù doanh số tăng, lượng hàng tồn kho chỉ còn ghi nhận ở mức 385 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cuối 2016 và giảm mạnh so với mức 502 tỷ đồng cuối quý III/2017. Theo đó, bên cạnh việc hoãn nộp thuế 24 tỷ đồng, nhiều khả năng BMP đã sử dụng nguồn nguyên liệu giá thấp nhập vào trước đó để tạo thêm lợi nhuận trong quý IV. Tất nhiên, điều này có thể sẽ làm đảo ngược tình hình nếu như giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục xu thế tăng và BMP phải mua thêm theo giá thị trường.

SCIC thoái vốn, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh đã ‘hết vị’? - Ảnh 2.

Năm 2018, theo phân tích của CTCK BSC, giá nguyên liệu nhựa PVC có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2018 với kịch bản giá dầu bình quân tăng 8% và điều này có thể tiếp tục tác động tiêu cực đến lợi nhuận của BMP. 

Câu chuyện M&A còn nguyên vẹn

Báo cáo mới đây của HSC cũng đưa ra những dự báo tương tự đối với tình hình kinh doanh của BMP. HSC cho rằng thị trường ống nhựa ngày càng cạnh tranh gay gắt gây áp lực lên BMP. Do đó, tỷ suất lợi nhuận giảm vì công ty không còn lợi thế định giá bán và vì vậy sản lượng cao hơn sẽ là động lực tăng trưởng chính trong tương lai.

"Giá cổ phiếu đã phản ánh gần hết giá trị ở mức hiện tại. Tuy nhiên, động lực tăng giá cổ phiếu còn lại là câu chuyện M&A trong bối cảnh SCIC đang tìm người mua để bán cổ phần. Và Nawa Plastic nhiều khả năng đang chờ đợi điều này.", nhóm phân tích HSC đánh giá.

Theo HSC, câu chuyện M&A còn nguyên vẹn mặc dù phiên đấu giá vẫn bị trì hoãn kể từ năm ngoái. Hiện cổ đông chiến lược Thái Lan là Nawa Plastic Industries đang nắm 20,4% cổ phần (tương đương 16,7 triệu cổ phiếu). HSC cho rằng khả năng khả dĩ nhất là Nawa sẽ là người mua tiềm năng nhất. Nếu mua thành công cổ phần từ SCIC, Nawa sẽ nắm 49,92% cổ phần BMP và có thể sẽ nâng dần tỷ lệ sở hữu lên thành tỷ lệ cổ phần kiểm soát bằng cách mua thêm trên thị trường hoặc mua thỏa thuận.

Siam Cement Group (SCG) là công ty mẹ của TPC và TPC nắm giữ Nawaplastic. SCG có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam. Hiện SCG sở hữu một công ty sản xuất hạt nhựa (TPC Việt Nam) và từ lâu đã muốn có thêm một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa với mạng lưới phân phối tốt tại Việt Nam.

Ngoài ra, một thông tin cũng cố thêm cho khả năng Nawa sẽ trở thành người mua sẵn sàng nhất trong đợt chào bán lần này đó là việc SCG mới đây đã chính thức triển khai dự án hoá dầu tại Long Sơn có quy mô 5,4 tỷ USD. Tổ hợp hóa dầu Miền Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ 2023 sẽ là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin khoảng 1,6 triệu tấn/năm và các nguyên liệu khác như polyetylen, ploypropylen,...có công suất hơn 2 triệu tấn/năm, tiến tới thay thế các sản phẩm polyolefins hiện đang phải nhập khẩu.

Điều này sẽ giúp SCG tạo thành chuỗi giá trị trong ngành hoá dầu tại VN với sản phẩm đầu cuối là các sản phẩm Nhựa Bình Minh. Với một thị trường đang tăng trưởng, một DN đang nắm giữ khoảng 23-24% thị phần cả nước và 50% tại thị trường phía Nam và luôn có lợi nhuận ổn định cùng với một nền tảng tài chính vững chắc (gần 1.000 tỷ tiền mặt và tiền gởi) là một trong những điểm khiến nhà đầu tư cảm thấy an lòng.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên