MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shark Hưng là "người nhà" với công ty nghi là đa cấp biến tướng BBI Việt Nam?

13-12-2019 - 11:13 AM | Doanh nghiệp

Dù đứng tên là ứng dụng mua sắm tiêu dùng, hoàn tiền tích điểm, song mua sắm trên BBI Mall lại không cần hàng hoá thật. Ngoài chiêu thức trả lãi lên tới 180%/năm, BBI Việt Nam còn kéo người tham gia nhờ mức phần trăm hoa hồng hấp dẫn từ việc giới thiệu người mới vào hệ thống.

Tháng 1 năm nay, Shark Phạm Thanh Hưng, gương mặt thân quen của gameshow Shark Tank Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Mall. Theo giới thiệu, với ứng dụng này, người bán có thể tìm kiếm được nguồn khách hàng trung thành (thông qua cơ chế mua sắm tích điểm) và quảng cáo miễn phí về các sản phẩm còn người mua nhận được nhiều ưu đãi lớn.

Tại một sự kiện khác tổ chức vào tháng 3, Shark Hưng còn vui vẻ khẳng định "sau lễ ký kết, hôm nay tôi đã trở thành người nhà của BBI rồi".

Tuy nhiên, giai đoạn sau này, có nhiều nghi vấn đặt ra liên quan đến hình thức hoạt động của BBI Mall, khi xuất hiện nhiều giao dịch "ảo" mua bán những sản phẩm không có thật và trả lãi suất cao nhằm mục đích thu hút người sử dụng đổ tiền vào ứng dụng.

Cụ thể theo nguồn tin từ VTV 24, vài tháng trước, một người phụ nữ tên Phương được mời tham gia ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Mall. Chị được hướng dẫn lập 2 tài khoản bằng 2 số điện thoại khác nhau, sau đó tạo một đơn bán hàng ảo với giá trị 400 triệu đồng. Đơn ảo tức là không có hàng hóa thật. Hai tài khoản của chị sẽ tiến hành mua và bán trên đơn hàng ảo này.

Việc của chị Phương là chuyển 10% giá trị đơn hàng, tương đương 40 triệu đồng chiết khấu bằng tiền thật vào tài khoản ngân hàng của BBI. Đổi lại chị nhận ngay 400 triệu tích điểm vào tài khoản trên ứng dụng. Số điểm này hàng ngày sẽ được chuyển đổi thành tiền theo tỷ lệ 0,05%/ngày.

Tính ra, mức lãi suất lên tới 18,25% mỗi năm. Tuy nhiên, vì BBI trả lãi dựa trên mức 400 triệu tích điểm, thay vì 40 triệu đồng tiền thật, nên lãi suất chạm ngưỡng hơn 180%/năm.

Shark Hưng là người nhà với công ty nghi là đa cấp biến tướng BBI Việt Nam? - Ảnh 1.

Mô hình điểm thưởng của BBI Mall.

Một nhân vật khác xuất hiện trong phóng sự của VTV24 là anh Thanh. Theo đó, anh đã bỏ ra 200 triệu đồng tham gia BBI Mall. Vợ chồng anh được hướng dẫn lập đơn ảo mua và bán ô tô trị giá 2 tỷ đồng. Tài khoản của vợ bán ô tô còn chồng thì mua, mục đích là để đầu tư 200 triệu đồng vào BBI Việt Nam. Anh tính toán khoảng 7 tháng là thu hồi vốn, tài khoản thì vẫn còn 2 tỷ tích điểm để chuyển thành tiền.

"Mỗi ngày sáng ngủ dậy là thu về 1 triệu đồng, khoảng 7 tháng là thu hồi vốn đầu tư. Số còn lại cứ thế hưởng thôi, vẫn chảy 0,05% vào tài khoản hàng ngày".

Theo nhận định của VTV24, BBI Mall chẳng khác nào ứng dụng kiếm tiền thần kỳ. Cứ đủ 500.000 đồng là khách hàng được rút tiền mặt về tài khoản ngân hàng.

Nhưng quan trọng hơn, nếu càng lôi kéo được nhiều thành viên vào hệ thống, mức lợi nhuận người tham gia nhận về càng lớn. Cụ thể, nếu người số 1 giới thiệu người số 2 thì người số 1 ngay lập tức nhận được 5% hoa hồng dựa trên mức chi tiêu của người 2. Người 2 giới thiệu người 3 thì người 2 nhận 5%, còn người 1 cũng nhận được 2,5% hoa hồng của người 3. Cứ thể cho đến người tham gia thứ 10.

Với đối tượng tham gia là doanh nghiệp, BBI Mall áp dụng công thức trên nhưng chỉ giới hạn tới lớp khách hàng số 6.

Shark Hưng là người nhà với công ty nghi là đa cấp biến tướng BBI Việt Nam? - Ảnh 2.

Shark Hưng tại lễ ra mắt ứng dụng BBI Mall.

VTV24 dẫn lời Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico cho rằng nếu nhìn vào mô hình BBI Mall trong việc thu hút người chơi có vẻ phức tạp nhưng đây vẫn là mô hình đa cấp biến tướng. Ở đó nguồn tiền trả cho người tham gia vẫn là lấy tiền của người sau trả cho người trước

"Đa cấp hợp pháp cấm hoạt động có tính chất dịch vụ, chỉ được mua bán hàng hóa thôi. Trường hợp này dấu hiệu không phải bán hàng, không phải hoạt động thương mại bình thường mà chỉ là làm sao để huy động mọi người nộp tiền vào rồi họ sẽ hưởng lãi, hưởng quyền lợi trên số tiền đó".

Cũng theo VTV24, nhiều chuyên gia nhận định công ty BBI Việt Nam đã rất tinh vi khi đưa ra mô hình ứng dụng mua sắm online BBI Mall với chiêu thức mang tên "thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử", phù hợp với xu hướng mua sắm qua mạng hiện nay nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Nhưng thực tế đây chỉ là "vỏ bọc" mà mục đích của người tham gia không phải là mua hàng mà là tham gia việc đầu tư, đổ tiền vào hệ thống. Tiền đầu tư thì được gọi là chiết khấu, còn lãi thì được gọi là chuyển đổi điểm thành tiền thật lên tới 180% mỗi năm.


Theo Nhật Anh (tổng hợp)

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên