MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ tái khởi động lại dự án hầm đường bộ xuyên biển lớn nhất Việt Nam

Sẽ tái khởi động lại dự án hầm đường bộ xuyên biển lớn nhất Việt Nam

Từng được dự kiến khởi công vào năm 2019 và hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, sau đó tỉnh phải tạm dừng để tập trung triển khai dự án khác.

Từng được ví là công trình thế kỷ của Quảng Ninh với số vốn rất lớn, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật rất cao. Dự án hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục, TP Hạ Long từng được Quảng Ninh dự kiến khởi công vào năm 2019 và hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, sau đó tạm dừng để tập trung triển khai dự án khác.

Dự án hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục thời điểm năm 2019 được UBND tỉnh Quảng Ninh dự toán tổng vốn đầu tư trên 9.780 tỉ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh. Để có nguồn vốn cho công trình thế kỷ này, mỗi năm Quảng Ninh sẽ cân đối từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 2.000 tỉ đồng.

Đây là công trình cấp đặc biệt nhưng không nằm trong công trình quốc gia nên Quảng Ninh đã xin chủ trương tự cân đối ngân sách xây dựng và được Thủ tướng đồng ý.

Theo thiết kế, hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục sẽ nằm song song với cầu Bãi Cháy với quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2.750m. Trong đó, chiều dài hầm khoảng 2.140m (gồm 1.000m hầm dìm và 1.140m hầm dẫn).

Hầm dự kiến nằm dưới đáy biển cách mặt nước không quá 17m (hầm Thủ Thiêm là 24m). Tốc độ xe lưu thông trong hầm có thể đạt 60km/h, và có khả năng chịu được động đất mạnh 6 độ Richter.

Tuy nhiên, vị trí thi công hầm Cửa Lục lại tương đối phức tạp do là cửa sông, nước chảy xiết, điều kiện tự nhiên có hang caster, là luồng giao thông hàng hải của một số cảng. Vì thế, các phương án thiết kế, công tác tổ chức thi công phải được tính toán thêm kỹ lưỡng hơn.

Sẽ tái khởi động lại dự án hầm đường bộ xuyên biển lớn nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Khu vực sẽ xây dựng hầm đường bộ qua vịnh

Thời điểm nghiên cứu triển khai dự án này, tỉnh Quảng Ninh đã mời nhiều đoàn chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham gia nghiên cứu, khảo sát địa chất, địa hình khu vực làm đường hầm.

Quảng Ninh sau đó phải quyết định tạm dừng triển khai dự án dù đã tính khởi công vào năm 2019 để có thể tập trung nguồn vốn cho các công trình giao thông quan trọng khác như cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu), cầu Cửa Lục 3 (cầu Bình Minh) nhằm mở rộng không gian đô thị sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long.

Thực tế, hiện nay, việc kết nối đường bộ giữa hai khu vực Hòn Gai và Bãi Cháy của thành phố Hạ Long đều thông qua cây cầu Bãi Cháy nên thường gặp khó khăn. Để di chuyển từ Bãi Cháy sang Hòn Gai và ngược lại mất rất nhiều thời gian, có thể lên đến nửa tiếng hoặc hơn. Thậm chí là bị gián đoạn mỗi khi có gió bão lớn.

Mới đây, theo Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vẫn sẽ thực hiện việc xây dựng hầm đường bộ qua cửa vịnh Cửa Lục để kết nối giao thông cơ giới giữa 2 bờ vịnh.

Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống cầu gắn với các tuyến đường kết nối phía Bắc vịnh Cửa Lục. Cải tạo, nâng cấp hệ thống cầu hiện trạng đảm bảo quy mô, kết cấu kỹ thuật và khả năng kết nối giao thông. Đặc biệt, dự trữ quỹ đất để xây dựng hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, kết nối Bãi Cháy với Hòn Gai, TP Hạ Long.

Khi hoàn thành, bên cạnh việc tạo điều kiện lưu thông thuận lợi giữa 2 bờ Vịnh Cửa Lục, phá thế độc đạo của cầu Bãi Cháy hiện nay, kết nối giữa khu du lịch phía Tây với khu hành chính, văn hóa và các khu dân cư phía Đông TP Hạ Long, hầm còn có ý nghĩa đảm bảo giao thông thông suốt trong đô thị Hạ Long.

Ý tưởng xây dựng hầm ngầm qua vịnh Cửa Lục nhằm giảm tải lưu lượng giao thông qua cầu Bãi Cháy và quốc lộ 18 đoạn qua khu vực nội thị thành phố Hạ Long; phục vụ nhu cầu đi lại thuận lợi, an toàn của người dân trong mùa mưa bão; kết nối tuyến đường bao biển Bãi Cháy-Hạ Long-Cẩm Phả; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, mở rộng không gian ra biển; tạo điểm nhấn cảnh quan, kiến trúc, thúc đẩy phát triển du lịch…

Vì vậy, cầu Cửa Lục hoàn thành hứa hẹn đảm bảo giao thông thông suốt và đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực này. Đây là hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam, khẳng định tầm vươn lên mạnh mẽ của một thành phố du lịch biển hiện đại, tạo đột phá trong phát triển hạ tầng của tỉnh.

Khánh Linh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên