MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có dịch vụ 'môi giới' nhân tài

11-08-2016 - 12:27 PM | Xã hội

Trong phần tiếp theo của bàn tròn trực tuyến, các khách mời cho rằng Việt Nam có nhiều yếu tố thu hút các giáo sư hàng đầu ở nước ngoài nhưng lại thiếu cơ chế cũng như những người đứng ra để kết nối với họ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Một chương trình dù có hiện đại hay là chính sách của đơn vị rất tốt nhưng năng lực nội sinh (nhà khoa học nội địa) mà không đủ để làm việc được với họ thì họ rất khó về. Vì họ không về làm việc với ông hiệu trưởng, họ làm việc với các nhà khoa học.

Ta có một hạn chế mà tôi thấy tương đối phổ biến là khi các nhà khoa học ở nước ngoài về thì họ không biết làm với ai, rồi cả hai bên đều thất vọng về nhau.

Trong điều kiện của Việt Nam, ngoài việc xây dựng năng lực nội sinh, tôi nghĩ có lẽ nên hình thành nên một dịch vụ để giới thiệu các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trở về.

Các anh cho ý kiến xem có nên có những hình thức kiểu giới thiệu, “môi giới” bước đầu không?

GS Ngô Bảo Châu: Chúng ta thử đặt mình vào vị trí của một giáo sư nước ngoài và thử hỏi tại sao ông ấy lại sang Việt Nam? Cái gì cuốn hút ông ấy?

Chắc chắn không phải vấn đề thu nhập rồi. Nên mình không đặt vấn đề cạnh tranh với thu nhập bên Mỹ, mặc dù đó là cái Trung Quốc làm.

Thế thì cái gì có thể cạnh tranh? Nó rất đơn giản thôi. Chẳng hạn như một giáo sư nghiên cứu về kinh tế học hay nghiên cứu về thủy lợi, cái ông ta cần là số liệu.

Vì thế, nếu chúng ta có một nhóm làm việc ở Việt Nam và đã tổ chức, đi thu thập những số liệu tốt để ông ta được quyền tiếp cận số liệu đó thì sẽ sức cuốn hút vô cùng lớn.

Thứ hai là yếu tố mà anh Sơn nói rất nhiều, đó là sinh viên.

Giáo sư nào cũng mong muốn có sinh viên giỏi để dạy. Đặc biệt giáo sư bên Mỹ có chế độ là cứ 5 năm thì có 1 học kỳ hoặc cả một năm không phải dạy, nhà trường vẫn trả lương. Trong năm đó thì ông ấy thường đi nước nọ nước kia dạy.

Rất nhiều người sẵn sàng sang Việt Nam. Nhưng thực ra mình chưa có bất cứ một cơ chế hay gì đó để cuốn hút nguồn nhân lực vô cùng lớn này.

Cái họ cần là một trường đại học tốt, có sinh viên tốt, có một vài đồng nghiệp để họ có thể trao đổi về khoa học.

Bên cạnh đó là có một chút cơ chế, ít nhất là nếu ông ấy sang 6 tháng thì cũng phải có chỗ ở tử tế, vé máy bay đi lại…

Những cái đó không phải là cái quá khó khăn để giải quyết, nhưng thực tế là chưa có cơ chế để làm những việc đó. Và đó là cái chúng ta thực sự phải suy nghĩ.

Các trường đại học hầu như không có cơ chế nào mời các giáo sư nước ngoài đúng không anh Sơn?

Ông Hoàng Minh Sơn: Thực tế thì không phải không có cơ chế. Hiện nay Trường Đại học Bách khoa cũng đã mời các giáo sư nước ngoài sang giảng dạy và hướng dẫn các sinh viên nghiên cứu.

Như anh Châu nói cái thế mạnh của chúng ta là có lực lượng nghiên cứu, có nghiên cứu sinh và có sinh viên. Bách khoa cũng có nhiều sinh viên các lớp tài năng, chương trình tiên tiến, giáo sư rất thích sang dạy và làm việc với các em.

Tuy nhiên, mức độ mời thì hạn chế vì thiếu kinh phí. Chúng tôi không mời sang lâu hay nhiều người sang được.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ngoài chuyên sinh viên tài năng, đất nước chúng ta trong quá trình đi lên cũng có nhiều bài toán và những vấn đề để các học giả, các giáo sư, các nhà nghiên cứu phải quan tâm nghiên cứu. Và đến Việt Nam chúng ta nghiên cứu là lý tưởng, rất nhiều thực tiễn ở đó.

Thế còn làm như thế nào để thu hút thêm thì tôi nghĩ thế này.

