Sẽ có sàn giao dịch nợ xấu, VAMC hướng mục tiêu mua 330.000 tỷ đến năm 2020
VAMC tham vọng thành lập một sàn giao dịch mua bán nợ xấu, trong đó VAMC là trung tâm của thị trường...
- 11-06-2019Hệ thống tổ chức tín dụng xử lý 5.800 tỷ đồng nợ xấu mỗi tháng
- 25-05-2019Xử lý nợ xấu: “Chuyến xe có đông lạnh mãi?”
- 24-05-2019Xử lý nợ xấu vẫn chưa thật thông suốt
Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa công bố kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2019-2023.
VAMC định hướng mục tiêu phát triển trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ xấu, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng, có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện chức năng và nhiệm vụ mua, bán và xử lý nợ xấu, định giá, đấu giá tài sản.
Cụ thể, mục tiêu phổ quát 5 năm tới của VAMC là hoàn thành việc xử lý nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt; Đẩy mạnh hoạt động mua, bán xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường mở thành hoạt động chính của công ty; Thúc đẩy phát triển của thị trường mua bán nợ xấu, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm.
Đến 2020 mua vào 330.000 tỷ nợ xấu
VAMC cho biết, từ năm 2019 đã mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3%
Về mua nợ xấu, VAMC lên kế hoạch đạt tổng nợ xấu mua lũy kế đến hết năm 2020 tối thiểu 330.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị nợ xấu mua theo cơ chế thị trường đến hết năm 2020 đạt tối thiểu 20.000 tỷ đồng theo giá mua nợ. Giai đoạn 2021 - 2023 sẽ tập trung triển khai mua nợ xấu theo giá thị trường.
Về xử lý nợ, đến hết năm 2020, hoàn thành về cơ bản xử lý số nợ xấu đã mua (không tính các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống). Trong giai đoạn 2021 - 2023, tập trung xử lý nợ xấu đã mua theo giá thị trường, đồng thời tiếp tục xử lý số nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.
Đáng chú ý, VAMC cho hay sẽ thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ xấu; đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch mua bán nợ xấu và thị trường mua bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC là trung tâm của thị trường. Để thực hiện mục tiêu này, VAMC tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để trình các cấp có thẩm quyền.
Về kế hoạch triển khai 5 năm tới, phía VAMC cho biết năm 2019 sẽ mua 4.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường, xử lý 50.000 tỷ đồng nợ xấu.
Trong năm 2019, doanh nghiệp này cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất Đề án xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung trong đó VAMC là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện ngay trong năm 2020. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất mô hình, khung khổ pháp lý về sàn giao dịch nợ xấu để thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ xấu trong năm 2020 - 2021.
Năm 2020, VAMC đặt mục tiêu thanh toán trái phiếu đặc biệt với giá trị 60.000 tỷ đồng; mua 8.400 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. Tổng số tiền thu hồi nợ dự kiến đạt 21.720 tỷ đồng, trong đó thu từ nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt là 15.000 tỷ đồng, thu từ nợ mua theo giá thị trường 6.720 tỷ đồng.
Năm 2021, VAMC đạt mục tiêu thanh toán trái phiếu đặc biệt với giá trị 20.000 tỷ đồng; mua 9.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. Tổng số tiền thu hồi nợ dự kiến đạt 12.600 tỷ đồng, trong đó thu từ nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt là 5.000 tỷ đồng, thu từ nợ mua theo giá thị trường 7.600 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh nghiệp này đặt mục tiêu thanh toán trái phiếu đặc biệt với giá trị 15.000 tỷ đồng; mua 10.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. Tổng số tiền thu hồi nợ dự kiến đạt 11.400 tỷ đồng, trong đó thu từ nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt là 3.000 tỷ đồng, thu từ nợ mua theo giá thị trường là 8.400 tỷ đồng.
Năm 2023, VAMC cho hay sẽ tiếp tục triển khai hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu đã mua theo giá thị trường, đồng thời tiếp tục xử lý số nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.
VAMC cho biết sẽ ưu tiên mua các khoản nợ xấu có giá trị lớn nhằm giảm thiểu chi phí theo dõi, quản lý, giám sát đối với khách hàng vay, tài sản bảo đảm cho VAMC; ưu tiên chuyển các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá thị trường theo quy định.
Đồng thời, thực hiện lựa chọn mua theo từng khoản nợ xấu hoặc mua theo lô để đẩy nhanh quá trình mua bán và xử lý nợ xấu qua VAMC. Giá mua nợ xấu được thực hiện theo quy định tại Nghị định 42.
VAMC muốn được Chính phủ cấp chục ngàn tỷ tăng vốn
Để thực hiện kế hoạch tham vọng trên, VAMC dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp đạt 5.000 tỷ trong năm 2019 và 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2021. Hiện vốn điều lệ của VAMC là 2.000 tỷ đồng.
VAMC muốn huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật. VAMC thực hiện trích vào chi phí hàng năm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ trên nguyên tắc đảm bảo cân bằng thu chi theo quy định.
Ngoài ra, còn một số biện pháp huy động tài chính như thực hiện phát hành trái phiếu VAMC để mua nợ theo giá thị trường; Hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu.