Sẽ cấm vĩnh viễn giao dịch chứng khoán nếu vi phạm thao túng giá nhiều lần
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến "An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán" do Thời báo chứng khoán tổ chức, ông Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi được hỏi về việc các đội lái tung tin đồn để thao túng giá chứng khoán, cho biết cụm từ "đội lái" không có trong quy định của pháp luật.
Trong pháp luật chỉ có khái niệm "cấu kết tạo cung cầu giả tạo để thao túng giá chứng khoán". Các đội, nhóm này sử dụng nhiều tài khoản để thực hiện hành vi của mình.
Ông Thọ cho biết UBCK phối hợp với các Sở GDCK có nhiệm vụ giám sát giao dịch trên cơ sở giám sát từ nhiều nguồn thông tin, kể cả các đơn thư tố cáo để làm rõ việc đặt lệnh, hủy lệnh của các nhóm tài khoản để có cơ sở xác định hành vi vi phạm. UBCK khi có đầy đủ xác định các hành vi thao túng giá chứng khoán của cá nhân hay tổ chức sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi đã quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK lên tối đa 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân. Tuy nhiên mức phạt này theo các nhà đầu tư vẫn không đủ sức răn đe.
Theo một nội dung trong dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi lần này có quy định, ngoài việc bị xử phạt hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động, đình chỉ giao dịch có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, cấm chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn có thời hạn và nặng nhất là cấm tham gia các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Trả lời VITV, ông Nguyễn Thế Thọ cho biết, nếu việc thao túng giá chứng khoán bị tái phạm nhiều lần có thể cấm vĩnh viễn không cho giao dịch hoặc hạn chế thời gian giao dịch, các công ty nhiều lần vi phạm công bố thông tin phải có chế tài nào đó hoặc nhân viên CTCK, CTCK vi phạm phải rút giấy phép và tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên theo ông Thọ bên cạnh việc tăng chế tài, cần phải quan tâm đến giáo dục tuyên truyền. Nếu chỉ xử thật nặng mà không tuyên truyền, không giáo dục thì nhà đầu tư sẽ không nhận thức được đó là hành vi vi phạm ko chỉ tác động đến bản thân đến nhà đầu tư,các công ty mà ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế.
Bà Bùi Huyền Trang - Giám đốc Phòng Giám sát giao dịch, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho rằng khi xuất hiện tin đồn, đối với doanh nghiệp, việc bình tĩnh sẽ giúp doanh nghiệp xử lý tin đồn nhanh chóng và hợp lý. Nếu mức độ quan tâm của lãnh đạo công ty chưa đủ lớn thì sẽ thành khủng hoảng dẫn đến khó xử lý. Với doanh nghiệp trên sàn niêm yết có bề dày và kinh nghiệm trong việc công bố thông tin, họ sẽ có phản ứng ngay, gửi thông tin giải trình lên các cơ quan quản lý. Nếu bản thân doanh nghiệp xác định thông tin đó không có căn cứ, doanh nghiệp cũng cần giải trình và đưa ra thông tin xác đáng đến các nhà đầu tư.