Sẽ ngăn chặn dịch vụ nội dung số xuyên biên giới không thực hiện đúng quy định
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định quy định mới về quản lý dịch vụ OTT TV là một bước tiến mới trong quản lý nhà nước, đảm bảo công bằng giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước - Ảnh: T.HÀ
Cho phép ngăn chặn dịch vụ khi không thực hiện đúng quy định là một điểm mới quan trọng trong nghị định số 71 của Chính phủ vừa ban hành sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
- 13-10-2022Giá Bitcoin hôm nay 13/10: Bitcoin tăng nhẹ, khó có khả năng bứt phá
- 12-10-2022Nguyên CEO Viettel tại Lào: ‘Unitel góp phần xây dựng hợp tác hữu nghị giữa 2 nước’
- 12-10-2022Mang CCCD gắn chip thay GPLX khi tham gia giao thông có bị phạt hay không?
Thông tin được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố tại cuộc họp báo giới thiệu những điểm mới của nghị định 71 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (OTT TV) ngày 12-10.
Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá nghị định 71/2022/NĐ-CP vừa ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 là nghị định rất quan trọng, đặc biệt tạo mặt bằng pháp lý giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
"Khi nghị định bắt đầu có hiệu lực sẽ đưa tất cả các doanh nghiệp cung cấp cùng dịch vụ về một mặt bằng như nhau, tránh bảo hộ ngược, tránh việc ‘không quản lý’ các dịch vụ xuyên biên giới, chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước" - ông Lâm cho biết.
Theo ông Nguyễn Hà Yên - phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, nghị định có nhiều điểm mới nhằm tăng cường quản lý các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, nội dung số xuyên biên giới, trong đó một điểm mới quan trọng là cho phép cơ quan quản lý nhà nước được ngăn chặn dịch vụ khi nhà cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng quy định quản lý.
Quy trình xử lý đối với các sai phạm trong lĩnh vực OTT TV ở các mức khác nhau: nếu vi phạm nhẹ xử lý hành chính và khắc phục hậu quả. Nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, cơ quan quản lý nhà nước sẽ áp dụng hình thức ngăn chặn dịch vụ trước bằng các biện pháp kỹ thuật, rồi sau đó xử phạt theo quy định.
Riêng các vi phạm như cung cấp dịch vụ không có giấy phép thì sẽ chặn dịch vụ luôn.
Cụ thể, về chính sách quản lý, nghị định 71 bổ sung quy định cho phép dịch vụ OTT TV được cung cấp đến người Việt Nam mà không buộc phải cung cấp kênh chương trình như các dịch vụ truyền hình truyền thống.
Đồng thời, bổ sung quy định về quản lý biên tập nội dung theo yêu cầu thích ứng với tính chất, đặc điểm của loại hình dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet, phân nhóm nội dung để có các quy định biên tập phù hợp.
Trong đó, nhóm chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội sẽ do cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.
Với nhóm phim, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại.
Trong trường hợp doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện đề nghị cơ quan quản lý phân loại hoặc cấp quyết định phát sóng.
Với nhóm chương trình thể thao, giải trí, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.
Thông tin rõ thêm, ông Yên cho biết nghị định 71 sẽ bảo đảm quản lý phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn chỉnh văn bản hợp nhất nghị định 71/2022/NĐ-CP và nghị định 06/2016/NĐ-CP để thống nhất áp dụng các quy định, tạo thuận lợi trong quản lý thực hiện từ ngày 1-1-2023.
Tuổi trẻ