MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có làn sóng huy động vốn nước ngoài của các công ty tài chính?

07-01-2017 - 08:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng gia tăng trong khi nguồn vốn đầu vào của các công ty tài chính lại bị thắt chặt bởi các quy định...

Cho vay tài chính tiêu dùng đã trở thành “mốt” của các công ty tài chính và ngân hàng trong vòng 2 năm trở lại đây. Dù rất ít công bố thông tin về kết quả hoạt động, song chỉ cần nhìn vào kết quả kinh doanh của VPBank với hơn một nửa lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất đến từ công ty con là FE Credit trong năm 2016 sẽ thấy họ chiếm lĩnh thị phần lớn thế nào ở mảnh đất màu mỡ này.

Năm 2016 rực rỡ

Nói đến mảng tài chính tiêu dùng hiện nay không thể không nhắc đến những cái tên đang làm mưa làm gió trên thị trường như FE Credit, Home Credit, HD Saison…Nếu như giai đoạn trước, Home Credit thống lĩnh thị trường, thì từ khi có FE Credit xuất hiện, tình hình đã thay đổi. Thống kê của công ty Stoxplus cho thấy từ cuối năm 2015, thị trường hơn 2 tỷ USD này đã thuộc về FE Credit với 53% thị phần, tiếp đến là Home Credit với 16% thị phần, HD Saison Finance 12% thị phần và Prudential Finance 11%...

Home Credit cho biết lượng khách hàng mới của họ trong năm 2016 là 1,9 triệu người, tăng 90% so với năm 2015 và lũy kế đến cuối năm 2016 tổng số khách hàng của công ty này là 4,9 triệu người.FE Credit dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng hiện đã có khoảng 3,3 triệu khách hàng, hợp tác với hơn 4.000 đối tác tại hơn 5.800 điểm bán hàng trên toàn quốc.

Về tốc độ tăng trưởng, thị trường tài chính tiêu dùng cũng đang tăng chóng mặt, từ mức 0,4% năm 2012 đến 46,2% trong năm 2013 thì đến năm 2015 đã đạt 126%. Năm 2016 tốc độ tăng trưởng chậm lại nhưng đã “chất” hơn rất nhiều.

Không chỉ có các công ty tài chính (CTTC) mà các ngân hàng cũng đang nỗ lực tấn công vào mảnh đất này. Bằng chứng là thời gian qua có hàng loạt các ngân hàng tiến hành M&A với các công ty tài chính để thành lập công ty tài chính mới như MB, SHB, Techcombank…hay các ngân hàng như ACB, Sacombank, BIDV, VietinBank… cũng lên kế hoạch có các công ty tương tự.

Ngoài lập công ty tài chính, các ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân để cạnh tranh. Một số liệu được đại diện NHNN Tp. Hồ Chí Minh tiết lộ cho thấy riêng dư nợ cho vay tiêu dùng cá nhân hiện chiếm gần 15% tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn, tức đã tăng gấp đôi trong vòng 2 năm qua.

Đẩy mạnh nguồn cung để đáp ứng cầu

Nhu cầu tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017 cùng với đà đi lên của nền kinh tế. Nhưng có một thực tế mà các công ty tài chính sẽ phải đối mặt đó là nguồn cung không đủ nhu cầu, tức là vốn không đủ đáp ứng nhu cầu vay. Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín dự báo rằng, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ tăng trưởng ít nhất 20%-30% trong năm nay.

Đề cập đến nguồn vốn, TS.LS Tín phân tích, trước năm 2013, các CTTC phải huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trong và ngoài nước, điều này khiến họ bị động về thời gian cũng như đẩy chi phí vốn lên cao. Các CTTC muốn phát hành trái phiếu cần phải đăng ký và được sự đồng ý của NHNN về số lượng phát hành, và nếu lượng đăng ký mua không bằng lượng phát hành thì phải báo cáo lại với NHNN số lượng đã phát hành với chi tiết cụ thể.

