Shark Đỗ Liên nói gì sau hai thương vụ đầu tư đình đám tại Shark Tank?
Sau 3 tập Shark Tank Việt Nam, độc giả có thể nhận rõ khẩu vị của cá mập "Bà Ngoại" Đỗ Liên: Đề cao những startup có giá trị lan tỏa tích cực mang lại giá trị cho cộng đồng, lưu giữ tính dân tộc – văn hóa và không cổ súy những mô hình kinh doanh gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của giới trẻ.
Bà Đỗ Liên – Nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN, đồng thời là 1 trong những "cá mập" mới trong Shark Tank Việt Nam mùa 3 năm nay đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Chào bà, lý do nào để bà quyết định rót khoản đầu tư "khủng" 10 tỷ đồng cho Lamita Dance Fitness? Bà và Shark Hưng đã có kế hoạch sẽ hỗ trợ startup như thế nào?
Tôi thích năng lượng tích cực từ Linh Lamita truyền đến mọi người ngay khi cô ấy vừa xuất hiện. Đó là ấn tượng đầu tiên tôi cảm nhận được. Với kinh nghiệm của một nhà đầu tư, tôi cũng thấy mô hình của Lamita còn nhiều việc phải tái cấu trúc, phát triển. Tuy nhiên, Lamita có ba lợi thế cạnh tranh độc lập, đó là huấn luyện viên, học liệu và nền tảng số dành cho hệ thống phòng tập nhảy đầu tiên tại Việt Nam.
Trong giai đoạn chuyển đổi mô hình Lamita thời gian tới, cả tôi và Shark Hưng sẽ cùng ngồi lại với CEO, phân tích kỹ lưỡng từng hạng mục, đánh giá lại toàn bộ hệ thống vận hành để tìm ra những giải pháp tối ưu cho chiến lược phát triển nền tảng số, quy trình quản lý, vận hành. Chúng tôi sẽ cùng nhau hướng tới mục tiêu truyền năng lượng sống tích cực cho phụ nữ, để cả cộng đồng đều là những người khoẻ mạnh về thể chất và hạnh phúc trong tâm hồn, bằng chất dẫn là âm nhạc và vận động.
Hai thương vụ đầu tư liên tiếp của bà có điểm chung là đều do CEO nữ đi gọi vốn, có vẻ các startup nữ rất dễ lọt vào tầm ngắm của Shark Đỗ Liên? Bà nhận xét như thế nào về hai nữ CEO mình đã đầu tư?
Là một người đi lên từ con số 0, tôi rất đồng cảm và chia sẻ nỗi vất vả của phụ nữ làm kinh doanh. Để thành công, CEO nữ phải kiên cường và nỗ lực gấp nhiều lần nam giới. Những thử thách trong cuộc sống, có thể là định kiến xã hội, là tiếng nói và uy tín của một thủ lĩnh, là ảnh hưởng của thời gian và thiên chức làm vợ làm mẹ tác động lên sức khỏe, dung mạo, buộc người phụ nữ phải đối mặt và vượt qua. Vì vậy, tôi trân trọng và muốn ủng hộ, khuyến khích các bạn startup nữ, từ đó truyền cảm hứng khởi nghiệp lan toả hơn nữa trong cộng đồng.
Về hai CEO, ở họ có những điểm mạnh thu hút khác nhau. Thùy Trang của Làng Chài xưa là người rất tâm huyết, trách nhiệm với sản phẩm, dự án bảo tồn và gìn giữ các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của ông cha mình; Thùy Linh của Lamita tuy còn lúng túng trong vấn đề quản trị và tài chính nhưng là người sở hữu nhiều năng lượng và đam mê. Tôi rất hài lòng khi có hai bạn trẻ này về đội của mình.
