MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp mới tốt nghiệp Harvard sốc vì văn hóa gần 100 năm đậm chất Nhật của Panasonic: Sáng sáng nhân viên hát bài ca tập đoàn, thứ 6 chỉ để gửi báo cáo từ cấp này lên cấp khác

27-09-2018 - 09:06 AM | Tài chính quốc tế

Panasonic đang nỗ lực thay đổi văn hóa tồn tại suốt 100 năm nhờ một thạc sỹ trường kinh doanh Harvard.

Panasonic đã thận trọng xây dựng văn hóa có lịch sử 100 năm mà ở đó nhiều nhân viên sẽ khởi đầu ngày mới bằng việc tập thể dục và hát bài ca ca ngợi tập đoàn. Hiện tại, Yasuyuki Higuchi đang nỗ lực thay đổi truyền thống này.

Higuchi, 60 tuổi năm ngoái nhận nhiệm vụ dẫn đầu mảng giải pháp kết nối - sản xuất nhiều sản phẩm từ hệ thống giải trí trên máy bay tới thiết bị tự tự động hóa. Dù công việc đầu tiên của ông sau khi tốt nghiệp ra trường vào năm 1980 chính là ở Panasonic nhưng ông đã rời công ty sau 1 thập kỷ đúng lúc các nhà sản xuất Nhật Bản đạt được đỉnh cao trong giai đoạn bùng nổ điện tử tiêu dùng.

Higuchi đã nhận bằng MBA tại trường Kinh doanh Harvard và dành 25 năm làm việc tại nhiều công ty bao gồm hãng tư vấn Boston, Apple, phụ trách chuỗi cửa hàng Daiei và có một thời gian làm việc cho Microsoft.

Sếp mới tốt nghiệp Harvard sốc vì văn hóa gần 100 năm đậm chất Nhật của Panasonic: Sáng sáng nhân viên hát bài ca tập đoàn, thứ 6 chỉ để gửi báo cáo từ cấp này lên cấp khác - Ảnh 1.

Trong thời gian Higuchi không làm việc ở đây, đế chế của Panasonic đã bị suy yếu rất nhiều. Công ty ghi nhận khoản thua lỗ 1,5 nghìn tỷ yen (tương đương 13,5 tỷ USD) trong 2 năm tính tới tháng 3/2013 khi tham gia vào lĩnh vực tivi plasma màn hình lớn và điện thoại thông minh.

Chủ tịch Kazuhiro Tsuga kể từ đó đã lái công ty từ hãng sản xuất hàng tiêu dùng chuyển sang tập trung vào các khách hàng tập đoàn. Tsuga đã đặt cược hàng tỷ USD vào pin cho các dòng xe điện và một liên doanh với Tesla. Ông cũng mang Higuchi quay trở lại cùng một vài người khác nữa để giúp thay đổi văn hóa tập đoàn của công ty.

Trong tuần đầu quay lại Panasonic, Higuchi đã bị sốc văn hóa thật sự. Ở một buổi họp nội bộ, ông chọn một chiếc ghế bất kỳ. Tuy nhiên sau đó ông được thông báo lịch sự rằng những chiếc ghế đó đều đã được ấn định trước. Ngay lập tức, ông nói với nhân viên rằng đừng bao giờ lãng phí thời gian vào những việc như thế này nữa.

"Có quá nhiều công việc vô nghĩa đang diễn ra. Tuy nhiên đôi khi một vài người sống trong căn nhà đầy rác có thể không biết mức độ lộn xộn thật sự của nó", Higuchi phân trần.

Bước đi đầu tiên của Higuchi là chuyển trụ sở công ty từ Osaka - nơi Panasonic được thành lập sang Tokyo - nơi hầu hết các khách hàng tập đoàn mà công ty muốn hướng tới đều có mặt ở đó. Để loại bỏ thứ mà ông gọi là "các rào chắn bàn" vốn ngăn cách rất nhiều phòng ban nội bộ công ty, Higuchi chọn không gian làm việc mở hơn để nhân viên có thể dùng laptop và ngồi bất kỳ đâu trong văn phòng.

"Có quá ít sự cơ động trong quá trình làm việc, nhiều công ty Nhật Bản vốn đặt ra rất nhiều bộ quy tắc, quy định khác nhau và văn hóa tập đoàn đã ăn sâu vào đó", Higuchi nói.

Một vài thói quen cũ rất khó để loại bỏ. Vào mỗi thứ 6, các quản lý nộp báo cáo tuần cho giám sát và sau đó chúng lại được chuyển tới vị sếp cao hơn. Kết quả là hàng nghìn tài liệu trao tay mỗi tuần. Higuchi yêu cầu dừng ngay việc này nhưng suốt 3 tháng mọi chuyện không có tiến triển nhiều. Sau đó ông quyết định gửi tới toàn công ty một email nói rằng tất cả báo cáo phải được nộp trực tiếp lên cho ông. Và tuần tiếp theo, ông chỉ nhận được 1 bản duy nhất.

"Ông ấy mang tới làn không khí mới, trong lành cần thiết. Tuy nhiên ông còn có nhiệm vụ mang lại năng lượng cho rất nhiều mảng kinh doanh nữa và chưa rõ liệu ông có tiếp tục thành công hay không".

Mảng kinh doanh các giải pháp kết nối của Panasonic mà Higuchi phụ trách là bộ phận tập hợp nhiều mảng, tạo ra 1,11 nghìn tỷ yen doanh thu trong năm tài chính năm ngoái.

Sân bay Haneda ở Tokyo vào năm ngoái đã đưa vào sử dụng một cổng nhập cảnh tự động được làm bởi Panasonic sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Tháng 3, công ty đã tạo ra một liên doanh với công ty Haidilao - chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc để sản xuất bếp tự động nhằm tiết kiệm chi phí lao động.


Theo Vân Đàm

Trí Thức Trẻ/Bloomberg

Trở lên trên