MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ là sai lầm khó cứu vãn nếu bạn nói với con 6 điều về tiền bạc dưới đây

10-02-2017 - 18:00 PM | Sống

Hầu hết trẻ em đều có cái nhìn đơn giản hoặc thậm chí là chưa hiểu được giá trị của đồng tiền. Khi cha mẹ nói đến tiền bạc, trẻ em thường chưa sẵn sàng để tiếp nhận, xử lý và phân tích thông tin.

Vì vậy, dưới đây là những điều mà cha mẹ không nên chia sẻ với trẻ về tiền bạc để tránh suy nghĩ tiêu cực trong tương lai:

1. Số tiền cha mẹ kiếm được

Cha mẹ không nên chia sẻ số tiền cụ thể mà bản thân kiếm được cho trẻ biết. Thay vì giấu giếm con cái, bạn có thể đưa ra mức thu nhập bình quân ngành nghề mà bạn đang làm trong xã hội hiện nay. Việc này sẽ giúp cho trẻ tránh được những suy nghĩ, nhận thức áp đặt về tiền bạc và sự so sánh khả năng kiếm tiền của cha mẹ với những người xung quanh.

2. Cha hay mẹ kiếm được nhiều tiền hơn

Trong một gia đình, bạn tuyệt đối không nên cho trẻ biết cha hay mẹ kiếm được nhiều tiền hơn. Bởi điều này sẽ khiến trẻ có sự so sánh và hình thành những suy nghĩ khác nhau về cha mẹ. Đặc biệt, trẻ sẽ có sự phân biệt cũng như coi trọng cha hoặc mẹ hơn trong gia đình.

Ngoài ra, đối với những người phụ nữ làm công việc nội trợ, họ vẫn phải dành toàn bộ thời gian trong ngày để chăm sóc gia đình mặc dù không có thu nhập. Vì vậy, bạn hãy cho trẻ biết rằng, chúng ta là một gia đình, chúng ta chung sống và làm việc cùng nhau quan trọng hơn việc ai kiếm được nhiều tiền hơn trong gia đình.

3. Cha mẹ đã tiết kiệm được bao nhiêu khi nghỉ hưu

Tài khoản tiết kiệm dành cho việc hưu trí là một khoản tiền phức tạp ngay cả với người lớn. Vì vậy, cha mẹ không cần phải cho trẻ biết bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu khi về hưu. Bởi trẻ sẽ thực sự không hiểu tại sao cha mẹ phải tiết kiệm một khoản tiền mà không được chi tiêu trong khi cuộc sống hàng ngày vẫn còn khó khăn. Điều này cũng sẽ khiến trẻ có những suy nghĩ đòi hỏi về mức sống và những nhu cầu khác trong xã hội.

4. Ai đang nợ tiền cha mẹ

Tiền bạc thường là nguyên nhân gốc rễ của những bất hòa, rối loạn đặc biệt là trong các mối quan hệ gia đình. Vì vậy, tốt nhất cha mẹ không nên cho trẻ biết để tránh những nhìn nhận sai lệch về mọi người xung quanh. Bởi khi trẻ biết về vấn đề này, nó sẽ vô tình gây ra tâm lý đề phòng hoặc giảm bớt thiện cảm của trẻ đối với những người đã vay tiền cha mẹ mặc dù với mục đích tốt.

5. Cha mẹ chi bao nhiêu tiền cho một món quà

Đối với trẻ em, quà tặng luôn chứa nhiều thông điệp cảm xúc và là sự hạnh phúc khi được nhận quà. Trẻ con thường không chú ý nhiều tới giá trị hay số tiền phải bỏ ra để mua được món quà đó. Vì vậy, cha mẹ không nên đề cập tới chi phí của quà tặng dành cho trẻ để tránh những nhận thức lệch lạc và đòi hỏi về giá trị của quà tặng.

Đặc biệt, cha mẹ nên dạy cho trẻ hiểu rằng, giá trị thực sự của một món quà không nằm ở số tiền mà chúng ta phải chi trả. Điều ý nghĩa nhất của chúng là tấm lòng và sự quan tâm của chính người tặng. Điều này sẽ giúp trẻ nhận ra rằng, một chiếc móc chìa khóa nhỏ của cha hay chiếc bánh pizza mẹ tự làm mới chính là những món quà tuyệt vời nhất trong cuộc sống.

Ngoài ra, việc đề cập tới giá trị vật chất của mỗi món quà sẽ khiến cho trẻ có suy nghĩ so sánh và đòi hỏi dựa trên giá tiền thay vì giá trị tinh thần trong cuộc sống.

6. Lo lắng về khoản tiền khi trẻ đi học đại học

Thi đỗ đại học là một niềm tự hào và hạnh phúc đối với bất kì một bậc cha mẹ nào khi con cái của họ đạt được. Tuy nhiên, làm thế nào để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tài chính của con cái vẫn là một gánh nặng lớn đối với các bậc cha mẹ.

Vì vậy, trong các cuộc trò chuyện cùng trẻ, đặc biệt khi trẻ đã ở độ tuổi trung học, cha mẹ tuyệt đối không nên than vãn về các khoản học phí trong hiện tại và tương lai. Bởi điều này chỉ khiến cho trẻ có cảm giác việc học của chúng là gánh nặng của cha mẹ. Từ đó, trẻ có thể phát triển những tư duy không đúng về việc học tập và mất định hướng trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ nên dành một khoản tiết kiệm để ưu tiên hàng đầu cho việc học tập của trẻ.

Tâm Nguyễn

Businessinsider

Trở lên trên