Thứ nhất là chúng ta nên có một hội đồng cố vấn. Có thể những người như anh Châu hoặc những người đã thành danh có cương vị, uy tín ở nước ngoài kết nối, đồng thời mời một số học giả nặng lòng với Việt Nam để tham gia.

Điều quan trọng là chúng ta phải thực sự tôn trọng họ. Với những người có năng lực và trí tuệ như vậy thì mọi sự hình thức, vẽ vời đều là vô nghĩa và đều không ổn.

Nếu đáp ứng được cái đó thì sẽ thu hút được những con người tinh hoa. Và những người đó sẽ đóng vai trò dẫn dắt vì thực tế hiện nay chúng ta đang thiếu những con chim đầu đàn.

Cần những người am hiểu cả hai bên để “môi giới”

GS Ngô Bảo Châu: Có nhiều vấn đề nghiêm trọng của chúng ta là vấn đề nghiên cứu vô cùng thú vị của thế giới.

Ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những nước ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thế nên ai cũng muốn tới Việt Nam nghiên cứu để xem 10 năm nữa, 20 năm nữa, nước họ có gặp vấn đề tương tự không.

Nếu mình có những chương trình, có kinh phí, có cách để chia sẻ dữ liệu… Chắc chắn là vừa giải quyết được vấn đề của mình lại vừa tạo được sự thu hút các nhà nghiên cứu thế giới đến Việt Nam.

Nhà báo Hạ Anh: Anh Châu vừa đặt ra vấn đề là minh bạch thông tin và dữ liệu cho những người nghiên cứu khoa học. Vậy ở Bộ GD-ĐT đã có nguồn cơ sở dữ liệu về những "nhà khoa học người Việt Nam đầu đàn" ở nước ngoài hay chưa?

Vậy, ở góc độ Bộ GD quản lý thì đã có hồ sơ hoặc thống kê nào về nguồn lực đó của Việt Nam hiện nay đang ở đâu hay không? Tôi nghĩ đó cũng là một thông tin về nhân lực để quy hoạch chính sách.

Khi triển khai chủ trương này, tôi cũng cho kiểm tra tất cả cơ sở dữ liệu. Cục Đào tạo nước ngoài và hợp tác quốc tế cũng như các cục, vụ cũng đều có thống kê cả.

Cơ sở dữ liệu là cần thống kê, tuy nhiên cách tiếp cận của tôi là phải đi từ thực tiễn. Bởi vì theo cơ chế tự chủ, các trường đại học, các học viện phải chủ động.

Chừng mực nào họ chủ động thì lúc ấy mới thắng lợi. Chứ nếu cứ treo trên mạng một danh sách ABC… thì chỉ nhìn cho đẹp thôi.

Bộ sẽ hỗ trợ, ví dụ danh sách các nhà khoa học các lĩnh vực. Nhưng theo tôi, chỉ dừng lại ở đó sẽ không thành công. Mà thành công phải từ những hiệu trưởng như anh Sơn và cả các nhà khoa học, các trưởng bộ môn, giảng viên của trường nữa.

GS Ngô Bảo Châu: Có lẽ ý của Bộ trưởng nêu lúc nãy cũng rất cần thiết, tạm gọi là ‘môi giới’.

‘Môi giới’ hiểu nghĩa nghiêm túc là phải có một số yêu cầu cấp thiết đối với xã hội Việt Nam, Nhà nước hay Chính phủ Việt Nam đưa ra.

Mỗi năm chúng ta đặt ra 5, 10 vấn đề cực kỳ cấp thiết cần phải đầu tư, và cơ quan đó có trách nhiệm tư vấn hoặc đấu thầu đề tài nghiên cứu cho cán bộ Việt Nam kết hợp với giáo sư nước ngoài, có thể là gốc Việt hay không.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi muốn nói rõ thêm, thực ra trong bối cảnh hiện nay thì cũng nhiều nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài, lâu ngày cũng ít về quê, rồi điều kiện làm việc ở ta với ở nước ngoài có những sự khác biệt.

Phải có một nhóm các nhà khoa học đã từng sống và làm việc ở nước ngoài, am hiểu nước ngoài, đồng thời họ cũng đã từng thời gian làm việc ở Việt Nam.

Họ hiểu cả các bên, không phải chỉ văn hóa mà họ hiểu cả công việc để có thể kết nối họ lại với nhau, tạo thành một nhóm có cả Việt Nam lẫn nước ngoài.

Tất nhiên không phải cái gì có người nước ngoài vào cũng mới là quốc tế nhưng dù sao cũng có sự giao lưu về tư duy và cách nhìn thì nhóm ấy sẽ mạnh hơn.

Bây giờ cứ thuần tuý người Việt với nhau thì cũng rất là giỏi nhưng đâu đó nó cũng chưa hẳn tiếp cận được với các trào lưu.

PV

Theo Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên