Sẽ rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ nhà, đất
Đăng ký biến động nhà, đất sẽ không phải qua Sở TN&MT ký nữa, tức đã giảm một cấp nên thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân sẽ được rút ngắn.
“Bộ TN&MT cho biết bộ này đã trình ra Chính phủ trong dự thảo sửa đổi Nghị định 43/2015. Khi đó, tình trạng trễ hạn hồ sơ nhà đất của người dân sẽ được tháo gỡ”. Ông Nguyễn Toàn Thắng (ảnh ), Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nói với Pháp Luật TP.HCM.
Giảm được một cấp
. Phóng viên: Từ khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) một cấp theo Luật Đất đai mới, tại TP.HCM đã xảy ra tình trạng ách hàng loạt hồ sơ của người dân. Đến nay đã hơn một năm, tình hình này có được cải thiện chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Trước đây, quận, huyện thực hiện có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận (GCN) cho hộ gia đình, cá nhân và việc cấp đổi, đăng ký biến động nhà, đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 đã tổ chức lại hệ thống VPĐKĐĐ một cấp thì cấp GCN lần đầu là do quận, huyện thực hiện. Khi thực hiện cấp giấy sau khi có biến động nhà, đất như mua bán, chuyển nhượng… thì thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT.
Trong thời gian đầu thực hiện đã xảy ra quá tải khi mỗi tháng bình quân Sở TN&MT phải ký tới 9.000 hồ sơ. Đến nay còn khoảng 4.000 hồ sơ/ tháng. Theo thống kê, trong năm 2016, toàn TP.HCM có khoảng 46.000 hồ sơ được giải quyết.
. Trong buổi làm việc với UBND TP mới đây, Bộ TN&MT đã đồng ý phân cấp về cho chi nhánh VPĐKĐĐ tại các quận, huyện thực hiện việc cập nhật biến động cho người dân. Nếu theo cách này, người dân được lợi gì?
Đây là một bước phân cấp mạnh của Bộ TN&MT đối với thực tiễn của TP. Theo ý kiến của Bộ TN&MT thì việc cấp GCN lần đầu vẫn thuộc thẩm quyền của các quận, huyện nên không có gì vướng mắc. Liên quan đến những giao dịch của người dân sau khi cấp giấy lần đầu thì chi nhánh VPĐKĐĐ tại các quận, huyện thực hiện và trả tại chỗ. Như vậy, người dân sẽ không phải chờ đợi như hiện nay.
Riêng những trường hợp có biến động nhưng người dân không chọn cách cập nhật lên trang 4 thì vẫn sẽ chuyển lên VPĐKĐĐ TP.HCM nhưng không phải qua Sở TN&MT ký nữa. Như vậy, sẽ giảm được một cấp và giảm được thời gian thực hiện.
Sửa quy định, phân cấp mạnh
. Có ý kiến cho rằng việc phân cấp về cho chi nhánh VPĐKĐĐ tại các địa phương thực hiện là có lợi cho người dân nhưng khó cho cơ quan quản lý nhà nước vì đây chỉ là đơn vị sự nghiệp nên không đủ tư cách xác nhận tài sản của người dân?
Tôi nghĩ là không có vấn đề gì. Vì việc cấp GCN lần đầu là do quận, huyện thực hiện thì có nghĩa là quận, huyện là nơi đã xác nhận tài sản của người dân. Chi nhánh VPĐKĐĐ chỉ thực hiện việc đăng ký biến động sau khi được cấp giấy lần đầu thôi. Chẳng hạn như người dân có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng, tặng cho… thì sẽ đến chi nhánh VPĐKĐĐ thực hiện và trả hồ sơ tại chỗ. Hơn nữa, Bộ TN&MT cũng cho biết sẽ bổ sung vào Nghị định sửa đổi Nghị định 43/2015 cho VPĐKĐĐ thêm chức năng quản lý nhà nước.
46.000 là số hồ sơ nhà, đất ở TP.HCM thực hiện đăng ký biến động trong năm 2016.
Quan điểm của Bộ TN&MT là phải xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý đất đai để sau này sẽ có hệ thống dữ liệu dùng chung cho cả ngành. Việc phân cấp về cho chi nhánh VPĐKĐĐ thực hiện việc đăng ký biến động cho người dân là một trong những bước để đồng bộ về dữ liệu, làm cơ sở cho sau này phục vụ cho công tác quản lý đất đai nói chung và cấp GCN được chặt chẽ, đồng bộ hơn.
. Khi nào thì việc phân cấp mới chính thức được triển khai thực hiện, thưa ông?
Bộ TN&MT đã trình ra Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 43/2015 nên khi nào nghị định mới có hiệu lực thì mới triển khai thực hiện.
. Xin cám ơn ông.
Phấn đấu để không còn hồ sơ trễ hạn
Khi thực hiện theo mô hình VPĐKĐĐ một cấp có thời điểm lượng hồ sơ trễ hạn lên đến 30%. Nhưng sau thời gian TP.HCM nỗ lực tìm nhiều giải pháp khắc phục thì hiện số hồ sơ trễ hạn đã giảm còn khoảng 10%. Chúng tôi đang phấn đấu để không còn hồ sơ trễ hạn.
Để giải quyết tình trạng ách tắc hồ sơ, năm 2016, Sở TN&MT đã thực hiện nhiều giải pháp như phối hợp với bưu điện để luân chuyển hồ sơ cho nhanh. Thứ hai, chúng tôi thực hiện việc liên thông với cơ quan thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính để giảm bớt thời gian chờ đợi.
Chúng tôi còn vận động người dân cập nhật trên trang 4 của GCN thay vì cấp mới hoàn toàn. Qua công tác vận động từ chỗ 9.000 hồ sơ/tháng phải ký trong năm 2015 giảm xuống còn 4.000 hồ sơ/tháng.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế. Nút thắt của vấn đề nằm ở chỗ thẩm quyền. TP.HCM là nơi có khối lượng giao dịch về nhà đất rất lớn, thị trường bất động sản cũng rất sôi động nên UBND TP đã kiến nghị Bộ TN&MT được phân cấp về cho quận, huyện thực hiện như trước. Bộ TN&MT nhận thấy thực tế này tại TP.HCM và đã đồng ý sẽ đưa vào nội dung sửa đổi Nghị định 43/2015. Khi tháo gỡ được nút thắt này thì sẽ khắc phục được tình trạng trễ hạn hồ sơ của người dân.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM
Pháp luật TPHCM