Có nhiều nhận xét cho rằng khẩu vị của Shark Liên khá đặc biệt vì bà sẽ từ chối rất nhanh các startup có giấc mơ "kỳ lân"gọi vốn triệu USD, nhưng lại "đơn thân độc mã" quyết liệt muốn đầu tư vào các startup mang lại giá trị cho cộng đồng. Vì sao bà lại quyết định như vậy?
Quan điểm đầu tư của tôi rất rõ ràng, những dự án đề cao tính nhân văn, duy trì các giá trị truyền thống, dự án vì môi trường, vì cộng đồng và người đứng đầu biết truyền cảm hứng và lan tỏa năng lượng tích cực…, tôi đều muốn hỗ trợ. Con số đầu tư không phải là vấn đề lớn, lợi nhuận từ dự án cũng không phải là điều hấp dẫn nhất để tôi quyết định, thậm chí tôi còn sử dụng lợi nhuận từ dự án để tái đầu tư vào cộng đồng. Tôi muốn cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, củng cố niềm tin, giúp các bạn trẻ định vị bản thân và phát triển vượt ra ngoài giới hạn của chính các bạn trong vai trò "bà đỡ" hơn là tính toán lời lỗ.
Về hai mô hình kinh doanh trò chơi xuất hiện gần đây nhất tại Shark Tank, dù không hài lòng về Sử Hộ Vương nhưng bà vẫn đề nghị đầu tư, còn Divine Corp tại sao bà lại thể hiện sự phản đối gay gắt như vậy?
Mô hình kinh doanh trò chơi không phải "gu" của tôi, nhưng việc tôi đưa ra đề nghị đầu tư dự án Sử Hộ vương để định hướng cách nhìn của Startup này về lịch sử dân tộc theo cách chính xác hơn. Tôi sẽ thấy có lỗi và bị tổn thương nếu giới trẻ tham gia vào một trò chơi khiến lịch sử Việt Nam bị hiểu sai lệch.
Tuy thương vụ không thành công, nhưng hiệu ứng từ những lời khuyên của tôi cũng như phản ứng của cộng đồng mạng đã có tác dụng, các bạn startup của Sử Hộ Vương đã có động thái chỉnh sửa các thiết kế của mình. Còn mô hình của Divine Corp lại khác, tôi từ chối đầu tư vì không thấy dự án có phương án kiểm soát được các hệ luỵ từ việc chơi game của giới trẻ. Điều này đi ngược lại với quan điểm đầu tư của tôi.
Sau tập 3, có nhiều khán giả trẻ cho rằng bà cổ hủ, đi sau thời đại khi chưa hiểu và nắm bắt được tiềm năng của thị trường eSports, bà có buồn về điều này?
Tôi có xem những ý kiến phản hồi từ các bạn trẻ, đầy đủ khen chê, nhưng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm. Là một bà ngoại, một người mẹ có con ở độ tuổi đang lớn, tôi hiểu rõ giới trẻ thường khá tự tin với sự lựa chọn của mình mà không lường được hết hậu quả về sau. Nhưng tôi là thế hệ đi trước, đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, hiểu thế nào là được mất, nên tôi không muốn các bạn phạm sai lầm để rồi trả giá đắt.
Khi quyết định ngồi vào ghế nóng, tôi cũng đã lường được những vấn đề mình sẽ phải đối diện. Vậy nên những ý kiến chưa đồng tình của khán giả trẻ không làm tôi buồn, mà lại thúc đẩy tôi tiếp tục các chiến lược, dự án nhân văn khác để định hướng, hỗ trợ giới trẻ trưởng thành, sống có trách nhiệm hơn.
Bản thân tôi từng là một giáo viên, tôi không muốn thế hệ con cháu mình sa đà và mất kiểm soát bởi game online. Tôi mong các bạn trẻ hãy dành thời gian học tập thật tốt, học hỏi và tích luỹ kiến thức cho tương lai, tham gia những hoạt động thể chất, giải trí lành mạnh, làm gì cũng cần biết giới hạn để trở thành người dẫn đầu kỷ nguyên hiện tại.