MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp Goldman Sachs xin lỗi Malaysia vì vụ bê bối tỷ USD

17-01-2019 - 13:41 PM | Tài chính quốc tế

“Về vai trò của Leissner trong vụ lừa đảo đó, chúng tôi xin lỗi người dân Malaysia”, CEO Goldman Sachs nói...

Tổng giám đốc mới của Goldman Sachs ngày 16/1 lên tiếng xin lỗi về vai trò của một cựu lãnh đạo ngân hàng Mỹ này trong vụ bê bối tham nhũng nhiều tỷ USD xảy ra tại quỹ đầu tư quốc gia 1MDB của Malaysia.

"Rõ ràng là người dân Malaysia đã bị lừa dối bởi nhiều cá nhân, bao gồm những nhân vật cấp cao nhất trong chính phủ tiền nhiệm", trang CNN Business dẫn lời CEO David Solomon phát biểu trong một cuộc họp điện đàm với nhà đầu tư về kết quả kinh doanh quý 4/2018.

Ông Solomon nhấn mạnh việc Tim Leissner, cựu Chủ tịch Goldman Sachs Đông Nam Á, đã thừa nhận sai phạm trong vụ bê bối 1MDB. "Về vai trò của Leissner trong vụ lừa đảo đó, chúng tôi xin lỗi người dân Malaysia", ông nói.

Những phát biểu này được ông Solomon đưa ra trong bối cảnh Goldman Sachs lâm khủng hoảng. Nhà băng này đang đối mặt hàng loạt vụ kiện và điều tra liên quan đến việc từng giúp 1MDB phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Mặc dù vậy, Goldman Sachs đã có kết quả kinh doanh quý 4/2018 khả quan hơn dự báo. Trong quý, ngân hàng này lãi hơn 2,5 tỷ USD, nâng tổng mức lãi của cả năm lên 10,5 tỷ USD. Giá cổ phiếu Goldman Sachs tăng 8% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư ở Phố Wall.

Cũng trong quý 4, Goldman Sachs đạt doanh thu 1,2 tỷ USD tiền phí tư vấn tài chính, tăng 56% so với cùng kỳ 2017, nhờ số vụ mua bán và sáp nhập (M&A) được hoàn tất trong ngành tài chính tăng mạnh.

Tuy nhiên, doanh thu từ giao dịch trái phiếu của Goldman Sachs giảm 18% trong quý, còn 822 triệu USD.

Ông Solomon trở thành CEO của Goldman Sachs vào tháng 10 năm ngoái, sau khi ông Lloyd Blakfein, người nắm giữ cương vị này suốt 12 năm, thôi chức.

Ông Solomon ngày 16/1 nói đạo đức nghề nghiệp trong Goldman Sachs vẫn ở mức cao, bất chấp vụ bê bối 1MDB. Mặc dù vậy, ông thừa nhận người dân Malaysia "rất giận dữ về việc chúng tôi có một nhân vật dính líu đến một vụ bên bối lớn như vậy".

Theo ông Solomon, ảnh hưởng của vụ bê bối lên hoạt động kinh doanh toàn cầu của Goldman Sachs là không đáng kể, nhưng ngân hàng này cần thời gian để khắc phục thiệt hại về uy tín.

Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng số tiền 4,5 tỷ USD đã bị biển thủ khỏi 1MDB và lần ra manh mối về vai trò của Goldman Sachs trong vụ bê bối này. Chính phủ Malaysia hiện đang gây áp lực đòi Goldman Sachs phải bồi thường.

Trong ba đợt phát hành trái phiếu lớn được Goldman Sachs bảo lãnh vào năm 2012 và 2013, 1MDB đã huy động được tổng cộng 6,5 tỷ USD và quỹ này đã trả cho Goldman Sachs 600 triệu USD tiền phí.

Giới chức Mỹ cho rằng khoảng một nửa số tiền mà Goldman Sachs giúp 1MDB huy động đã bị biển thủ để tậu nhiều món nữ trang cao cấp và tác phẩm nghệ thuật, cũng như đưa hối lộ và "lại quả" cho các quan chức nước ngoài.

Theo Diệp Vũ

VnEconomy

Trở lên trên