Đối với một số loại giấy tờ có giá khác, ví dụ như chứng chỉ tiền gửi (CCTG), các CTTC chỉ cần báo cáo với NHNN về số lượng CCTG sau khi đã phát hành, điều này giúp các công ty này chủ động được thời gian và nguồn vốn của mình, cũng như giúp giảm chi phí huy động vốn vì lãi suất cho CCTG có thể thấp hơn so với chi phí đi vay trung, dài hạn với tổ chức tisnd ụng nước ngoài (sau khi tính chi phí hoán đổi tiền tệ, phòng ngừa rủi ro tỷ giá). Đây là thuận lợi rất lớn khi hút được nhiều tiền gửi thông qua kênh này, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các CTTC về vốn để cho vay vì nhiều CTTC cùng có nhu cầu huy động tương tự.

Lúc này, vấn đề đặt ra cho các CTTC là tìm nguồn vốn ổn định có thời hạn dài để cân đối với thời hạn của vốn cho vay từ 2-3 năm. Theo Thông tư 21/2012/TT-NHNN, các CTTC chỉ có thể vay vốn từ các ngân hàng trong nước với kỳ hạn dài nhất là 1 năm (dù Thông tư 18 /2016/TT-NHNN ra đời để sửa đổi bổ sung TT này nhưng thời hạn này vẫn không thay đổi).

Săn tìm nguồn vốn ngoại

Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định kể từ 1/7/2016, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng buộc phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 200% xuống còn 100%, và sẽ giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018. Việc NHNN siết chặt hơn các tỷ lệ an toàn vốn của các định chế tài chính phi ngân hàng đòi hỏi các CTTC cần huy động nhiều nguồn vốn trung và dài hạn hơn, do vậy, quy định hiện thời theo Thông tư 21, thì phát hành giấy tờ có giá, trong đó có trái phiếu và CCTG đang là kênh huy động vốn trung dài hạn hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu này.

Do vậy, để bổ sung nguồn vốn trung hạn của mình, theo TS. LS Bùi Quang Tín, các CTTC buộc phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Mới đây, công ty FE Credit đã hoàn tất thủ tục vay hợp vốn 100 triệu USD với Credit Suisse. Theo đó Credit Suisse là ngân hàng thu xếp trong việc ký kết hợp đồng vay, đồng thời là đại lý tín dụng và đại diện nhận bảo đảm cho khoản vay hợp vốn này.

Đánh giá về động thái này, TS. LS Bùi Quang Tín cho rằng, FE Credit đã khôn ngoan khi là người dẫn đầu xu hướng. Việc huy động vốn như vậy cũng phù hợp với quy định của pháp luật và Luật các TCTD Việt Nam.

Ông Tín dự báo động thái của FE Credit chắc chắn sẽ được các CTTC khác thực hiện theo khi Thông tư 21 vừa qua đã sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 18/2016 nhưng điều 10 trong thông tư 21 vẫn không thay đổi tức không cho phép các CTTC vay từ các tổ chức tín dụng khác thời hạn quá 1 năm.

Còn theo nhận định của một chuyên gia khác, việc dẫn đầu xu hướng sẽ giúp FE Credit chủ động được nguồn vốn để không chỉ cạnh tranh với các công ty tài chính mà còn cả với mảng tiêu dùng của các ngân hàng thương mại. Nguồn vốn mới cũng sẽ giúp họ củng cố chiến lược dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Về phía người tiêu dùng, các chuyên gia dự báo nhu cầu chắc chắn sẽ tăng trong năm nay và trong cuộc đua của các CTTC, bao giờ người tiêu cùng cũng sẽ có lợi, không chỉ về dịch vụ mà còn cả về chi phí. TS. Tín còn táo bạo cho rằng sẽ không có gì bất ngờ nếu các CTTC tung mạnh ra thị trường các sản phẩm cho vay lãi suất từ 0% để cạnh tranh lãi suất với các ngân hàng thương mại.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên