Shark Nguyễn Xuân Phú: Người Việt cùng làm chung, đa phần thành cũng tan mà bại cũng tan!
Qua 4 tập phát sóng của Shark Tank Việt Nam, ấn tượng mạnh nhất của nhiều người về Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse có lẽ là câu hỏi ‘nắn gân’ thường trực: “Nếu thất bại, em làm thế nào hoàn vốn lại cho anh?”…
- 04-12-2017Shark Tank tập 4: “Cá mập” tranh giành đầu tư vào startup giao hàng nhanh
- 04-12-2017Sau khi hỏi ý kiến vợ, chủ startup chấp nhận cầm cố nhà để nhận 5 tỷ đồng từ shark Phú, bất chấp việc “cả nhà phải ra đường”
- 03-12-2017Shark Tank: Khôn khéo lấy 2 tỷ đầu tư dù được đề nghị 3 tỷ, chàng trai chiến thắng thuyết phục
“Tố chất quan trọng nhất của một Startup là phải kiên trì theo đuổi mục tiêu. Đa phần Startup tôi biết rất trẻ, nhiều hoài bão, nhưng dễ nản và bỏ cuộc giữa chừng. Nếu bỏ cuộc giữa chừng, cái đáng tiếc nhất là công sức của các bạn ấy, ngoài ra còn cả tiền của nhà đầu tư , và cuối cùng là ý tưởng không biến thành hiện thực, không tạo ra được sản phẩm có giá trị cho cuộc sống”, Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse – trải lòng.
Shark Tank Việt Nam đã phát sóng đến tập thứ 4, và tập nào cũng gây tranh cãi cả về Startup lẫn cách “cá mập” săn mồi.
Với Shark Nguyễn Xuân Phú , ngoài ấn tượng về sự tinh tường, có lẽ điều mọi người nhớ nhất về ông qua chương trình Shark Tank là câu hỏi ‘nắn gân’ thường trực: “Nếu thất bại, em làm thế nào hoàn vốn lại cho anh?”…
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông chủ Sunhouse quanh câu chuyện “nhìn tướng” Founder, những chiêu các Startup thường dùng khi gọi vốn, và cả chiêu ông hay dùng để thử thách các bạn trẻ.
Nếu gọi vốn thấy dễ dàng, có thể các bạn trẻ không quản trị mình
* Xin ông cho biết vì sao ông thường hỏi các bạn “Nếu thất bại, em làm thế nào hoàn vốn lại cho anh?”
Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse: Tố chất quan trọng nhất của một Startup là phải kiên trì theo đuổi mục tiêu. Đa phần Startup tôi biết rất trẻ, nhiều hoài bão, nhưng cũng dễ nản.
Nhiều khi các bạn trẻ thế hệ 9x, 2000 được sinh ra trong một môi trường rất sướng, nếu gặp khó khăn rất dễ nản và bỏ cuộc giữa chừng. Đấy là lý do tại sao tôi thường đưa ra những điều kiện xấu nhất, để bạn ấy thấy rằng nếu không may hết tiền thì bạn ấy phải chịu cực khổ, gian nan hoặc phải trả giá, để thử tính kiên nhẫn của các bạn ấy.
Nếu không, họ nhận được tiền, làm hết rồi có thể chuyển sang nghề khác, làm thuê…, rất đơn giản, chẳng mất gì. Cái khó là Startup chịu được đến thời điểm vượt qua cái ngưỡng để hòa vốn, lúc ấy bạn ấy có thể bắt đầu phát triển. Nhưng nếu bỏ cuộc giữa chừng, cái đáng tiếc nhất là công sức của các bạn ấy, ngoài ra còn cả tiền của nhà đầu tư, và cuối cùng là ý tưởng không biến thành hiện thực, không tạo ra được sản phẩm có giá trị cho cuộc sống.
Ngoài ý tưởng tốt đẹp, không có tính bền gan, kiên trì và căn cơ tính toán, tiết kiệm giai đoạn đầu thì rất khó thành công, cho dù ý tưởng đấy tốt đẹp bao nhiêu. Đấy là cảm nhận từ trải nghiệm của chúng tôi.
Thông thường tôi hay test, kiểm tra tính kiên nhẫn của các bạn. Mà đấy không phải test, đấy là sự thực. Các bạn phải trả giá nếu các bạn thất bại.
Nó là tấm gương cho những người khác. Nếu không, các bạn huy động vốn cảm thấy dễ dàng, có thể không quản trị mình.
* Hình như không phải Startup nào anh cũng đặt ra câu hỏi đấy?
Nếu qua các câu hỏi và trả lời trước đó có thể thẩm định được tính cách người ta rồi, sẽ không cần phải đặt điều kiện. Chính vì thế, có những bạn nắm rất rõ tình hình tài chính, biết rõ được tình hình của mình như thế nào rồi, tôi không cần phải đặt ra những câu hỏi đấy.
* Qua nội dung gọi vốn của Nano Curcumin trong Shark Tank Việt Nam tập 4, khi anh yêu cầu đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu 30%/năm, một số ý kiến cho rằng nên chăng đi vay ngân hàng, lãi suất còn thấp hơn nhiều…
Thực ra mọi người không nghe kỹ. Mức đề xuất lợi nhuận ấy là do chính Startup đưa ra. Họ cam kết sẽ đem lại lợi nhuận tối thiểu là 30%.
Để tránh trường hợp họ nói hươu nói vượn, và hứa lung tung thì tôi nói: “OK, anh hứa như thế thì anh phải có gì đảm bảo lời hứa đó”.
Tôi muốn khẳng định lại lời nói của họ có chuẩn hay không. Không phải tôi yêu cầu mức lợi nhuận đó, mà mức đó chính họ đưa ra và cam kết như vậy.
Người Việt cùng làm chung thì đa phần thành cũng tan mà bại cũng tan!
* Ông xem tướng rất khá thì phải… Làm thế nào để ông nhìn ra Startup nào có thể đồng hành?
Thực ra nói “tướng” thì không đúng. Con người ta về cơ bản, tính cách thường thể hiện ra. Các cụ đã nói “nhìn mặt mà bắt hình dong”, thì từ ánh mắt, thái độ, cử chỉ… những nét trên mặt sẽ thể hiện tính cách của con người đó.
Với một người đồng hành với họ, quan trọng nhất là Thái độ và Đạo đức. Thường người Việt lúc khởi nghiệp cần tiền thì có thể bằng mọi giá để có được tiền, tới lúc giả định anh thành công thì nghĩ rằng: “Tôi là người làm ra tất cả, tại sao tôi lại phải chia?”
Thông thường những cuộc làm chung thì thành công cũng tan vỡ mà không thành công cũng tan vỡ. Chỉ những người đi với nhau có đạo đức, nhân cách thì sẽ tồn tại được với nhau. Còn đa phần thành cũng tan mà bại cũng tan.
Người đi cùng bao giờ cũng có người làm nhiều, người làm ít. Người làm nhiều sẽ tự vấn: “Tại sao tôi phải chia tiền cho ông kia, ông kia chả làm gì cả”.
Ngay cả với nhà đầu tư, người Startup cũng có thể có suy nghĩ “Tất cả tôi làm hết. Công sức tôi đầu tư, ý tưởng của tôi, tôi quản lý hàng ngày… Chỉ rót cho tôi tí tiền tại sao tôi lại phải chia?”, ví dụ như vậy.
Thường họ sẽ cheating, tìm cách nào đó tư lợi, dẫn đến quan hệ đổ vỡ, đó là tấm gương của rất nhiều các kiểu làm ăn chung ở Việt Nam. Chính vì vậy, khi tôi đầu tư, người đứng ra quản trị công ty đó vô cùng quan trọng, tôi đặc biệt quan tâm tới thái độ, đạo đức của họ.
Chính vì vậy, tôi phải quan sát rất kỹ hành vi, tướng mạo, cử chỉ, đoán được phần nào con người họ, rồi mới đi đến quyết định.
Chắc chắn sau show truyền hình sẽ có nhiều trường hợp không được đầu tư
* Ông thấy các Startup hay sử dụng chiêu trò gì khi gọi vốn?
Thực ra tôi thấy họ hay vẽ. Qua các cuộc nói chuyện, gần như số liệu họ đưa ra không đúng. Khi tôi check, dữ liệu thường không logic với nhau. Có trường hợp Startup nói doanh thu của họ 30 tỷ đồng, lãi 30%, năm trước đó doanh thu được 20 tỷ đồng, lãi 6 tỷ đồng.
Tức là sau 2 năm, họ lãi được 16 tỷ rồi. Nhưng khi hỏi tổng tài sản bao nhiêu, họ bảo có 4 - 5 tỷ đồng thôi, vậy đi đâu mất hơn 10 tỷ đồng?
Với kinh nghiệm của chúng tôi, chỉ cần check chút xíu có thể thấy sự không logic của họ, chỉ cần hỏi vài câu là biết ngay người trình bày trung thực hay không.
Chắc chắn một điều rằng, mặc dù chúng tôi cam kết đầu tư trên truyền hình, nhưng khi đi vào kiểm tra, sẽ có rất nhiều trường hợp không được đầu tư. Lý do là các bạn hoặc không biết, hoặc cố tình không trung thực trong dữ liệu.
Lời khuyên cho các bạn là phải chuẩn bị thật kỹ, vì quá trình cam kết trên truyền hình chỉ có 1 tiếng. Đương nhiên tất cả số liệu đưa ra về sau sẽ được thẩm định lại. Nếu các bạn đưa ra số liệu không đúng, chắc chắn cơ hội được đầu tư sẽ thay đổi rất nhiều.
Định giá một doanh nghiệp chủ yếu dựa vào số liệu tài chính và ý tưởng, sự phát triển trong tương lai. Những số liệu ấy không đúng thì giá trị công ty sai ngay. Khi giá trị công ty sai, đương nhiên mức đầu tư sẽ khác, cơ hội đầu tư sẽ khác.
Điều này rất dễ gây tranh cãi trong tương lai, và có thể xảy ra mâu thuẫn giữa nhà đầu tư với các Startup.
Lời khuyên cho cá bạn là riêng phần tài chính, các bạn phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chuẩn xác, làm căn cứ để kiểm toán sau này. Khi kiểm toán đúng thì không có lý do gì hỏa thuận không được thực thi.
Đấy là bài học mà các Startup chưa tham gia, nếu muốn tham gia cần phải hiểu rõ.
* Xin cảm ơn ông!
Trí thức trẻ