Sếp VinFast công bố bất ngờ: "Chúng tôi sẽ sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán"
Công khai mức lỗ lên tới 300 triệu đồng/xe, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó tổng giám đốc VinFast - cho biết công ty này đang lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong thời gian tới.
Hôm qua, VinFast đã gây bất ngờ khi trở thành hãng xe hiếm hoi trên thế giới công bố giá thành sản xuất. Vì sao VinFast lại quyết định công khai những con số vốn nằm trong bí mật kinh doanh, thậm chí chẳng có nhà phát triển ô tô nào muốn đề cập đến này?
Minh bạch thông tin trong mọi hoạt động luôn là nguyên tắc nhất quán của Vingroup. Mặt khác, chúng tôi chắc chắn sẽ có kế hoạch niêm yết VinFast sau một thời gian nữa, nên việc minh bạch thông tin này là hoàn toàn bình thường. Và các số liệu này sẽ được kiểm toán bởi các đơn vị kiểm toán độc lập trong nước và quốc tế.
Như chúng tôi đã đề cập, mức giá VinFast công bố ban đầu chính là giá đại khuyến mại, bao gồm "3 không" cộng ưu đãi. Trong đó, "3 Không" là không tính chi phí khấu hao, không tính chi phí tài chính (lãi phải trả của các khoản vay để đầu tư xây dựng nhà máy, vốn lưu động…) và không tính lãi của công ty. Ngoài ra, chúng tôi còn ưu đãi giá đặc biệt cho các khách hàng chọn VinFast trong thời gian đầu.
Với cách xây dựng giá như vậy, thay vì giảm dần từ đỉnh, giá xe VinFast sẽ đi từ từ lên theo lộ trình đã được công khai.
Mức bù lỗ tới 300 triệu đồng một chiếc xe nằm chủ yếu ở khâu nào?
Giá thành xuất xưởng của mỗi chiếc xe VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn ở thời điểm hiện tại là 980,6 triệu đồng. Trong đó, 783,7 triệu đồng là giá thành sản xuất. Với 412,1 triệu tiền thuế phải gánh, giá bán chiếc Lux A2.0 bị đội lên mức 1,392 tỷ đồng, chưa có chi phí khấu hao, chi phí tài chính và chi phí đầu tư cũng như chưa hề có đồng lợi nhuận nào.
Nhưng chúng tôi chỉ bán cho khách hàng có 1,099 tỷ đồng/ xe vì vẫn đang áp dụng chính sách "3 Không cộng ưu đãi". Như vậy, VinFast đang chấp nhận lỗ gần 300 triệu đồng/xe, và khoản lỗ này bị cắt thẳng vào "túi" của chúng tôi vì 412,1 triệu đồng tiền thuế là khoản bất di bất dịch phải nộp, chiếm đến gần 50% giá xe thực tế. Nếu con số này giảm bớt được thì giá xe sẽ còn tốt hơn nhiều.
Có nhiều ý kiến cho rằng VinFast đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước. Bà có thể cho biết đó là những biệt đãi gì?
Chúng tôi không có bất cứ sự hỗ trợ đặc biệt nào từ Nhà nước - ngoài các chính sách chung như mọi doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam.
Hiện tại, chúng tôi vẫn đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với nhà nước, bao gồm các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… cùng các loại chi phí khác.
Tại Malaysia, Ấn Độ hay Trung Quốc hiện tại hay Nhật Bản, Hàn Quốc các thập niên trước, các nhà sản xuất ô tô nội địa luôn được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi từ chính phủ, nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô và tạo lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu nội. Vậy VinFast mong muốn được hỗ trợ như thế nào từ nhà nước Việt Nam?
Dĩ nhiên VinFast rất hy vọng sẽ nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức được rằng, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nghèo, những doanh nghiệp lớn như Vingroup hay VinFast nói riêng cần có trách nhiệm chung tay cùng chính phủ phát triển kinh tế đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Do đó, chúng tôi luôn xác định phải chủ động, nỗ lực hết sức trong khả năng của mình để mang đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm đẳng cấp, chất lượng cao với giá cả phải chăng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu "made in Vietnam", cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn tiến ra chinh phục thị trường thế giới.
Công ty đang lấy tiền ở đâu để bù lỗ cho mỗi chiếc xe tới 300 triệu đồng, ở thời điểm mà đã có hàng nghìn chiếc xe VinFast được tung ra thị trường?
VinFast có khát vọng xây dựng một thương hiệu ô tô Việt Nam nổi tiếng thế giới, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng xe hơi trong nước, mà còn hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế. Toàn hệ thống Vingroup đang dồn mọi nguồn lực cho VinFast. Chúng tôi đã thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", bán bớt các cổ phần của Tập đoàn và các công ty con… để có đủ nguồn lực tài chính cho dự án này.
Tỷ lệ nội địa hoá thấp có phải là nguyên nhân khiến giá thành sản xuất xe VinFast lớn như vậy không?
Như tôi đã phân tích, giá thành sản xuất ra những chiếc xe VinFast thực chất không hề cao, nhưng VinFast phải gánh thêm quá nhiều khoản thuế, phí. Đây chính là lý do vì sao giá xe VinFast sản xuất và bán ở Việt Nam có thể cao hơn so với giá xe Mercedes sản xuất và bán ra tại Đức.
Còn việc tăng tỷ lệ nội địa hóa là chiến lược chính mà VinFast đang theo đuổi để có thể cạnh tranh với các thương hiệu ngoại nên chúng tôi đã cấp tập triển khai ngay từ khi xây dựng nhà máy. Nhờ tăng tỷ lệ nội địa hóa mà mức giá "3 Không" trên thực tế của chúng tôi hiện thấp hơn so với mức công bố tại thời điểm cách đây một năm, khi chưa sản xuất hàng loạt.
Hiện VinFast đã tự sản xuất được một phần động cơ và phần lớn thân vỏ, nên giảm được đáng kể chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, VinFast cũng đã nội địa hóa thêm được nhiều linh kiện khác như hộp số, cầu trước, cầu sau, các linh kiện thân vỏ, ghế xe, ốp nội thất… Với các linh kiện buộc phải nhập, chúng tôi đã đàm phán được với các nhà cung cấp để được giá tốt nhất.
Về chi phí quản lý, ngay sau khi tiến hành SOP (sản xuất hàng loạt và giao xe cho khách hàng) vào tháng 7/2019, VinFast đã chủ động tối ưu hóa các quy trình sản xuất, qua đó giảm đáng kể chi phí sản xuất và chi phí quản lý.
Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu có thêm sự hỗ trợ từ các chính sách thuế, phí của nhà nước, cùng với những nỗ lực không ngừng của VinFast, giá xe sẽ tiếp tục được giảm xuống trong thời gian tới.
Lộ trình tăng tỷ lệ Việt trong xe VinFast sẽ như thế nào thưa bà?
Một mặt, VinFast vẫn đang tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh hơn nữa việc hình thành và phát triển khu công nghiệp phụ trợ ngay trong tổ hợp sản xuất VinFast, qua đó từng bước nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và tạo ra một chuỗi giá trị cho các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam.
Mặt khác, chúng tôi đã thành lập các Viện nghiên cứu thiết kế ô tô (đặc biệt là ô tô điện), Viện nghiên cứu thiết kế xe máy điện, Viện nghiên cứu pin (bao gồm cả nghiên cứu phát triển cell pin và đóng gói), Viện nghiên cứu công nghệ điều khiển xe thông minh - tự lái… để tăng hàm lượng chất xám Việt và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bởi mục tiêu của VinFast không chỉ nhằm giảm giá xe. Chúng tôi mong muốn thực hiện bằng được sứ mệnh của một doanh nghiệp dẫn dắt và truyền cảm hứng trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện, qua đó góp phần xây dựng và thúc đẩy ngành công nghiệp nước nhà cùng phát triển.
Nhịp sống kinh tế