MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ đánh giá tài sản quốc gia

Vấn đề quản lý tài chính công, tài sản công rất rộng nhưng độ phủ của Kiểm toán Nhà nước còn hạn chế. Chúng ta kiểm soát chưa hết nhất là liên quan đến tài sản công.

Đánh giá tài sản quốc gia là bao nhiêu kỳ này chúng ta phải làm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước sáng 23/8.

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua là căn cứ quan trọng giúp Quốc hội Chính phủ quản lý, giám sát, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài chính công và nguồn lực quốc gia; xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế, tài chính và nguồn lực của đất nước. Quốc hội luôn quan tâm và tập trung giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kinh tế nước ta sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, mạnh thì thời gian gần đây có xu hướng chậm lại, dư địa tăng trưởng ngày một hẹp lại và những yếu tố liên quan đến vấn đề nợ công, nợ xấu cản trở sự phát triển. Hiệu quả đầu tư còn thấp. Vấn đề quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước; quản lý đất đai, tài nguyên bộc lộ nhiều yếu kém,...

Ngoài ra, kỷ luật tài chính kém, việc quản lý tài chính công, tài sản công còn chưa hiệu quả.

Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với Kiểm toán Nhà nước là phải kiểm soát chặt chẽ tài sản quốc gia, phải ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, thất thoát lãng phí, xây dựng và hướng tới xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.

Kiểm toán Nhà nước phải làm việc trên nguyên tắc độc lập và tuân thủ pháp luật (theo tinh thần Hiến pháp) và phải làm đúng quy trình (từ xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện và đưa ra kết luận, kiến nghị lấy hiệu quả, chất lượng làm chính, tránh hình thức).

Bởi, bên cạnh những kết quả đạt được Kiểm toán Nhà nước vẫn tồn tại một số hạn chế, như vấn đề quản lý tài chính công, tài sản công rất rộng nhưng độ phủ của Kiểm toán Nhà nước còn hạn chế. Chúng ta kiểm soát chưa hết nhất là liên quan đến tài sản công. Đánh giá tài sản quốc gia là bao nhiêu kỳ này chúng ta phải làm, bên cạnh đó là những khoản đầu tư. Hiện nay, chúng ta chủ yếu thực hiện kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ còn kiểm toán hoạt động còn thiếu.

Một hạn chế nữa là tính pháp lý của báo cáo kiểm toán chưa cao, tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán còn thấp. Vẫn còn tình trạng vi phạm điều 8 của Luật KTNN, sách nhiễu báo cáo sai lệch.

Từ những hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục củng cố bộ máy tổ chức cán bộ, nâng cao số lượng cuộc kiểm toán mỗi năm; đẩy mạnh, tăng cường kiểm toán hoạt động và toán chuyên đề đi sâu kiểm toán các vấn đề đang được dư luận quan tâm như vấn đề BOT, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng tài sản công,...

Cùng với đó đi sâu phân tích, đánh giá kết quả kiểm toán, công khai minh bạch kết quả kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước cho hay, kết quả đến 15/8/2016, cơ quan này đã triển khai 161/223 đoàn kiểm toán, kết thúc 115/223 đoàn kiểm toán; cung cấp 7 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

Tổng hợp sơ bộ kết quả từ 79 báo cáo kiểm toán đã phát hành và trình xét duyệt cho thấy, tổng số kiến nghị xử lý tài chính là 7.240 tỷ đồng, trong đó: tăng thu cho ngân sách 1.137 tỷ đồng, giảm chi 2.093 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 4.010 tỷ đồng.

Theo Ngọc Hà

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên