MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp hỏi giá đồng hồ đeo tay, nhân viên thật thà trả lời mà không biết mình đã rước họa vào thân: Nước quá trong thì không có cá, người khoe mẽ quá thì thiệt thân

08-10-2020 - 23:06 PM | Sống

Kẻ biết ẩn mình mới là người tồn tại lâu dài, nhất là trong môi trường cạnh tranh như nơi công sở.

Có những món đồ khiến cánh đàn ông mê mẩn và luôn muốn khoe khoang. Xã hội có câu: "Nhà nghèo thì chơi xe hơi, nhà giàu thì chơi đồng hồ, kẻ ngốc thì chơi điện thoại, máy tính". Như vậy, rõ ràng thứ đẳng cấp nhất chính là đồng hồ. Xe hơi là thứ dễ nhất để phô trương sự giàu có, nhưng lại rất khó giữ được giá trị. Đồng hồ không chỉ thể hiện phong cách mà còn duy trì và nâng tầm giá trị.

Tiểu Lâm đang công tác ở một đơn vị, môi trường làm việc không có quá nhiều thứ để kể, cuộc sống khá thanh thản. Tuy anh chỉ lái một chiếc Volkswagen Magotan nhưng tay lại đeo đồng hồ Rolex bản giới hạn. Đây là món quá đắt tiền anh nhận được trong dịp sinh nhật lần thứ 30 của mình.

Vài ngày trước, trong lúc tan làm, Tiểu Lâm có tình cờ gặp lãnh đạo đơn vị đang đợi taxi. Tiểu Lâm liền ngỏ ý muốn đưa sếp về. Hai người vốn không quen biết, nên anh muốn nhân cơ hội này để trở nên thân thiết hơn. Rốt cuộc, sếp của Tiểu Lâm đồng ý để anh ta đưa về. Trong lúc đang đi, thoáng thấy chiếc đồng hồ mà Tiểu Lâm đeo, người sếp liền hỏi: "Đồng hồ của anh đẹp thế, anh mua nó bao nhiêu vậy?".

Tiểu Lâm có chút tự hào, liền thuận miệng đáp: "Thưa anh, chiếc đồng hồ này là bản giới hạn, giá khoảng hơn 10.000 USD. Tôi cảm thấy nó khá xứng đáng, giá trị chẳng những không mất đi mà còn tăng thêm theo thời gian". Người sếp ồ lên một tiếng rồi không nói thêm gì, chỉ kéo nhẹ cổ tay áo xuống.

Sếp hỏi giá đồng hồ đeo tay, nhân viên thật thà trả lời mà không biết mình đã rước họa vào thân: Nước quá trong thì không có cá, người khoe mẽ quá thì thiệt thân - Ảnh 1.

Sau lần đó, Tiểu Lâm thấy sếp ngày càng lạnh nhạt với mình. Anh còn bị sếp phái đến đơn vị khác với lý do là để rèn luyện thêm.

Ban đầu, theo kế hoạch, Tiểu Trương sẽ là người bị luân chuyển. Tuy nhiên, sếp nêu lý do rằng gia đình Tiểu Trương rất khó khăn, trong khi Tiểu Lâm mang đồng hồ đắt tiền, chứng tỏ gia cảnh khá hơn rất nhiều. Như vậy, Tiểu Lâm đi thì hợp lý hơn. Tiểu Lâm chẳng thể phản bác lại rằng đó là món quà anh ta được tặng, bởi càng phản bác thì càng bị ruồng bỏ. "Họa từ miệng mà ra", anh đã vô tình đả kích mạnh vào lòng tự trọng của cấp trên.

Dù điều kiện gia đình có tốt đến đâu, cũng phải duy trì thái độ vừa phải. Không nên vượt mặt sếp và khiến những người quanh mình ghen tỵ. Đặc biệt là về đồng hồ, không nên đeo những thứ vượt quá phận của mình.

Khi lãnh đạo hỏi bạn: "Đồng hồ của anh giá bao nhiêu? Có đáng giá không?", đừng ngốc nghếch mà khai thật, cũng đừng trả lời hời hợt kiểu "Không đắt lắm đâu, rất rẻ". Kẻ khôn ngoan chính là kẻ biết ẩn mình, đừng bao giờ dùng những đồ có giá trị vượt trội so với những người ở trên mình. Khoe của là một việc làm trăm hại nhưng chẳng có đến một lợi. Các bậc thầy về kỹ năng mềm đã đưa ra 4 lời khách sáo để đáp lại, không những giữ mình, mà còn tôn giá trị bản thân lên.

Sếp hỏi giá đồng hồ đeo tay, nhân viên thật thà trả lời mà không biết mình đã rước họa vào thân: Nước quá trong thì không có cá, người khoe mẽ quá thì thiệt thân - Ảnh 2.

Chỉ đông đạo tây

Ở nơi làm việc, bạn không thể cứ nói dối người khác, nhưng không phải lúc nào cũng nên nói thật. Nếu sếp không hiểu về đồng hồ, bạn có thể nói rằng đó là hàng nhái cao cấp, đeo chỉ để cho vui. Nếu sếp hiểu nhiều về đồng hồ, bạn không thể nói dối được. Tuy nhiên, bạn phải tránh hết mức đặt trọng tâm câu chuyện vào vấn đề giá cả. Có thể nói rằng bạn đeo để tiện cho công việc, rồi sau đó lái câu chuyện sang hướng khác.

Dương đông kích tây

Ở chốn công sở ngày nay, tất cả những người ngoài 35 tuổi đều hiểu được những vất vả của cuộc sống. Những người trẻ mà có nhà lầu, xe hơi, đồ đạc sang trọng, phần nhiều có thể là do bố mẹ chu cấp. 

Bạn có thể nói: "Chiếc đồng hồ này do cha mẹ tôi tặng nên tôi đeo. Tôi không biết họ mua bao nhiêu". Hãy đổi chủ đề nhanh chóng và không nói thêm về tiền bạc. Làm như thế, bạn không hề khoe thân, cũng chẳng dối trá, ngược lại còn có thể bảo toàn được chính mình. Việc bố mẹ chu cấp cho những năm đầu lập nghiệp cũng là việc bình thường.

Sếp hỏi giá đồng hồ đeo tay, nhân viên thật thà trả lời mà không biết mình đã rước họa vào thân: Nước quá trong thì không có cá, người khoe mẽ quá thì thiệt thân - Ảnh 3.

Khơi dậy sự đồng cảm

Tại nơi làm việc, mọi người đều biết thu nhập của nhau. Tốt nhất là không nên khoe của, nhất là ở nơi làm việc. Nếu bị sếp phát hiện mang những đồ đắt tiền, thì bạn có thể khơi dậy lòng thương cảm, chẳng hạn: "Chí phí kết hôn khá tốn kém. Ngoài tiền nhà cửa, tôi còn phải cố sắm sửa lấy một chiếc đồng hồ để gây ấn tượng với bố mẹ vợ, nếu không nhà kia dứt khoát không cho cưới. Cực khổ trăm bề, giờ tiền lương chỉ vừa đủ để trả nợ ngân hàng". Với việc này, bạn có thể lái chủ đề sang hướng khác và khơi dậy được sự đồng cảm của sếp.

Phòng thủ phản kích

Khi nhìn thấy nhân viên đi ô tô, mang túi hàng hiệu, đeo đồng hồ đắt tiền, những người lãnh đạo sẽ chú ý đến giá cả của những món phụ kiện xa xỉ và tìm hiểu điều kiện kinh tế của nhân viên. Ví dụ, với một nhân viên có vẻ có cuộc sống rất xa xỉ, lãnh đạo sẽ nghi ngờ rằng anh ta ở đây không phải để phấn đấu làm việc mà vào đây chỉ để đốt thời gian. Rồi từ đó, những nhân viên như thế sẽ bị thất sủng, công việc sẽ được giao cho những người có điều kiện kinh tế kém hơn. Khi đối mặt với những xung đột cạnh tranh, cơ hội cũng nghiêng về phía "những nhân viên ít tiền". 

Vì vậy, khi biết sếp chú ý đến đồng hồ của mình, bạn phải kịp thời giải thích rằng đồng hồ này là quà sinh nhật của người thân ở nước ngoài tặng, mình không thể mua được. Mình đeo là để truyền cảm và tạo động lực để có thể làm việc chăm chỉ, xứng đáng với nó. Từ đó, bạn hy vọng ban lãnh đạo sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn để nỗ lực hết mình.

(Theo Zhihu)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên