MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có làn sóng ồ ạt bán vốn ngân hàng cho đối tác ngoại?

30-08-2016 - 21:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo của hàng loạt ngân hàng cho biết đến nay họ vẫn nuôi hy vọng bán cổ phần để có thêm nguồn lực tái cơ cấu.

Trong 1 tuần trở lại đây, thị trường đã liên tiếp đón nhận những thông tin về đối tác nước ngoài mua cổ phần và trở thành cổ đông của ngân hàng Việt.

Mới đây, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã ký thỏa thuận ghi nhớ về việc quỹ này sẽ mua 7,7% cổ phần của ngân hàng Vietcombank. Cụ thể, GIC sẽ mua 305,8 triệu cổ phần phát hành trong đợt phát hành riêng lẻ dự kiến diễn ra vào quý IV năm nay. Giá trị của thương vụ này chưa được công bố, tuy nhiên theo một số nguồn tin thì GIC sẽ đầu tư không quá 400 triệu USD (9.000 tỷ đồng).

Bên cạnh GIC, cổ đông chiến lược hiện hữu của Vietcombank là ngân hàng Nhật Bản Mizuho cũng dự kiến sẽ mua thêm 54 triệu cổ phiếu để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 15%. Mizuho đầu tư gần 600 triệu USD vào Vietcombank hồi cuối năm 2011 và hiện khoản đầu tư này có giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD.

Tuần trước, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) đã chính thức trở thành cổ đông của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Gói đầu tư của IFC vào TPBank có giá trị 403,105 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD) thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi, cho phép IFC sở hữu 4,999% cổ phần tại TPBank. Việc đầu tư của IFC ​​sẽ giúp TPBank có thêm nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển cũng như cung cấp các khoản vay với tổng giá trị lên tới 2 tỷ USD cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 năm tới.

TPBank là ngân hàng thứ ba tại Việt Nam IFC đầu tư rót vốn. Trước đó, IFC là cổ đông chiến lược của ngân hàng ABBank với tỷ lệ sở hữu 10%, VietinBank với tỷ lệ 8,03% cổ phần.

Lãnh đạo của một số ngân hàng cho chúng tôi biết, việc nhà đầu tư ngoại đầu tư rót vốn giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ là điều cần thiết trong bối cảnh các ngân hàng đang tiến tới áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên, dự kiến từ tháng 2/2017, với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành.

Việc áp dụng Basel II sẽ khiến CAR của các ngân hàng giảm/yêu cầu vốn tăng lên do ngoài rủi ro tín dụng, Basel II tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Do đó, những ngân hàng có CAR xung quanh 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2 để cải thiện CAR.

CAR của ngân hàng VietinBank tính đến cuối năm 2015 là 10,3%. Trong khi đó, mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 9%. Nếu Basel II được áp dụng, hệ số CAR của VietinBank có thể giảm 1%.

Hệ số CAR của BIDV cũng đang ở mức tối thiểu 9%. Với hệ số CAR như hiện nay, BIDV sẽ phải đẩy nhanh việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài hoặc phát hành thêm cổ phiếu.

Mới đây, hàng loạt ngân hàng cũng đã xin được "nới room" - tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài Vietcombank và VietinBank đang xin cơ quan chức năng cho phép nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 30% - tỷ lệ tối đa theo quy định hiện hành.

Trong khi đó, lãnh đạo của SCB, ABBank, HDBank, VPBank… cho biết đến nay họ vẫn nuôi hy vọng bán cổ phần để có thêm nguồn lực tái cơ cấu. Thậm chí một số ngân hàng nhỏ khi trao đổi, họ cho biết muốn bán đứt 100% vốn cho cổ đông ngoại.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia đánh giá, việc tìm vốn ngoại không hề dễ dàng, tùy thuộc vào cơ duyên của mỗi ngân hàng. Bởi lẽ trong 2 năm trở lại đây, chiến lược đầu tư của các định chế tài chính nước ngoài đã có sự thay đổi, họ không muốn mua lại cổ phần của ngân hàng nhỏ để phát triển nữa, thay vào đó nhà đầu tư ngoại muốn xin thành lập ngân hàng mới tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đã có 6 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, gồm có Citi, HSBC, ANZ, Standard Charted, Hong Leong Berhad và Shinhan. Sắp tới, sau khi được cấp phép Woori Hàn Quốc sẽ là ngân hàng 100% vốn nước ngoài thứ 7 tại Việt Nam.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên