MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp công ty xe điện đưa ra dự báo tàn khốc: 1 thập kỷ tới, sẽ chỉ còn 10 công ty mạnh nhất sống sót

25-04-2023 - 15:25 PM | Thị trường

Đà tăng trưởng chậm cùng cuộc chiến khắc nghiệt về giá đang đẩy các nhà sản xuất ô tô giá rẻ đến bờ vực sụp đổ.

Ngành công nghiệp ô tô thế giới sẽ thu hẹp chỉ còn 10 thương hiệu trong thập kỷ tới do cạnh tranh ngày càng gay gắt, theo Xpeng - thương hiệu xe điện đối thủ của Tesla.

Brian Gu, phó Chủ tịch Xpeng - công ty có trụ sở tại Quảng Châu cho biết để các công ty Trung Quốc chiến thắng, doanh số mỗi năm ít nhất phải đạt 3 triệu xe. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota bán được 10,5 triệu chiếc vào năm 2022, trong khi Tesla chỉ bán được 1,3 triệu.

Cảnh báo trên được đưa ra vào đúng thời điểm lịch sử của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Trung Quốc đang trên đà vượt Nhật Bản trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới tính theo sản lượng. Trong khi đó, đà tăng trưởng chậm cùng cuộc chiến khắc nghiệt về giá đang đẩy các nhà sản xuất ô tô giá rẻ đến bờ vực sụp đổ, bên cạnh cuộc cạnh tranh ngày càng tăng từ các thương hiệu nước ngoài.

Điều này làm lung lay những gì từng được coi là trụ cột trong vài năm qua. Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, doanh số bán xe đã giảm 13% trong 3 tháng đầu năm 2023. Doanh thu ô tô truyền thống sụt giảm, trong khi tốc độ tăng trưởng của xe điện chậm lại.

Theo The New York Times, thị trường xe điện Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 2020, một phần nhờ hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, ngay sau khi chương trình này hết hạn vào tháng 12 sau 13 năm, một cuộc cạnh tranh gay gắt đã nổ ra trong một phân khúc thị trường vốn đang rất đông đúc.

“Bạn không thể chỉ chơi ở Trung Quốc, bạn phải là người chơi toàn cầu. Trong trường hợp đó, có thể gần một nửa sản lượng phải đến từ bên ngoài Trung Quốc,” Gu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times. “Trong 5 đến 10 năm, Trung Quốc sẽ trở thành một thị trường tập trung hơn. Số người chơi có thể sẽ giảm xuống dưới 10 ở cấp độ toàn cầu”.

Sếp công ty xe điện đưa ra dự báo tàn khốc: 1 thập kỷ tới, sẽ chỉ còn 10 công ty mạnh nhất sống sót - Ảnh 1.

Để các công ty Trung Quốc chiến thắng, doanh số mỗi năm ít nhất phải đạt 3 triệu xe, đại diện hãng xe điện Xpeng cho biết.

Xpeng, được thành lập vào năm 2014, đã huy động được 1,5 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2020 tại New York. Thương hiệu này đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự cạnh tranh gay gắt và hiện xếp thứ 12 về doanh số trong danh sách các nhà sản xuất ô tô điện. Sau thông báo giảm giá của Tesla, hãng này cũng buộc phải chiết khấu 3 trong số 4 mẫu xe của mình.

Gu, trước đây là Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của JPMorgan tại châu Á, khi đó đổ lỗi cho thời điểm ra mắt mẫu xe mới. Ông dự báo thị trường sẽ chỉ ổn định trong nửa cuối năm nay.

“Năm nay, tôi nghĩ chúng ta đang phải đối mặt với một bối cảnh rất cạnh tranh. Rõ ràng có áp lực giảm giá. Điều này tạo ra tâm lý e ngại cho người tiêu dùng”, Gu nói, đồng thời thừa nhận mối quan hệ Mỹ-Trung đã làm phức tạp hóa các kế hoạch mở rộng quy mô của hãng.

Xpeng, vốn được hậu thuẫn bởi Alibaba và đầu tư rất nhiều vào xe tự hành, đang nhắm mục tiêu tăng trưởng ở châu Âu. Tuy nhiên, hãng không có kế hoạch bán ô tô ngay lập tức ở Mỹ. Gu cho biết, việc thâm nhập vào Mỹ đối với các thương hiệu Trung Quốc “có thể sẽ khó khăn”.

“Chúng ta cần dành thời gian nghiên cứu và tìm cách tiếp cận thị trường đó”, Gu nói.

Được biết trước đó, Xpeng từng đặt kế hoạch phá vỡ điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, song giờ đây đã phải lùi thời hạn sang tận năm 2025. Trong năm 2022, giá cổ phiếu hãng giảm tới 80%, tổng vốn hóa bốc hơi 83%, trong khi doanh số thì chưa bằng một nửa so với kế hoạch đã hoạch định.

Sếp công ty xe điện đưa ra dự báo tàn khốc: 1 thập kỷ tới, sẽ chỉ còn 10 công ty mạnh nhất sống sót - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp ô tô thế giới sẽ thu hẹp chỉ còn 10 thương hiệu trong thập kỷ tới do cạnh tranh ngày càng gay gắt

Để “chữa cháy”, CEO He Xiaopeng tuyên bố sẽ dồn toàn lực đặt cược vào xe tự lái - công nghệ Tesla đi đầu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Không rõ sự tự tin này đến từ đâu khi mà thị trường chưa có bất kỳ dòng xe tự lái mức độ 4 nào được sản xuất, song He vẫn lạc quan rằng trong vòng 5 năm tới, sẽ có khoảng 5 triệu chiếc xe lái tự động mức độ 4 được xuất xưởng mỗi năm.

Ở một khía cạnh khác, ông Gu cho biết việc thương mại hóa xe lái tự động sẽ gặp thách thức về chính sách do đây là công nghệ mới. Ví dụ nếu gây tai nạn khi bật chế độ lái tự động thì tài xế hay hãng xe là người chịu trách nhiệm?

Dẫu vậy, bất chấp những thách thức, Gu vẫn nhìn thấy “rất nhiều cơ hội phát triển bên ngoài Trung Quốc”. Tại sự kiện triển lãm xe điện lớn nhất Trung Quốc đã diễn ra tại Thượng Hải lần này, Xpeng trình làng mẫu xe điện cao cấp nhắm đến phân khúc người mua như Tesla. Hãng cho biết cảm hứng thiết kế chiếc G6 đến từ câu chuyện khoa học viễn tưởng. Xe có một dải đèn chiếu sáng chạy ngang qua mui xe còn phần thân xe thì bóng mượt.

Xét trên phương diện tích cực, thiết kế tinh tế của Xpeng và một số các thương hiệu xe điện Trung Quốc được trưng bày tại sự kiện lần này cho thấy những thương hiệu nội địa đã phát triển rất nhanh sau 1 thập kỷ. Trước đó, triển lãm chỉ toàn những chiếc xe nội địa có kiểu dáng kỳ quặc và thiếu thẩm mỹ. Người tiêu dùng Trung Quốc khi ấy cũng chỉ ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài.

Theo: FT, Bloomberg

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên