MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp có tầm sẽ ứng xử khôn ngoan với cấp dưới khó bảo theo từng kiểu người

21-08-2020 - 23:21 PM | Sống

Cấp dưới khó bảo không phải là ít, vì vậy người lãnh đạo có thể xử lý tốt mối quan hệ với những người cấp dưới có tính cách đặc biệt không phải là dễ.

Cấp dưới cá biệt

Thành phần cấp dưới cá biệt thường gặp nhất là bất luận việc lớn hay nhỏ đều nhiều lời, đa sự, thích xin ý kiến. Dạng cấp dưới này thường có tâm tư không ổn định, gặp việc thì luống cuống, việc lớn việc nhỏ tất thảy đều xin ý kiến, đặc biệt là câu nệ.

Làm việc với cấp dưới kiểu này, khi giao công việc nhiệm vụ phải nói rõ ràng, sau đó lệnh cho họ tự mình xử lý, ban cho quyền lực thích hợp, đồng thời cũng phải gây áp lực nhất định, thay đổi tâm lý dựa dẫm, ỷ lại của họ. Khi họ kêu ca, không nên bày tỏ thái độ, như vậy sẽ khiến cho họ cảm thấy khi kêu ca vừa không nhận được sự ủng hộ, cũng không nhận được sự phản đối, lâu dần họ sẽ không kêu ca nữa.

Cấp dưới tranh giành

Với kiểu cấp dưới thích tranh giành, hiếu thắng, họ luôn cảm thấy giỏi hơn lãnh đạo, dường như vị trí của hai người phải đảo lại mới đúng. Loại người kiêu ngạo tự phụ này, có tham vọng rất lớn, thường xuyên coi thường, thậm chí đả kích bạn.

Gặp phải dạng cấp dưới này, không nên nổi nóng. Người tự phụ đâu đâu cũng có, nên điều đó là bình thường, cũng đừng cố áp chế họ, càng làm vậy họ càng cảm tháy năng lực của bạn không bằng họ, là ỷ quyền ức hiếp họ.

Nghiêm túc phân tích nguyên nhân gây nên thái độ này của họ. Nếu là do sự thiếu sót của bạn thì có thể thẳng thắn thừa nhận đồng thời tìm cách sửa chữa, không nên cho họ có lý do đả kích và viện cớ coi thường bạn. Nếu họ cảm thấy bản thân có tài mà không gặp thời, bạn cũng đừng ngại tạo điều kiện cho họ, đem lại cho họ cơ hội phát huy tài năng. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy hài lòng và giúp họ hiểu được sự gian khổ khi hoàn thành một công việc.

Cấp dưới kiêu căng

Với dạng cấp dưới kiêu căng, không quan tâm đến đại cục, thường xuyên đưa ra những yêu cầu bất hợp lý, việc gì cũng đều suy nghĩ vì mình trước tiên.

Gặp kiểu cấp dưới này, bạn phải cố gắng giải quyết công việc thật công bằng, làm rõ trách nhiệm và lợi ích của từng người trong mỗi kế hoạch, cho họ biết được họ phải làm gì, sẽ được gì, thì họ sẽ không đưa ra yêu cầu khác. Bạn chỉ phải đáp ứng những yêu cầu hợp lý của họ, và cho họ biết rõ. Còn đối với những yêu cầu bất hợp lý, bạn phải nói rõ lý do không thể đáp ứng được, đồng thời giảng giải để họ hiểu rằng chớ nên ham cái lợi nhỏ mà mất đi nghĩa lớn. Trong điều kiện cho phép, hãy tận tình giúp đỡ và để họ thấy bạn đã rất có thành ý.

Cấp dưới có lòng tự tôn cao

Còn với dạng cấp dưới có lòng tự tôn cao, nhạy cảm, hay suy nghĩ, thì sẽ rất để ý đến nhận xét của người khác về họ, nhất là đánh giá của lãnh đạo. Cò lúc dù là một câu nói vui của cấp trên cũng khiến cho họ cảm thấy lãnh đạo không vừa ý với bản thân mình, vì vậy dẫn đến lo nghĩ lung tunh, tinh thần suy sụp.

Với kiểu cấp dưới như vậy, cần phải hiểu họ, chớ nên trách họ nhỏ nhặt, giúp đỡ họ nhiều hơn. Khi giúp đỡ, cần phải hành động nhiều, bớt đưa ra ý kiến, nếu không họ sẽ cảm thấy bạn không tin tưởng. Hãy dành cho họ quyền tự chủ, để họ cảm thấy bản thân mình có khả năng, thường xuyên cổ vũ khích lệ họ.

Phải tôn trọng lòng tự tôn của cấp dưới nhạy cảm này, lời nói nên cẩn trọng một chút, không nên chỉ trích, phê bình họ trước mặt mọi người, vì tâm lý chịu đựng của họ kém. Đồng thời cần phải chú ý không nên nói khuyết điểm của người khác trước mặt họ, để tránh việc họ sẽ nghi ngờ bạn cũng nói khuyết điểm của họ cho người khác. Phải khích lệ năng lực và ưu điểm để dần dần giảm đi tâm lý đề phòng của họ.

Cấp dưới thích sói mói

Còn một dạng cấp dưới khác thích soi mói khuyết điểm, đàm tiếu chuyện thị phi. Dạng cấp dưới này thường rêu rao một số vấn đề nhỏ của bạn, để ý những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng lại tỏ ra trung thành với bạn, suy nghĩ cho bạn.

Tiếp xúc với dạng cấp dưới này, trước tiên phải kiểm tra bản thân có khuyết điểm gì không. Có thể thường xuyên tham khảo ý kiến họ, khiến họ cảm thấy bạn đối đãi chân thành, như vậy họ sẽ cảm thấy xấu hổ khi bới móc những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống của bạn. Đối với loại người khó cảm hóa cũng không nên nhún nhường quá, mà phải chỉ cho họ thấy cái sai của mình.

Bất kỳ lãnh đạo nào cũng đều ít nhiều gặp phải cấp dưới khó đối phó, cũng không thể sai thải tất cả họ. Là người lãnh đạo, bạn cần thiết phải biết cách đối xử với họ, học cách xử lý tốt các mối quan hệ, như vậy công việc sẽ được thuận lợi.

(Tham khảo sách Tứ thư lãnh đạo: Thuật quản trị)


Theo PV

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên